“Lười biếng” là điều không ai muốn người khác nói về mình như vậy. Trong xã hội ngày càng phát triển, con người cũng cần phải cố gắng hơn để để tìm kiếm cho mình cơ hội thành công, và cơ hội đó tất nhiên sẽ không dành cho những người lười làm việc.
Thế nhưng, không phải lúc nào lười biếng cũng là xấu, quan trọng là việc bạn biết cách lựa chọn thời gian và không gian phù hợp. Người Ý đã vận dụng rất tốt điều này và biến nó trở thành một nghệ thuật hưởng thụ cuộc sống thú vị mang tên “La dolce far niente”.
Khái niệm sống thảnh thơi của người Ý
“La dolce far niente” là cụm từ mà người Ý sử dụng để diễn tả cảm giác thoải mái, tĩnh lặng đến từ trạng thái nhàn rỗi, không cần phải làm gì cả.
Khi nói về việc nhàn rỗi ở nước Ý, hầu hết mọi người đều tưởng tượng đến một mùa hè rực rỡ, những chuyến đạp xe dạo quanh góc phố, những tách cà phê thơm lừng trong một quán nhỏ ven đường. Và để tận hưởng toàn bộ điều đó, chắc hẳn chúng ta phải có một thời gian dài tạm ngừng làm việc hay học tập.
Tuy nhiên, điều đó chỉ đúng khi nói đến cuộc sống ở các thành phố khác của Ý. Riêng đối với người dân ở thành phố Florence và Tuscany, việc tận hưởng cuộc sống nhàn rỗi không chỉ dành riêng cho những người giàu thời gian, mà đó là một triết lý đã ăn sâu vào tâm hồn.
Họ không cần thời gian nghỉ phép dài để tận hưởng cuộc sống, thay vào đó, họ tìm kiếm niềm vui từ những thứ rất gần gũi, thân thuộc, chẳng hạn như một món ăn ngon, một bài hát hay, một quyển sách thú vị.
Trong bộ phim Eat Pray Love (2010), có một phân cảnh vô cùng nổi tiếng khi nhận vật của Julia Roberts tự trách mình rằng tất cả những gì cô ấy đã làm trong 3 tuần ở Rome là ăn và học một vài từ tiếng Ý. Lúc đó, những người bạn Ý của cô đã trả lời rằng: “Bạn không biết cách tận hưởng cuộc sống”, đồng thời nói cho cô về khái niệm “la dolce far niente” – sự ngọt ngào khi không phải làm gì cả.
Xu hướng sống này phổ biến tới nỗi khách sạn Belmond đã khởi động một chiến dịch trải nghiệm xung quanh khái niệm này ở trung tâm vùng nông thôn Tuscan. Thật dễ dàng để tận hưởng cảm giác ngọt ngào khi không phải làm gì trong lúc thư giãn bên hồ bơi vô cực nhìn ra những ngọn đồi Tuscan, nhưng chính bằng cách bước vào thế giới của người dân địa phương Ý, ý nghĩa của “dolce far niente” mới thực sự trở nên sống động.
Thảnh thơi trong mọi khía cạnh của cuộc sống
Nửa giờ lái xe từ Castello di Casole sẽ đưa bạn đến Radicondoli, một xã yên bình trên đỉnh đồi ở vùng nông thôn Sienese. Đó là một thị trấn Tuscan điển hình, với cấu trúc gồm một cụm các tòa nhà thời trung cổ tập trung xung quanh một nhà thờ kiểu Baroque với dân số chỉ hơn 900 người.
Các chuyến du ngoạn do Belmond tổ chức ở Tuscany và Florence sẽ đưa khách đến gặp gỡ các nghệ sĩ, đầu bếp pizza, nhà thiết kế và quản trò địa phương, mỗi người đều có ý tưởng riêng về niềm vui không phải làm gì có thể được tận hưởng trong công việc và cuộc sống.
Công việc của họ – ổn định và thoải mái – khác xa với triết lý phổ biến ngày nay là “di chuyển nhanh và phá vỡ mọi giới hạn”, được đặt ra bởi Mark Zuckerberg của Facebook. Đó là cách làm việc được thực hiện bởi nghệ sĩ Rodolfo Guarnieri, người cùng với anh trai Roberto điều hành Studio Iguarnieri – một studio và phòng trưng bày nghệ thuật trên Sông Arno ở Florence.
