Nhà văn Feng Tang nói: “Một người có thể đạt được bao nhiêu tùy thuộc vào năng lượng của người đó“. Khi ai đó liên tục phàn nàn với bạn, tâm trạng của bạn cũng sẽ dao động theo. Khi ai đó đòi hỏi quá nhiều ở bạn, bạn sẽ trở nên kiệt sức. Gánh lấy quá nhiều nỗi đau của người khác, từ trường của chính bạn sẽ bị xáo trộn và tổn hại nghiêm trọng.
Tu sĩ Phật giáo người Trung Quốc, Hoằng Nhất từng nói: “Đừng phản ứng với bất cứ điều gì có năng lượng tiêu cực. Nếu phản ứng, bạn sẽ vướng vào nó, và nếu bạn vướng vào, bạn sẽ phải gánh chịu sự tổn hại tới từ nó“.
Mỗi người đều có con đường riêng để đi. Không ai có thể luôn ở bên ai đó và xóa tan mọi trở ngại cho người khác.
Việc của chúng ta là thực hiện nghĩa vụ của mình, những việc còn lại, hãy để những người khác tự mình giải quyết.
Chỉ bằng cách ổn định tâm trí, quản lý năng lượng của bản thân và kiểm soát từ trường của chính mình, bạn mới có thể thoát khỏi sự can thiệp của từ trường tiêu cực của người khác và đưa cuộc sống của bạn theo hướng tích cực.
1. Duy trì ý thức về ranh giới
Nhà trị liệu tâm lý nổi tiếng Susan Forward cho biết: “Thế giới nội tâm của mỗi người đều có trật tự cụ thể của riêng nó. Việc thiết lập ranh giới tâm lý không phải là ích kỷ mà là để việc của bạn thuộc về bạn, việc của tôi thuộc về tôi“.
Thật vậy, bất kỳ mối quan hệ lâu dài nào cũng không thể được duy trì nếu không có một ranh giới ở giữa.
Thân thiết nhưng cũng cần biết khi nào nên tiến khi nào nên lui một cách khéo léo, duy trì ý thức về ranh giới là những điều kiện tiên quyết quan trọng cho một mối quan hệ lâu dài.
Việc đặt ra những ranh giới lành mạnh giúp chúng ta cảm thấy yên bình, bình tĩnh và khiến chúng ta ít có khả năng làm mất lòng người khác.
Dù đối với bản thân hay với những người xung quanh, đây là thái độ có trách nhiệm, có mức độ thân mật và tôn trọng lẫn nhau nhất định.
2. Ổn định tinh thần
Franklin từng nói: “Một quả táo thối có thể làm hỏng cả một giỏ táo“.
Trong cuộc sống, chúng ta không thể tránh khỏi việc gặp phải một số “quả táo thối”:
Khi gặp vấn đề, họ sẽ tràn đầy năng lượng tiêu cực và coi bạn như một chiếc “thùng rác tình cảm”.
Khi thấy người khác làm tốt, họ ghen tị và nói xấu sau lưng.
Đối mặt với những người và những thứ đang tiêu hao bạn, nếu tinh thần cốt lõi không ổn định, cảm xúc của bạn sẽ bị ảnh hưởng.
Trong tâm lý học, có một khái niệm gọi là “năng lực phi chỉnh hợp”, dùng để chỉ khả năng chịu đựng sự phức tạp về nhận thức và cảm xúc.
Người sở hữu năng lực này thường sống tỉnh táo, minh bạch, ít bị bối rối, lung lay.
Vì họ sống một cách thông suốt nên từ trường của họ sẽ không bị người khác quấy rầy, họ có thể sống một cuộc sống thoải mái, hạnh phúc.
3. Duy trì từ trường dương
Kazuo Inamori từng nói: “Bản thiết kế bạn vẽ ra trong đầu sẽ quyết định bạn sẽ trải qua phần đời còn lại như thế nào“.
Mỗi người đều có từ trường, những người sở hữu từ trường tích cực có thể mang lại may mắn cho bạn và cho phép bạn gặp được những người tốt và những điều tốt đẹp, bởi vì một từ trường tốt sẽ thu hút những người có cùng tần số với bạn.
Khi một người biết đối xử tử tế với bản thân, làm giàu tâm hồn, quan tâm đến cảm xúc, cảm thấy dễ chịu trong lòng, chín chắn, hoàn toàn chấp nhận bản thân và nhìn nhận bản thân một cách lạc quan, những điều tốt đẹp chắc chắn sẽ vây quanh người đó.
Đây cũng chính là ý tưởng cốt lõi của “Luật hấp dẫn”:
Suy nghĩ là một loại lực và là biểu hiện của năng lượng. Nó có từ tính. Những suy nghĩ tiêu cực, bi quan sẽ tạo ra một “từ trường tiêu cực”, khiến cuộc sống cảm thấy không như ý và mất đi hy vọng, động lực.
Một tâm hồn tích cực và cởi mở sẽ tạo ra “từ trường tích cực” và khiến con người yêu đời hơn.
Hãy duy trì một ý thức về ranh giới, không tùy ý can thiệp vào từ trường của người khác, xâm phạm cuộc sống của người khác một cách bừa bãi và không để người khác làm phiền tới từ trường của chính bạn.
Từ trường tích cực của bạn sau cùng sẽ giúp bảo vệ bạn khỏi những điều không may và mang lại may mắn cho bạn.
– Theo Diệu Đan –