Năm 20 tuổi, tôi tìm hiểu và biết được rằng, với một nhân viên làm công ăn lương, để lên chức Quản lý tại một công ty hay tập đoàn quốc tế nào đó, bạn buộc phải có bằng MBA theo học ở nước ngoài hoặc học lực tại trường Đại học cũng phải xếp hạng khá cao ở Việt Nam.
Lúc đó, nhìn những điều được ghi trong bản mô tả công việc, tôi thấy khá nhọc nhằn cho những ai không đi lên theo cách thông thường đó, mà tôi là một ví dụ điển hình. Với một đứa không có duyên với học hành và các giải thưởng như tôi, liệu tôi sẽ phải làm gì để có thể lên được vị trí tôi mong muốn trong khi kinh nghiệm là thứ không được trao giải như học vị?
Năm 20 tuổi, qua một group trên Facebook, tôi quen một người đàn ông đã từng đi du học từ năm 17 tuổi. Lúc ấy, tôi chỉ là một nhân viên bình thường tại một công ty trong lĩnh vực công nghệ. Còn anh, 5 năm sau khi tốt nghiệp ở Mỹ, anh đảm nhiệm chức vụ quản lý ngành hàng của một công ty thương mại điện tử. Khi gặp tôi, anh đã ở vị trí đó được hai năm. Hồi ấy, mỗi lần đi hẹn hò, anh không mấy khi lắng nghe quan điểm sống của tôi. Vẻ mặt của anh thể hiện rõ ràng anh chỉ xem tôi là một cô gái “hạng xoàng”. Ánh mắt của anh khiến tôi ngầm hiểu rằng tôi không cùng đẳng cấp với anh. Chứng kiến sự lạnh lùng từ anh, tôi chỉ đơn thuần nghĩ rằng là do tính cách của anh như vậy, không mảy may nghĩ rằng anh có chút khinh miệt với xuất thân của tôi.
Năm 21 tuổi, tôi được giữ chức Quản lý trong một công ty vì kinh nghiệm làm việc ổn, có khả năng ăn nói cùng danh tiếng khá tốt vì có chút thành tựu trong ngành. Kể từ lúc đó, tôi nhận thấy cuộc đời mình được “lên cấp” hơn một chút, ít nhất là trong mắt anh người yêu cũ hay những người cho rằng vì không có bằng cấp nên trình độ của tôi không thể so sánh với những người đã học ở xứ trời Tây.
Dĩ nhiên, vì còn quá trẻ ở thời điểm đó, tôi gặp khá nhiều khó khăn trong việc quản lý công việc và đối nhân xử thế. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc tôi không thể làm việc hay không thể tự hoàn tất dự án của mình, dẫu có rất nhiều ánh mắt nghi ngờ, băn khoăn bởi tôi không có bất kỳ bằng cấp nào để chứng minh năng lực.
Trong một lần đi ăn trưa chung với nhau, cô bạn đồng nghiệp hỏi tôi: “Tại sao mày lại chọn công việc này?”. Lúc ấy tôi chỉ cười xòa: “Tự dưng nó thế. Tự dưng việc tới thì nhận, thế thôi!”. Công việc cũng như người yêu, gặp gỡ, gắn kết với nhau được là cái duyên, đồng hành với nhau ở một chặng đường dài lại là chuyện khác.
Tất nhiên, việc này chẳng có gì quá mới lạ khi chúng ta dễ dàng bị người khác xét đoán bởi những thứ ta sở hữu ở bên ngoài. Chẳng lẽ… “du học là nhất”? Và những ai có-điều-kiện nhưng không du học hay không du học vì không-có-điều-kiện là “không là gì cả”?
Dĩ nhiên, ta không thể ở yên một chỗ, làm một kẻ đi chậm với thời đại rồi nói rằng xã hội đang loại trừ mình. Cuộc sống là thế, có những luật lệ ngầm mà chúng ta sẽ phải tuân theo, hoặc phải tìm cách phá bỏ. Nếu bạn cứ tiếp tục ca thán rằng cuộc sống này bất công thì điều đó cũng chỉ làm thỏa mãn cái tôi bản thân trong phút chốc, chẳng thể giải quyết việc gì.
Thay vì than vãn, hãy học cách xử lý vấn đề. Thay vì bó hẹp mình trong khuôn mẫu suy nghĩ: “Vì mình không có điều kiện đi du học nên mình không là gì cả”, tôi chọn cách học từ xa, kiếm tiền để học và phấn đấu học nhiều nhất có thể. Học là một trong những phương thức đầu tư sinh lời vô giá, dẫu việc lấy lãi của nó có thể là hữu hình hoặc vô hình, có thể đến sớm hoặc đến muộn. Hãy cảm ơn những thiếu sót của bản thân, bởi nhờ vậy ta mới biết bản thân mình còn có thể phấn đấu và làm được nhiều thứ tuyệt vời hơn hẳn độ tuổi của mình.
Đời người ngắn lắm, chớp mắt mọi thứ đã trôi qua, hơi thở có thể ngừng bất kỳ lúc nào. Hãy cố gắng vì chính mình và cả với những người mình yêu thương – động lực ấy sẽ nhắc nhở rằng bạn sinh ra là có ý nghĩa trong cuộc đời này. Giá trị của bạn không phụ thuộc vào bất kỳ một người xa lạ nào không hiểu bạn, bởi đơn giản, họ chẳng quan trọng đến sự tồn tại của bạn như bạn nghĩ đâu.
– Theo Gari Nguyễn –