Tại đây, hai anh em chủ trì các buổi hội thảo về bức tranh theo phong cách bích họa truyền thống của Florentine. Đó không phải là một kỹ năng dễ học, nhưng theo Rodolfo, điều quan trọng là đừng cố gắng quá nhiều.
“Ở đây, chúng tôi có ba quy tắc. Quy tắc đầu tiên là bạn phải có khả năng tận hưởng những gì bạn làm, thời gian bạn dành để làm việc đó và những thứ bạn tạo ra. Nếu bạn không cười khi làm nghệ thuật, thì hãy dừng lại. Thứ hai là không ai được phép đánh giá – công việc của chính họ hay công việc của bất kỳ ai khác. Quy tắc thứ ba rất quan trọng: làm việc càng ít càng tốt. Mọi người làm việc quá sức và lên kế hoạch quá mức, nhưng nếu bạn làm việc quá nhiều, bạn sẽ phá hủy nghệ thuật. Điều quan trọng là tắt bộ não của bạn và không nghĩ gì cả”, Rodolfo chia sẻ.
Khi suy ngẫm về quá trình sáng tạo, Rodolfo xác minh bản chất của “dolce far niente” , dừng lại và tận hưởng cảm giác không làm gì cả. Nhưng tâm lý này có đúng với những người làm việc bên ngoài nghề thủ công truyền thống không?
Đối với Emanuele Manfroi – vị Tổng Giám đốc tốt bụng, luôn bận rộn của Villa San Michele – cho biết việc dành thời gian để tận hưởng dolce far niente là một phần quan trọng trong thói quen hàng ngày của ông. Điều hành khách sạn, với nhóm khách hàng là những người nổi tiếng và hoàng gia Anh, là một nỗ lực kéo dài 24 giờ – ngoại trừ một giờ vào đầu buổi tối.
“Mỗi tối, từ 6 giờ 30 đến 7 giờ 30, tôi uống một ly rượu trong vườn – bất kể chuyện gì đang xảy ra. Tôi lắng nghe tiếng chim hót. Tôi nhìn vào khung cảnh. Tôi để điện thoại ở văn phòng. Không ai được phép nói chuyện với tôi. Đó là dolce far niente đối với tôi”, Emanuele cho biết.
“Không làm gì” có phải là sai lầm?
Ý tưởng “không làm gì cả” thực sự là một sự kiện tự phát triển. Đó là khi chúng ta không còn chạy trên một guồng quay hoạt động từ việc chuẩn bị cho bọn trẻ đi học, đánh răng, gọi điện hội nghị, đón con cái từ trường, chuẩn bị bữa tối và đi ngủ – chỉ để bắt đầu quay vòng với công việc ngày tiếp theo. Đó là khi hành động của chúng ta bị ảnh hưởng bởi bản năng của chúng ta chứ không còn bởi thói quen, điều nên và điều phải làm nữa.
Loại thư giãn mà chúng ta đang tìm kiếm, và tất cả chúng ta đều khao khát, không tồn tại bên sườn núi lửa, trong một bông hoa quý hiếm hay trên một hòn đảo hoang vắng xa xôi. Loại thư giãn đó tồn tại trong mỗi người và là của chúng ta nếu chúng ta sẵn sàng nỗ lực.
Tất cả những ồn ào – Facebook, chương trình truyền hình thực tế, những xu hướng nổi tiếng – tất cả đều biến mất khi chúng ta không làm gì. Khi đó, bản ngã của chúng ta sẽ mất đi và con người thật của chúng ta xuất hiện.
Điều gì sẽ xảy ra nếu thay vì Facebook, gửi email, hoặc chơi trò chơi điện tử tối nay, bạn lại không làm gì cả? Điều gì sẽ xảy ra nếu thay vì tiết kiệm bảy ngày nghỉ phép năm để xin nghỉ trong một lần, bạn chia đều những ngày đó ra thành từng giờ mỗi ngày? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn không coi thứ bảy, chủ nhật là ngày duy nhất để bạn thư giãn?
Hãy nhìn ra ngoài cửa sổ hoặc ban công và lắng nghe nhạc sĩ yêu thích của mình. Có thể bạn học cách huýt sáo, thiền, duỗi người, nằm dài hoặc ngủ trưa. Bạn có thể làm bất cứ điều gì hôm nay để bắt đầu… không làm gì cả.
– Theo The Culture Trip/Minh Nhật –