Trong cuộc sống bạn đã gặp được người thường ân cần chia sẻ thời gian sống của mình khi bạn đang bế tắc, cần tâm sự hay giúp đỡ chưa?
Họ thường lắng nghe bạn và cho bạn cảm giác rằng họ cũng có chung những cảm xúc với bạn và không phán xét hay tỏ ra hiểu biết hơn? Họ tin tưởng, quan tâm, thấu hiểu bạn, họ biến cuộc sống của bạn mỗi ngày đều rực rỡ như một ngày nắng đẹp?
Chúc mừng bạn, bạn thật may mắn! Bởi rất có thể họ có được bí mật quyền năng của Bậc Thầy Lắng Nghe – Lắng nghe đồng cảm mà không hề biết!
- THẾ NÀO LÀ LẮNG NGHE ĐỒNG CẢM?
Đó là kĩ năng quan trọng hàng đầu để chữa lành tổn thương, bế tắc trong mỗi con người.
Đó là khả năng liên kết với cảm xúc của những người khác một cách tự nhiên, tự nguyện và có thể đặt mình vào hoàn cảnh của họ để cảm giác những điều mà họ phải đối mặt. Việc bạn nhận ra được những cảm xúc nào đấy ở người nói cũng tương tự những cảm xúc mà bạn từng trải qua, tất cả điều này đều thuộc về ý nghĩa của đồng cảm.
Đừng nhầm đồng cảm với Thông cảm (sympathy) liên quan đến thái độ thừa nhận cảm xúc của người khác và đôi lúc có thể bao hàm cả sự thương hại. Lòng trắc ẩn (compassion) thường là: Kết nối cảm xúc với hoàn cảnh của người khác và “thương cảm” họ theo hướng muốn giúp đỡ hơn là chia sẻ xúc cảm.
- NỀN TẢNG CỦA LẮNG NGHE ĐỒNG CẢM LÀ GÌ?
Dưới đây là sáu nền tảng của lắng nghe đồng cảm. Bạn hãy đọc thật kĩ vì đây là những gì bậc thầy lắng nghe phải thực hiện-được cũng như đạt-được trong cuộc lắng nghe.
1/ Xây dựng niềm tin và tôn trọng:
Khi lắng nghe một người với sự quan tâm, không chủ tâm góp ý hay phán xét, thì dẫu không nói một lời, bạn cũng đang giúp họ tự tin hơn. Điều đó làm họ thêm tin tưởng bạn. Nguyên tắc là khi bạn trao đi niềm tin và sẽ nhận lại được lòng tin.
2/ Giúp giải phóng và hóa giải những cảm xúc tiêu cực:
Khi chia sẻ một cách cởi mở về các tâm cảm bị tích lũy lâu ngày, người nói như được tháo nút thắt và trút bỏ được những thứ không cần thiết trong một túi đồ quá nặng. Do vậy hãy tập trung lắng nghe những cảm xúc tiêu cực của người nói, nó giúp nỗi bế tắc được giải tỏa.
3/ Tách khỏi mâu thuẫn bằng sự đồng cảm:
Khi ta thấu hiểu một người, ta không có nhu cầu tranh giành và xung đột với người đó nữa. Vậy nên bằng cách đồng cảm với người nói, hiểu cảm xúc của họ và tái hiện cảm xúc đó trong mình, người nghe mới có thể thoát ra khỏi những mâu thuẫn và bế tắc của người nói.
4/ Giúp người nói tự tìm ra nguyên nhân và giải pháp cho các vấn đề:
Hãy tạo lập một quá trình giúp người nói dần tự tìm ra nguyên nhân vấn đề của mình, đồng thời tự đưa ra giải pháp và chịu trách nhiệm cho giải pháp đó.
5/ Tiếp nhận và xử lí thông tin theo mạch cảm xúc và tâm lí:
Hãy nắm lấy dòng thông tin, mạch cảm xúc và tâm lí của người nói là nhiệm vụ của bậc thầy lắng nghe đồng cảm.
6/ Phát hiện cảm xúc và tâm lí tích cực:
Biết cách khơi dậy và khuyến khích người nói tự tìm được phần tích cực trong mình. Kĩ năng lắng nghe đồng cảm phát hiện những cảm xúc tốt đẹp hé lên trong mỗi câu chuyện và tận dụng những điểm mạnh của người nói để khơi dậy phần tích cực trong người nói.
- VẬY TÔI CẦN PHẢI LÀM GÌ ĐỂ CÓ ĐƯỢC KĨ NĂNG LẮNG NGHE ĐỒNG CẢM?
Lắng nghe đồng cảm, cũng như mọi kĩ năng lắng nghe khác, cần đến sự thực hành thường xuyên. Hơn hẳn mọi kĩ năng khác, lắng nghe kiến tạo ra cả người nghe và người nói, thậm chí kiến tạo cả nhân cách của người nghe và người nói.
Dưới đây là những kĩ thuật lắng nghe đồng cảm sẽ cần bạn liên tục thực hành và làm chủ:
1/ Hãy chú tâm và sử dụng những cử chỉ vô ngôn tích cực:
Sử dụng những cử chỉ tỏ ý tán thành và thể hiện sự chăm chú như gật đầu, bắt chước biểu cảm trên gương mặt, cười,… Những cử chỉ này luôn khích lệ người nói bộc lộ hơn nữa những cảm xúc, nội tâm của họ.
2/ Đừng hỏi nhiều, chỉ hỏi để mở cánh cửa cảm xúc:
Nên dùng những câu hỏi ngắn thỉnh thoảng xen kẽ vào cuộc đối thoại. Còn những câu hỏi dồn dập, chi tiết, hoặc những câu hỏi như “vì sao?” lại gây cho người nói cảm giác bạn đang bóc mẽ họ.
3/ Trở thành cái gương xúc cảm:
Mô phỏng từ cử chỉ, giọng điệu cho đến nội dung câu chuyện của người nói sao cho mọi sự mô phỏng ấy đều tái hiện cảm xúc của người nói.
4/ Không dùng các câu nói mang tính phủ nhận cảm xúc của người nói:
Những câu phủ nhận cảm xúc sẽ tạo ra một vết nứt trong mối quan hệ, nên nhớ trọng tâm của lắng nghe đồng cảm vẫn là sự đồng thuận cảm xúc.
5/ Cạm bẫy cảm xúc của người nghe và người nói:
Nguyên tắc nền tảng trong tâm lí trị liệu là nhà trị liệu không được nảy sinh tình cảm (kể cả yêu và ghét) với thân chủ của anh ta. Bởi những cảm xúc này đều là dấu hiệu cho thấy nhà trị liệu đang “lây bệnh” của thân chủ. Và quá trình trị liệu sẽ có nguy cơ thất bại nếu anh ta sa đà.
6/ Sẵn sàng để người đối thoại là “nhân vật chính” trong buổi trò chuyện:
Bạn không được chăm chăm thể hiện ý kiến cá nhân cũng như làm chủ cuộc đối thoại. Bạn phải tránh thái độ thích cho mình là “ngôi sao” và nhường ánh sáng cho người khác một chút!
7/ Vượt lên nghĩa bề mặt của những lời được nói để có một trái tim nhạy cảm:
Hãy nhìn vào trái tim mình và cảm nhận những tiếng nói của họ. Cảm nhận đi, thay vì bám vào nội dung, ý nghĩa của từ ngữ.
8/ Dùng sự im lặng để đồng cảm:
Khoảng lặng trong lắng nghe tích cực là để mọi người tự nhìn lại mình, khoảng lặng trong lắng nghe đồng cảm để gia tăng sự đồng cảm giữa người nghe và người nói.
Để trở thành một người biết lắng nghe đồng cảm không quá phức tạp, đúng không?
Bằng sự quan tâm, tin tưởng và thấu hiểu người khác, bạn cũng đang giúp chính mình loại bỏ những thói quen tiêu cực cố hữu, như thói quen đặt bản ngã và những ý nghĩ cá nhân lên trước người khác, dùng quan niệm của bản thân để áp đặt người khác thay vì đặt mình vào họ,… để từng bước trở thành một người có khả năng lắng nghe với trái tim rộng mở và tâm hồn bao dung.
– OOPSY – Cộng đồng dành cho những người đam mê tâm lí học và tâm lí trị liệu –