IQ cao, ngoại hình đẹp cũng không bằng biết trì hoãn đúng lúc!

IQ cao, ngoại hình đẹp cũng không bằng biết trì hoãn đúng lúc!

Một người thành công chắc hẳn sẽ phải hội tụ rất nhiều điểm mạnh. Tuy nhiên, đã bao giờ bạn tự hỏi đâu là điểm quan trọng nhất quyết định sự thành bại của một cá nhân hay chưa? Được xây dựng bởi giáo sư Walter Mischel vào những năm 60 của thế kỷ trước, thí nghiệm có tên là Marshmallow Stanford là một thí nghiệm có nhiệm vụ tìm kiếm mối liên hệ giữa khả năng trì hoãn sự thỏa mãn với cơ hội thành công trong tương lai.

Họ dẫn những đứa trẻ bốn tuổi vào một căn phòng, đưa cho mỗi đứa một viên kẹo dẻo lớn và bảo với chúng rằng họ sẽ trở lại sau 15 phút, nếu miếng kẹo dẻo vẫn còn thì mỗi người sẽ có thêm một viên nữa, tổng cộng là hai viên. Còn nếu chúng ăn mất thì coi như trò chơi kết thúc, không có bất kì phần thưởng nào hết. Việc bảo một đứa nhóc bốn tuổi kiềm chế cơn thèm kẹo cũng giống như bắt một người nhịn đói ba ngày phải nhìn chằm chằm bữa cơm thịnh soạn trong 30 phút rồi mới được ăn.

Vậy điều gì đã xảy ra khi người lớn bước ra khỏi căn phòng đó? Ngay khi cánh cửa đóng lại, 2/3 đã ăn ngay miếng kẹo dẻo của mình. Có những nhóc ăn ngay chỉ sau 10 giây, có những nhóc nhịn được đến phút thứ 14 nhưng rồi lại không chịu được và đành bỏ cuộc. Chỉ có 1/3 là nhịn được đến phút thứ 15. Chúng dằn vặt, che mắt, bịt mồm, đi qua đi lại lo lắng và tất nhiên là cũng có những phút “yếu lòng” nhưng quan trọng nhất là đến cuối cùng, chúng vẫn chiến thắng chính mình và nhận được phần thưởng là viên kẹo dẻo thứ hai.

Mọi chuyện chưa dừng lại tại đây. Đội ngũ các giáo sư tiếp tục theo dõi những “em bé” này 14 năm sau đó. Lúc này tất cả đều đã trở thành những bạn trẻ ở độ tuổi trưởng thành. Họ tìm đến những bạn trẻ này và quan sát cuộc sống của từng người một. Điều thú vị đã xảy ra: 100% những đứa trẻ không ăn kẹo dẻo đã thành công. Thành tích học tập xuất sắc, mối quan hệ tốt đẹp với tất cả mọi người, tương lai sáng lạn. Còn những đứa trẻ đã ăn kẹo năm nào, tuy không phải toàn bộ, nhưng rất nhiều trong số đó đang gặp rắc rối. Một số phải bỏ học, một số lại có điểm số quá kém để có thể đậu vào Đại học, tính tình chúng cộc cằn và thường xuyên dính vào những vụ gây gổ, tương lai là một ẩn số mịt mờ.

Và tất nhiên, không phải vô tình mà lại có sự khác biệt như vậy. Các giáo sư tâm lý đã phân tích rằng lí do khiến 1/3 những người không ăn kẹo năm nào sau này lại thành công tới vậy là vì ngay từ khi chỉ mới là những đứa trẻ bốn tuổi, những người này đã hiểu được một trong những nguyên tắc quan trọng nhất để đạt được thành công: Đó chính là khả năng trì hoãn phần thưởng.

Nhận thức về tính kỉ luật với một đứa nhóc bốn tuổi có thể còn khá mù mờ, nhưng về cơ bản, nó đã tồn tại và trở thành một phần bản chất. Thí nghiệm nhỏ năm nào tưởng chừng như vô thưởng vô phạt nhưng lại chính là lời tiên tri cho tương lai của những đứa trẻ đã tham gia thí nghiệm này.

“Không thể hoãn cái sự sung sướng ấy lại!”

Đây chắc hẳn là câu nói mà không ít lần bạn đã thốt lên phải không nào? Bài tập mai lên mượn chép cũng được, có bản full Victoria’s Secret Show rồi, coi cái đã! Deadline đêm nay chưa xong chắc cũng không sao, đói quá lo đi ăn trước đi nào! Nói chung là không thể trì hoãn cái sự sung sướng ấy lại!

