– 01 –
Trên mạng từng có câu hỏi thế này:
“Người không có chí tiến thủ nhất mà bạn từng gặp qua như thế nào?”
Câu trả lời được nhiều người like nhất là: “Cứ lo lắng về hiện tại, nhưng lại không có quyết tâm hành động và thay đổi.”
Nhiều người thường sống như vậy, dù ghét bản thân không có ý chí, làm việc gì cũng không kiên trì được lâu… Rất muốn sống như người khác, có nhiều trải nghiệm phong phú trong cuộc sống; nhưng lại ngại thay đổi, chỉ biết copy cách sống từ ngày này qua ngày khác để tìm cảm giác an toàn.
Bọn họ chưa từng trải qua thăng trầm thực sự, nhưng lại mất đi ý chí và nhiệt huyết cuối cùng của tuổi trẻ. Họ chưa trải qua nhiều cay đắng, cũng chưa gặp nhiều mũi nhọn, sự phản bội, sự thất bại; nhưng lại “nhầm tưởng” những gì người khác trải qua thành của mình.
Không biết bạn có phát hiện hay không, có nhiều người tham vọng sống khá cao, muốn thành ông này bà nọ, nhưng thực tế lại sống vô kỷ luật và buông thả bản thân. Một bên họ ghét bỏ bản thân cứ mãi chần chừ và vô dụng thế này, nhưng một bên lại tham luyến khoảnh khắc thoải mái, an toàn hiện tại.
Thực ra cả đời này, quá trình cuộc sống chính là quá trình chúng ta không ngừng tự đánh bại mình: Đi học thì cố gắng điểm cao, điểm cao rồi thì cố gắng đậu trường tốt, trường tốt rồi thì cố gắng kiếm công việc nhiều tiền, nhiều tiền rồi lại cố tậu nhà lầu, xe hơi như người khác… Tham vọng về việc thay đổi cuộc đời, để bản thân và gia đình có cuộc sống tốt hơn, không cần phải làm việc gì cũng đắn đo tiền bạc trong túi có đủ hay không, đó là tham vọng tốt.
Nếu bạn kiểm soát được bản thân, có thể sẽ đạt được càng nhiều tự do hơn nữa. Nếu bạn không quản tốt chính mình, chỉ có thể bị thực tế khống chế và “lạc trôi” theo dòng đời.
– 02 –
Có lẽ chính bản thân bạn đã trải qua vô số thất bại trong việc lập kế hoạch kỷ luật.
Một mực khẳng định với mọi người rằng mình sẽ dậy sớm, nhưng kết quả ngày thứ 3 không rời giường nổi, đành bỏ cuộc. Khăng khăng đọc hết nửa cuốn sách, nhưng đọc được vài trang lại không nhịn được cầm điện thoại lên xem. Muốn kiên trì giảm cân, miệng thì quyết tâm lắm, nhưng thấy bạn bè đăng ảnh hàng quán mới mở, vừa sale vừa ngon, liền vội phóng xe đến đó để “bù” lại khẩu phần thiếu mấy ngày trước.
Từ bỏ rất đơn giản. Chỉ cần bạn có suy nghĩ “dời ngày” và “dễ dãi” với bản thân một tý, thì nhất định từ bỏ chỉ là việc sớm hay muộn. Nhưng muốn kiên trì được chuyện gì lại vô cùng khó, bởi vì bạn phải đối mặt với khó khăn và thất bại, giữa thách thức và cám dỗ nhàn hạ thấm thoát, người ta càng hay dễ yếu lòng mà lựa chọn “để sau hẳn làm.”
Khoảng cách lớn nhất giữa người với người là kỷ luật tự giác. Những người ưu tú muốn làm việc gì, cũng nói được làm được. Ngược lại, nhiều người muốn thay đổi bản thân, lại khó vượt qua được cái tính trì trệ của mình.
