Có một câu nói nổi tiếng trong thánh kinh “Talmud” của người Do Thái: “Việc khó thì dễ thành.” Bởi vì có quá nhiều người bỏ cuộc, quá nhiều người không thể đạt được kỷ luật bản thân, và nếu bạn làm được, thì mọi thứ sẽ tự nhiên trở nên dễ dàng. Dân tộc Do Thái không phải là một dân tộc khổ hạnh, Người Do Thái luôn rất biết cách tận hưởng cuộc sống, nhưng họ cũng rất kỷ luật bản thân. “Càng tự kỷ luật thì càng tự do” câu nói này hoàn toàn phù hợp với quan niệm tự kỷ luật của người Do Thái, đặc biệt là về phương diện của cải. Dưới đây là ba quy tắc tự kỷ luật chính của người Do Thái!
Kiểm soát tính khí, cảm xúc của bản thân
Có một câu chuyện nhỏ của người Do Thái được kể lại như sau: xưa kia, có một người tốt nhưng tính khí rất xấu, khi cãi nhau với người khác, anh ta không bao giờ bình tĩnh được, và luôn dùng ngôn từ thô tục để chửi bới đáp trả. Nhưng đợi đến khi bình tĩnh lại, thì anh ta rất hối hận về hành động của mình. Điều này khiến anh ta rất phiền muộn, vì vậy anh đã đến gặp một thầy đạo người Do Thái để tìm giải pháp: “Làm thế nào tôi mới có thể kiểm soát được tính nóng nảy của mình?”
Thầy đạo người Do Thái nói với anh ta: “Sau mỗi lần anh mất bình tĩnh, thì anh có thể nói với chính mình rằng: ‘Mọi điều mà tôi đã làm với người khác, kể cả lời nguyền và mắng nhiếc của tôi đối với họ đều sẽ được đổ hết lên đầu tôi.’ Bằng cách này anh sẽ không chửi rủa người khác nữa.”
Người này không muốn làm theo lời đề nghị của thầy đạo, nên đã nghĩ ra một phương pháp tương tự khác, mỗi lần cãi nhau với người khác, anh ta buộc mình phải góp một phần tiền, mỗi khi nghĩ tới nếu như không kiểm soát được bản thân cũng đồng nghĩa với không kiểm soát được tiền tài của mình thì anh ta liền không dám cãi nhau và chửi bới người khác một cách phóng túng như vậy nữa.
Người Do Thái tin rằng một người nếu có thể kỷ luật tốt điểm này của bản thân, kiểm soát được tính khí và cảm xúc của mình tức là đã vượt lên được chính mình, ngược lại, nếu bạn không kiểm soát được tính khí và cảm xúc của mình, bạn cũng sẽ không thể kiểm soát được người khác và tài sản của mình.
Nghiêm khắc với bản thân và bao dung cho người khác
Một thầy đạo người Do Thái đã mời sáu người đến một cuộc họp để thảo luận một vấn đề, nhưng khi cuộc họp bắt đầu thì có đến 7 người tới. Rất rõ ràng, một người trong số họ đã không mời mà tới. Thầy đạo nọ nói với mọi người: “Người không được mời, xin hãy ra khỏi đây.” Kết quả là, người có uy tín nhất trong số 7 người, cái người chắc hẳn đã được thầy đạo mời lại đứng dậy và đi ra ngoài.
Việc phải thừa nhận mình không đủ tư cách trước mặt nhiều người như vậy thì đúng là một việc rất xấu hổ đối với vị khách không mời kia. Vì vậy, việc người có uy tín này chủ động rời đi, có thể nói người đó rất có thiện ý, và hoàn toàn thể hiện được tấm lòng bao dung của anh ta.
Người Do Thái là dân tộc có tính kỷ luật cao, họ không chỉ coi trọng thời gian mà còn tuân thủ 613 giới luật trong cuộc sống, được mệnh danh là “dân tộc thượng tôn pháp luật”. Tuy nhiên, người Do Thái sẽ không bao giờ áp đặt những luật này cho những người không phải là người Do Thái, cũng như sẽ không rao giảng đạo cho những người không phải người Do Thái. Những người ngoại tộc chỉ cần tuân thủ một vài luật bắt buộc cơ bản là đã có thể cùng người Do Thái qua lại hài hòa rồi. Họ đã chân chính làm được cái gọi là nghiêm khắc với bản thân và khoan dung với người khác.
Nhất định không được ham mê hưởng lạc
Người Do Thái được mệnh danh là dân tộc giàu có nhất nhưng lại rất biết tiết chế trong cuộc sống, ngay cả những tỷ phú người Do Thái cũng không ngoại lệ. Theo quan điểm của người Do Thái, chìa khóa của sự tự kỷ luật là khống chế dục vọng và không ham mê khoái lạc, trong thánh kinh “Talmud” từng mô tả hậu quả xấu của việc ham mê hưởng lạc như thế này: “Càng nhiều thịt, càng sinh ra nhiều dòi. Càng nhiều tiền, càng nhiều thứ phải lo. Càng có nhiều vợ, càng nhiều phiền não. Càng nhiều tình nhân, thì càng nhiều sự phản bội và không chung thủy, v.v..” Tất cả điều này là để nhấn mạnh rằng không nên phóng túng dục vọng và ham mê hưởng lạc.
Tất nhiên, người Do Thái chưa bao giờ là người theo chủ nghĩa khổ hạnh, nhưng họ chủ trương tự kỷ luật dựa trên sự hưởng thụ thích đáng, nghĩa là tự kiểm soát ham muốn của mình, tuyệt đối không được quá ham mê hưởng lạc, đặc biệt là đoạn tuyệt lòng tham, vì nó có thể sinh ra vô số tội ác. Đối với người giàu thì họ càng cần phải tự kỷ luật và kiểm soát dục vọng của mình, vì một khi đã có nhiều tiền thì việc hưởng lạc sẽ rất dễ dàng. Việc người Do Thái theo đuổi lối sống hưởng thụ một cách thích đáng và tính tự kỷ luật đã giúp họ duy trì được một cuộc sống tự do đồng thời cũng đạt được sự tự do đó cho tâm hồn họ.
– Theo Trần Anh –