“Ichi-go, Ichi-e” (一期一会)
Câu thành ngữ Nhật Bản truyền đạt lời răn dạy rằng mỗi khoảnh khắc đều quý giá. Câu này không thể dịch từng chữ, mà phải nắm bắt đại ý bên trong.
Nghĩa đen của câu là “mỗi thời điểm, một lần gặp gỡ”, cụm từ này nhấn mạnh một cách sâu sắc rằng mỗi cuộc tụ họp và gặp gỡ— dù chỉ thoáng qua — cũng là duy nhất, và do đó rất quý giá.
Bài học mà câu thành ngữ muốn truyền đạt chính là: hãy trân trọng từng khoảnh khắc, và trân quý mọi cuộc gặp gỡ trong cuộc đời, bởi vì những khoảnh khắc đó sẽ không bao giờ lặp lại.
Câu thành ngữ này có thể bắt nguồn từ trà sư Sen no Rikyū, nhân vật quan trọng và có ảnh hưởng bậc nhất trong trà đạo Nhật Bản. Không có gì ngạc nhiên khi triết lý làm nền tảng cho thành ngữ này cũng được thể hiện đầy đủ trong trà đạo.
Bên cạnh các yếu tố nghi thức và tính trang trọng của trà đạo, mỗi dịp thưởng trà đều là duy nhất — những người thưởng trà có thể khác, sự tương tác cũng khác, vị trí chỗ ngồi khác, thời gian và mùa khác, v.v.
Khi bước qua cánh cửa nhỏ ngăn cách bên ngoài với bên trong phòng trà (chashitu (茶室)), mọi người đều sẽ trở nên bình đẳng – kể cả các lãnh chúa samurai thù địch nhau cũng sẽ gác kiếm sang một bên để thưởng thức trà, dù rằng khi tiệc trà kết thúc và khi bước ra khỏi căn phòng, họ có thể lại tiếp tục chiến đấu với nhau.
Câu thành ngữ gợi cho ta một cảm giác chân thực về tính phù du của đời người. Mỗi khoảnh khắc trôi qua đều giống như một hạt cát trong đụn cát thời gian luôn biến động.
Và chúng ta chỉ là những hành khách lướt qua đám mây, để quan sát mọi khoảnh khắc, từ đầu đến cuối.
– Theo Phương Thu –