Cái khó của kỷ luật tự giác chính là nó không thể thực hiện trong 1 giờ, 1 ngày là thành công. Mà phần lớn thời gian, bạn đều phải dành ra thời gian để chiến đấu chống lại chính mình, “nhẫn tâm” với bản thân, không thể vì thoải mái nhất thời mà do dự và rút lui.
– 03 –
Khi nào thì mọi người sẽ nhận ra tầm quan trọng của kỷ luật tự giác?
Tất nhiên nhất định không phải khi 3 giờ sáng bạn mới ngủ, hoặc khi bạn ăn gà rán và uống bia vào giữa đêm, cũng không phải là khi nhìn chằm chằm vào điện thoại lúc rảnh rỗi. Mà đó là khi bạn nhận ra cơ thể mình ngày một béo hơn, cuộc sống càng lúc càng vô vị, cuộc đời bạn dường như mất đi sức sống, cảm thấy áp lực, bạn mới muốn thay đổi và quyết tâm thay đổi!
Vậy khi nào mọi người mới nhận ra ích lợi của nó?
Có lẽ không phải khi bạn “ép” mình thức dậy lúc 5 giờ sáng, cũng chẳng phải lúc bạn đã mệt rã rời vẫn cố tập thể dục.
Là khi một mình đọc sách trong thư viện ư? Không phải!
Đó là khi bạn nhận ra nhờ chăm chỉ rèn luyện, sống kỷ luật mà sức khỏe ngày một tốt hơn, sự nghiệp phát triển, cuộc sống thú vị và bạn cảm thấy yêu đời rất nhiều.
Đối với những người vô kỷ luật, thoải mái chỉ là tạm thời, nỗi đau mới là trường tồn. Ngược lại với người sống kỷ luật, đau đớn là quá trình, nhưng kết quả là như ý.
“Kỷ luật tự giác cao nhất là làm gì?”
“Chính là không bị cám dỗ cuộc sống lôi kéo, bạn có thể kiểm soát được chính mình, mọi thứ đều có cách giải quyết, cuộc sống nằm trong tầm tay.”
Khi bạn cảm thấy không kiểm soát được bản thân, muốn lười biếng, hãy nghĩ đến lý tưởng sống ban đầu là gì. Đừng nuông chiều bản thân quá mức, khi kiên trì không nổi và nản lòng, muốn từ bỏ, hãy nghĩ đến hậu quả của nó. Như vậy, bạn sẽ kiểm soát được chính mình.
– 04 –
Mỗi người đều muốn sống tốt hơn, nhưng nên nhớ, không có lối tắt cho con đường thành công. Muốn đạt được ý nguyện, hãy sống kỷ luật tự giác.
Những người có thành tích tốt hơn bạn, chưa hẳn vì họ thông minh hơn bạn, nhưng chắc chắn họ nỗ lực và tự kỷ luật bản thân nhiều hơn bạn. Họ không ngại kiến thức nhàm chán, mà có thể thản nhiên ghi chép đầy đủ vào tập vở mỗi ngày.
Những người có vóc dáng tốt hơn bạn, có người không phải trời sinh, mà vì họ chăm tập luyện và sống có kế hoạch rõ ràng. Bạn có biết đến Jen Atkin hay không? Người từng bị hôn phu ruồng bỏ vì cân nặng, nhưng sau đó đã quyết giảm cân và trở thành Hoa Hậu Anh Quốc.
Nhiều người văn hay chữ tốt, không phải vì họ có tài năng đặc biệt, mà vì họ dám kiên trì đọc mỗi ngày, tích lũy những câu thơ hay, những lời nói đẹp trong sách và học hỏi từ năm này qua năm khác.
Ngay từ bây giờ, ngoài nỗ lực ra, bạn còn cần có một lòng quyết tâm tuyệt đối, lòng kiên trì đến cùng, để đánh bại những thói hư tật xấu của chính mình!
– Theo Thiên Tuyết –