Việc đọc sách chủ động sẽ tăng khả năng xác định những nội dung thiết thực và giá trị nhất
Tôi thực sự thích đọc sách, bởi có quá nhiều điều đáng học hỏi từ những con người thông minh và khôn ngoan bậc nhất trong lịch sử nhân loại chúng ta.
Việc đọc sách còn giúp cải thiện mô hình tư duy và đồng thời giúp truyền đạt các ý tưởng viết lách của bản thân tôi. Stephen King đã từng nói rằng: “Nếu bạn không có thời gian để đọc, nghĩa là bạn cũng không có thời gian để viết. Đơn giản là như vậy.”
Đọc sách là một trong những phương thức tốt nhất để học hỏi từ những tìm tòi khám phá của người khác. Jojen đã từng nói: “Một người đọc sách sẽ sống cuộc sống của hàng ngàn người trước khi anh ấy qua đời”, và George R.R. Martin cũng khẳng định: “Một người không bao giờ chịu đọc sách sẽ chỉ sống duy nhất một cuộc đời mà thôi”.
Hiện tại, tôi đang đọc hàng tá sách cùng một lúc – nhưng tôi không đặt mục tiêu đọc được trên 100 quyển sách từ giờ đến cuối năm.
Đối với tôi, mục tiêu đó không còn hấp dẫn nữa – giờ đây thứ tôi quan tâm là việc tiếp thu kiến thức, trí tuệ và các bài học ở một mức độ sâu sắc hơn.
Hiện tại, đối với tôi, việc nắm bắt và áp dụng kiến thức trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Bởi nếu không có sự am hiểu và ghi nhớ những gì đã đọc, việc đọc sách chỉ khiến lãng phí thêm thời gian của bản thân mình.
Chính vì vậy, tôi chỉ đang tập trung vào việc tận dụng tốt nhất có thể từ những quyển sách mình đang đọc. Và dù điều này có thể khiến thời gian đọc mỗi quyển sách lâu hơn, cũng không phải là vấn đề.
Trong năm 2019, tôi đã đọc hơn 50 quyển sách. Có cảm giác đó như là một thành tích khá tốt.
Tuy vậy, tin xấu là tôi hầu như không thể nhớ lại được những bài học và tri thức quý báu từ mỗi cuốn sách mà mình đã đọc. Tôi đã quá tập trung vào số lượng sách muốn đọc thay vì những giá trị mà mình có thể học được từ chúng.
Tôi không muốn sử dụng thông tin một cách thụ động để cố gắng đạt mục tiêu – tôi muốn phải ghi nhớ được tối đa những gì đã đọc. Nếu điều đó có nghĩa đọc ít sách mà hữu dụng còn hơn là đọc lướt nhanh qua hàng trăm cuốn, đó là một thành quả tương đối ổn.
Sẽ mất thời gian để biến đọc sách thành một thói quen – và mục tiêu tiếp thu tri thức từ tất cả những quyển sách đã đọc còn khó hơn nhiều, nhưng nếu ta có được chiến lược đọc sách đúng đắn, nó sẽ mang lại lợi ích cả đời.
Nếu bạn quan tâm đến việc thúc đẩy sự nghiệp của mình, kiếm nhiều tiền hơn, tích lũy trí thức, hoặc cải thiện kỹ năng sống, thì việc phát triển thói quen đọc sách là một nhiệm vụ quan trọng. Bạn sẽ học được rất nhiều điều từ những người khác.
Charlie Munger, một tỷ phú tự thân và là đối tác kinh doanh của Warren Buffett, đã từng lưu ý rằng: “Trong cả cuộc đời, không có người khôn ngoan nào (về một lĩnh vực chủ đề rộng lớn) tôi biết mà lại không đọc sách – đúng vậy, không ai cả. Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết về số lượng sách Warren đọc – và cả số lượng mà tôi đọc. Các con tôi thậm chí còn cười nhạo tôi. Chúng nghĩ rằng tôi ngập trong sách giống như cái đánh dấu trang vậy.”
Đọc sách không phải tấm vé để thành công
Đọc sách là một sự đánh đổi – bạn đang đánh đổi thời gian cho kiến thức và trí tuệ. Nhưng không phải cuốn sách nào cũng đáng giá với thời gian quý báu được dành cho nó.
Nếu bạn không thể áp dụng những gì đã đọc hoặc gợi nhớ lại bất kỳ bài học nào bạn đã học khi cần, vậy có ích gì?
Nếu đặt mục tiêu đọc 100 cuốn sách mỗi năm, hãy tự hỏi mình: Nếu tôi đọc nhanh và đạt được mục tiêu của mình, liệu sau này tôi có thể nhớ lại và áp dụng được phần nhiều những gì tôi đang đọc hay không?
Mục tiêu “mỗi năm 100 cuốn sách” hoàn toàn không có gì sai. Quan điểm của tôi là, nếu bạn cố gò ép mục tiêu của mình nhưng không thể nhớ lại những nội dung cơ bản và hữu ích của từng cuốn sách, nghĩa là bạn đã lãng phí vốn thời gian quý báu và có hạn của mình.