Giữa trách nhiệm và sự hưởng thụ của bản thân, nhiều người sẽ chọn cách “sung sướng” trước rồi có gì tính sau. Ngay tại thời điểm đó, có thể bạn sẽ nghĩ rằng hành động của mình không ảnh hưởng gì đến mọi thứ xung quanh, rằng chuyện đâu còn có đó, rằng mình vẫn sẽ hoàn thành tốt mọi việc. Nhưng bạn không hề biết rằng chính “một chút” đó lâu dần sẽ biến bạn trở thành nô lệ của sự thỏa hiệp.

Thay vì phấn đấu để đạt được phần thưởng, bạn lại bị đặt vào trong tâm thế luôn muốn được hưởng thụ. Tính tự kỉ luật trở thành một khái niệm xa xỉ. “Nỗ lực” nằm ở vị trí chót trong danh sách ưu tiên của bạn. Bạn miệt mài “ăn kẹo” để thỏa mãn bản thân nhất thời mà quên mất rằng mình còn rất nhiều việc phải làm, phải cố gắng. Và như một lẽ tất yếu, trong khi người khác đạt được nhiều thành công, vươn lên những tầm cao mới thì bạn vẫn mãi chỉ là một kẻ băn khoăn về tương lai của chính mình.

Có nhiều lí do giải thích sự thành đạt của một người, nhưng những kẻ thành công đều có chung một đặc điểm: biết tạm hoãn sự hưởng thụ để dành thời gian cho lao động, học tập và rèn luyện bản thân.

Quả táo thần kỳ Nhật Bản thực ra không phải điều gì thần kỳ!

Vào một buổi đêm nhiều năm về trước, một người nông dân Nhật tên là Kimura đi bộ lên núi với ý định tự kết liễu đời mình.

Sống trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ của kinh tế nước Nhật, ông Kimura từng làm nông nghiệp theo cách mà ai cũng làm: dựa vào thuốc trừ sâu và phân bón hóa học để trồng táo. Việc này khiến cho sức khỏe của vợ ông giảm sút, và do đó Kimura quyết định canh tác theo phương pháp Nông nghiệp tự nhiên – nói không với hóa chất. Nhưng những cây táo không thể sinh trưởng.

Vào cái đêm Kimura dự định kết liễu đời mình, vườn táo nhà ông đã 5 năm không ra hoa kết quả. Thế rồi trên đường đi tìm đến cái chết, ông phát hiện ra cỏ dại là lý do làm cho đất tơi xốp và có thể cứu lấy vườn táo. Vậy nên ông quyết quyết định thử lại một lần nữa và tiếp tục bền bỉ với lựa chọn của mình

Năm thứ 8, vườn táo của Kimura bắt đầu nở hoa. Cho đến tận hôm nay, táo của Kimura vẫn được phục vụ trong những nhà hàng sang trọng nhất của Tokyo và thường xuyên hết sạch chỉ trong 10 phút khi vừa bán trên mạng.

Sẽ thật tuyệt vời nếu bạn bẩm sinh đã thông minh mẫn tuệ. Nhưng ngay cả khi không có điều đó, sự thần kỳ đến từ lòng kiên trì chắc chắn sẽ có ngày kết trái đơm hoa.

Ngay từ hôm nay, hãy tối đa hóa năng lực của bản thân và tránh xa cái bẫy hưởng thụ bằng cách biến những thứ quen thuộc thành phần thưởng cho mình sau khi hoàn thành xong một điều gì đó. Ví dụ như thay vì lên kế hoạch vừa làm việc vừa đọc tin tức giải trí vừa chat facebook với bạn bè. Hãy tách hai việc đọc tin tức và chat facebook ra thành hai phần thưởng. Chỉ khi xong việc mới được làm hai việc trên. Như vậy bạn vừa hoàn thành công việc hiệu quả mà vừa có được “phần quà” cho riêng mình.

Học hành, công việc chắc hẳn sẽ có rất nhiều áp lực. Nhưng mỗi khi cảm thấy chán nản, kiệt quệ, thay vì nghĩ cách rút lui hay buông xuôi thì hãy tự nhủ câu thần chú: “Không bao giờ dừng lại khi mệt mỏi, chỉ dừng lại khi mọi việc đã xong”.

Và quan trọng nhất, hãy học cách yêu thích những gì mà mình làm mỗi ngày để nó không trở thành công việc. Có như vậy thì bạn mới không trở thành những đứa nhóc suốt ngày dằn vặt bản thân vì phải làm điều mà mình không thích!

– Theo NHẬT CHUNG – SPIDERUM –

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *