(1)
Người thành công trên khắp thế giới này, tôi có thể kể tên hàng đống, từ những người tay trắng lập nghiệp như Larry Ellison, Francois Pinault, Jack Ma, đến những người có độ nhạy bén tuyệt vời với thị trường như Steve Jobs, Warren Buffett,…Chắc hẳn, chúng ta cũng biết đến nhiều câu chuyện về họ, cũng như đã nuốt từng lời những bài giảng của họ về những triết lý, công thức dẫn tới thành công.
Tuy nhiên, có đôi chút ngược đời, nếu bạn muốn mình có thể được như họ, điều đầu tiên bạn phải làm là phớt lờ đi những điều họ nói.
Nếu các bạn vẫn còn đâu chút băn khoăn, lạ lẫm về những cái tên như Mark Zuckerberg, Steve Jobs, Warren Buffet, cho rằng họ chẳng can dự gì đến cuộc sống của mình, chắc hẳn bạn cũng đã nghe bùi tai về những “chiến tích” mà “con nhà người ta” có, còn bạn thì không: Con nhà người ta bỏ học nhưng vẫn kiếm được bạc tỉ, con nhà người ta bán hàng online mua được căn nhà to nứt đố đổ vách,…Tất cả những gì cấu kết thành sự thành công được những người kể chuyện đúc rút lại, âu cũng chỉ loanh quanh trong những từ “đam mê”, “cần cù”, “chịu khó”, “dám nghĩ dám làm”,…Và những từ khoá này, đóng vai trò như những nguồn cảm hứng vô tận, thúc đẩy chúng ta nhìn về tương lai tươi sáng phía trước.
Nhưng cuộc đời thật biết cách đùa, khi ta bị quăng quật giữa dòng đời, lăn lộn bươn chải trong những ngày tháng chậm lương, ta đã quá chán chường và khi nghe những câu chuyện thành công, ta phải thốt lên rằng: “Thật là hư cấu!”
Chính lúc này, chúng ta cay đắng nhận được một bài học quan trọng của cuộc đời về sự tin tưởng.
Ở ĐỜI, ĐỪNG TIN VÀO MỌI ĐIỀU NGƯỜI TA NÓI.
Tất nhiên, dòng chữ caplock in đậm phía trên, bạn hoàn toàn có thể tin được, và nên giữ nó trong cẩm nang sống của mình.
(2)
Những câu chuyện đầy nghị lực về thành công của người khác, bạn chỉ nên biết, chứ đừng tin tưởng hoàn toàn.
Vì sao?
Bởi những con người đó đã sống đúng thời của họ. Những Jack Ma, Bill Gates đã có những hành động đầy quyết đoán, giúp họ thu về được những khoản tiền kếch xù, nhưng nếu bây giờ bạn lấy câu chuyện thành công của họ làm quy chuẩn cho những hành động của mình, tỉ lệ thành công của bạn sẽ cực kì thấp, bởi điều kiện tiên quyết dẫn tới thành công là bối cảnh đã không còn.
Nếu bạn đã từng tham gia những buổi hội thảo bán hàng đa cấp, bạn sẽ thấy những chi tiết khôi hài thường xuất hiện ở những người diễn giả. Họ yêu cầu những người tham dự đứng lên, hô vang khẩu hiệu: “Tôi có thể giàu”, tựa hồ như những lời nói ấy có thể mang dòng chảy đồng tiền cuộn chảy vào trong những chiếc ví của họ vậy. Những người tham dự, một cách rất tự nhiên, tin tưởng vào những lời nói của vị diễn giả kia, và rằng nếu mình hành động ngay, mình cũng sẽ được giàu có, được nắm trong tay bạc tỉ, trăm tỉ như vị diễn giả nọ.
Những động lực đã làm cho trí não của họ trở nên mù loà, bởi thực ra, người diễn giả ấy không hề nhiều tiền chút nào. Người diễn giả ấy rủng rỉnh tiền, âu cũng chỉ vì những người khán giả của anh ta thôi. Hay nói cách khác, người tham dự chính là nguồn tiền của anh ta. Người diễn giả này không hề bán kinh nghiệm, anh chỉ bán những câu nói truyền cảm hứng.