Bằng mọi cách, hãy thu xếp thời gian để đọc – điều quan trọng là bạn thực hiện, nhưng đừng đánh đồng số lượng sách đọc được với thành quả.
Có thể bạn sẽ đạt được mục tiêu nhưng cũng sẽ không thể cải thiện bản thân nếu chỉ tập trung vào số lượng thay vì tiếp nhận kiến thức từ những cuốn sách mình đọc.
Như Zat Rana đã viết: “Đọc để hiểu, đọc để kết nối, và đọc để tưởng tượng. Sách thực sự rất kỳ diệu, và tôi ước ngày càng có nhiều người dành thời gian cho chúng. Nhưng đừng cho rằng cứ coi chúng là tấm vé tới thành công thì bạn sẽ thành công.”
Đọc vì tri thức là một kỹ năng quan trọng mà ta cần làm chủ
“Nếu một người không cảm thấy việc đọc đi đọc lại một quyển sách là thú vị, thì việc đọc nó nói chung không có tác dụng gì cả” – Oscar Wilde. Đọc sách nên là một trải nghiệm mang lại niềm vui và những giá trị quý báu, thay vì là một công việc nặng nề cho người đọc. Và biết cách đọc để có được tri thức hữu ích là một lợi thế rất đáng trân trọng.
Phần lớn mọi người sử dụng phương pháp đọc thụ động/đọc lướt nhanh để gắng đạt mục tiêu. Và để đọc được hàng trăm quyển sách mỗi năm, bạn bắt buộc phải theo phương pháp này.
Đọc thụ động sẽ không giúp bạn tích lũy được kiến thức sâu xa có thể áp dụng trong cuộc sống sau này. Đọc càng nhanh thì nắm bắt càng ít.
Nếu mục tiêu của bạn là đọc lướt một cuốn sách, thì việc đọc nhanh sẽ có ích – nếu mục tiêu là hiểu nó kĩ hơn, hãy đọc chậm lại và hòa mình vào trong đó.
Mặt khác, việc đọc sách chủ động diễn ra thông qua quá trình tương tác, lặp lại, ghi chú và xem lại những cuốn sách hữu ích nhất. Đó là cách chuyển kiến thức mới từ vùng trí nhớ làm việc sang sự hiểu biết lâu dài.
Khi đọc chậm, bạn đang rèn luyện bản thân để nhận ra những gì phù hợp và giá trị nhất
Để hiểu và ghi nhớ nhiều hơn, hãy tạo các ghi chú cá nhân mà bạn có thể xem lại. Đối với những người đọc sách điện tử, hãy đánh dấu hoặc sao chép các đoạn văn ấn tượng. Bạn cũng có thể chụp ảnh một trang cụ thể và lưu trữ nó trong một ứng dụng ghi chú. Khi hoàn thành cuốn sách, hãy làm một bản tóm tắt những nội dung yêu thích.
Hãy lựa chọn sách cẩn thận. Một số quyển sách chỉ cần đọc một lần là đủ hài lòng, nhưng có những quyển phải đọc nhiều lần để tiếp thu được các bài học và tri thức quý báu.
William Styron nói: “Một cuốn sách tuyệt vời nên để lại cho bạn nhiều trải nghiệm, và cảm giác hơi kiệt sức khi đọc xong. Bạn thực sự sống nhiều cuộc đời hơn khi đọc sách.” Đừng đọc một cuốn sách bán chạy nếu nó không có ý nghĩa đối với bạn. Và nếu bạn phải vật lộn với một cuốn sách mà mình không thích, hãy ngừng đọc nó.
Naval từng nói: “Tôi thực sự không đọc nhiều sách. Dù nhặt nhạnh rất nhiều, tôi chỉ thực sự nghiên cứu một vài quyển, đó là những quyển tạo nên nền tảng kiến thức cho bản thân.” Nhiều người thành công có một điểm chung là đọc rộng. Nhưng điều quan trọng không phải là họ đọc được bao nhiêu. Mà là đọc như thế nào.
Hãy đọc sách bởi vì bạn thực sự muốn, chứ không phải chỉ vì cảm thấy nên làm vậy
Aytekin Tank, người sáng lập Jot Form, lập luận rằng: “Elon Musk và cộng sự tin rằng thành công của họ là nhờ đọc sách, vì họ đọc có mục đích và áp dụng bài học đó trong bối cảnh rộng lớn hơn của sự nghiệp”.
Đọc sách một cách thấu đáo là cách để thu nạp kiến thức lâu dài có thể áp dụng trong tương lai. Hãy đọc, học hỏi và tiến bộ không ngừng, nhưng đừng quên có rất nhiều điều để tích lũy từ mỗi cuốn sách nếu bạn biết đọc chậm lại để tiếp thu các bài học và kiến thức ở mức độ sâu sắc hơn.
*Theo Thomas Oopong – một blogger về công nghệ, nhà phân tích khởi nghiệp và nhà tư vấn tiếp thị truyền thông xã hội chuyên viết blog, chiến lược và phát triển kinh doanh. Anh là người sáng lập và biên tập trang Alltopstartups/com, một trang web tài nguyên dành cho các công ty khởi nghiệp và doanh nhân.
– Dịch bởi Lưu Ly –