Chúng ta đã quá quen với “nhìn mặt bắt hình dong”, chỉ cần nhìn vào bộ vest anh ấy đang mặc, cách anh ấy lái xe ô tô bóng lộn, đắt tiền đến buổi hội thảo, là chúng ta mặc nhiên tin tưởng vào mọi điều người ấy nói. Đến khi tiền mất tật mang, chúng ta mới nhận ra những mưu mô xảo trá ẩn giấu đằng sau những mỹ từ bùi tai đó, nhưng lúc ấy cũng đã muộn rồi.
Là một người làm trong lĩnh vực truyền thông, tôi chỉ có thể nói rằng, những gì bạn đọc chưa chắc 100% đã là sự thật. Có những câu chuyện, những góc khuất bị ẩn đi, để cho bài báo có thể truyền tải những thông điệp tích cực hơn với người xem.
Câu chuyện về khởi nghiệp thành công chẳng hạn, người ta có thể đọc được về những chàng trai, cô gái kiếm được hàng chục triệu từ những dự án mang tính đột phá. Điều họ không biết là, để làm được điều đó, có thể họ đã có sẵn một nguồn vốn dồi dào từ cha mẹ giàu có của mình. Và báo chí, tất nhiên, không thể đem những chi tiết đó lên, vì như thế sẽ làm “tầm thường hoá” câu chuyện.
Vì vậy, hãy luôn nhắc nhở bản thân rằng:
Ở ĐỜI, ĐỪNG TIN VÀO MỌI ĐIỀU NGƯỜI TA NÓI, ĐẶC BIỆT LÀ NHỮNG CÂU CHUYỆN VỀ THÀNH CÔNG.
(3)
Tôi biết, người ta dễ dàng mê mẩn với những thành công, nhưng khó lòng nuốt trôi những câu chuyện thất bại. Với chúng ta, khi một người đã thất bại, thì anh ta/cô ta thật đáng khinh, và chẳng có gì đáng để học hỏi nơi họ cả.
Nhưng bạn ơi, ông cha ta đã nhắc nhở: “Thất bại là mẹ thành công”.
Bất kì ai muốn chạm tay vào thành công, đều phải để chân mình nhúng vào bùn lầy thất bại. Edison với phát minh bóng đèn giúp thay đổi cả thế giới, đã làm hỏng thí nghiệm của mình 10.000 lần!
Trong tiềm thức, chúng ta biết rõ không có thành công nào là dễ dàng, không có con đường nào dẫn tới thành công là trải đầy hoa hồng. Lên voi xuống chó, đó là chuyện thường ngày cơm bữa. Nhưng lý trí của chúng ta luôn từ chối việc “xuống chó”, và thôi thúc bộ não chúng ta đặt sai câu hỏi: “Làm thế nào để luôn “lên voi” giống người kia?”, “Làm thế nào để có được cơ ngơi vững chắc như người nọ”, trong khi đáng lẽ chúng ta phải hỏi: “Mình có chịu được thất bại người đó đã từng trải qua không?”.
Ca sĩ trẻ Sơn Tùng – MTP đã nói một câu rất hay: “Muốn ngồi ở vị trí không ai ngồi được thì phải chịu những cảm giác không ai chịu được”. Bạn có sẵn lòng để ngậm đắng nuốt cay, chấp nhận thất bại, bạn mới có thể thành công. Nếu bạn muốn tiền rủng rỉnh đầy túi, bạn phải chấp nhận những tháng ngày trong người không một xu. Đó là hiện thực cuộc sống.
Sống ở đời, tệ nhất là chỉ bùi tai trước những lời mật ngọt mà xót xa khi phải nghe những câu chuyện thất bại không mong muốn. Bạn phải học cách cân bằng, biết chọn lúc nào, điều nào để nghe, ngay cả khi điều đó có phũ phàng, ngay cả khi điều đó có thể làm trái tim bạn thắt lại.
Hãy luôn giữ cho mình một đầu óc tỉnh táo và luôn suy xét mọi điều trước khi đưa ra quyết định. Chúc bạn nắm vững bài học về niềm tin và có thể gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống.
– Theo Đình Trọng –