Đừng chất thêm gánh nặng lên tâm trí mình nữa, hãy giải thoát mình khỏi gánh nặng tự mang!

Áp lực triền miên, mệt mỏi vì gồng gánh hàng đống việc trên vai. Đã bao giờ bạn rơi vào cảm giác này và thấy điều ấy chưa? Bạn nghĩ sao, nếu vấn đề rất lớn nằm ở chính mình chứ không phải ai hay viêc nào gây khó dễ?

Chúng tôi xin đề cập hai vấn đề lớn trong số vô vàn vấn đề to nhỏ khác thường gặp:Thứ nhất, vội đổ lỗi cho mình vì không hiểu bản chất vấn đề. Thứ hai, việc của người là việc của mình, nỗi buồn của người là nỗi buồn của mình – Ôm trách nhiệm của người khác vào mình

Vội đổ lỗi cho mình vì không hiểu bản chất vấn đề

Chúng ta sẽ lấy những ví dụ thực tế để hiểu rõ. Có người bị cắt thưởng, họ sẽ tự dằn vặt rằng chỉ vì họ không đủ giỏi để làm việc đó. Thực tế, có rất nhiều lí do đằng sau cho sự việc này. Có thể công ty ấy đang gặp vấn đề lớn về ngân sách (nhưng không công bố cho nhân viên) nên để giảm bớt chi phí, họ cắt thưởng.

Cũng có thể, phần thưởng đó dành cho nhân viên khác chỉ vì họ khó khăn hơn bạn, hoặc bạn đã được phần thưởng này từ lần trước rồi. Đây chỉ là một ví dụ rất nhỏ, và có thể nó chưa thực sự khớp. Điều lớn hơn muốn bạn hiểu, đó là, đừng vội kết luận ngay rằng nguyên nhân nằm ở mình (ví dụ như không đủ giỏi), hãy nghĩ đến những khía cạnh khác rộng hơn, hay tìm hiểu bản chất vấn đề.

Một ví dụ khác. Bạn có hẹn với cô bạn thân vào ngày mai. Rồi đột nhiên cô ấy hủy hẹn, tất nhiên bạn rất bực mình vì cô ấy hủy hẹn vào phút chót. Bạn liền kết luận rằng bạn là người chán ngắt, cô ấy muốn đi với người khác thú vị hơn. 

Bạn sẽ ngồi đó cả ngày buồn rầu. Có thể cô ấy có vấn đề cá nhân nào đó khó nói, hay người nhà gặp chuyện. Cách giải quyết là gì chưa vội bàn đến ở đây, chỉ nói đến vấn đề rằng, chúng ta chỉ nhìn thấy góc hẹp của vấn đề mà không chịu nhìn rộng hơn. Hệ quả là, chúng ta tự hiểu nhầm chính mình và người xung quanh, chất thêm gánh nặng lên trái tim đã vốn quá nặng nề. 

Nên làm sao để thay đổi điều này? Có hai cách:

Tập nghĩ rộng hơn, rèn luyện tư duy tìm hiểu bản chất vấn đề của những chuyện xảy ra không như những gì bạn mong muốn hoặc dự định. 

Quan sát cách bạn phản ứng với các thất vọng trong đời. Bạn có ngay lập tức đổ lỗi cho bản thân ngay khi một sự việc xảy ra không? Nhận thức là cốt lõi của việc thay đổi một hành vi. Nếu phát hiện ra các thói quen bạn thường làm, bạn sẽ thay đổi nó theo hướng có lí trí hơn.  

Có ai đó có thể thắc mắc thế này, “thoát khỏi việc tự đổ lỗi cho mình, hay đưa ra các kết luận vội vàng thật khó quá, vì nó là thói quen của tôi rồi.” Đúng là thế, đúng là nó rất khó. Vì nó cấu thành phần nhận thức của bạn. Chẳng mấy ai đủ sức vượt qua nó vì chẳng có ai mãi đạt được những gì họ muốn. 

Hãy đối diện với nó, rằng thực tế cuộc sống luôn khó sống, và nhận ra thói quen dần dần. Nhận thức môt cách lí trí sẽ giúp bạn thay đổi trạng thái, thói quen của mình, từ việc tự đổ lỗi sang bao dung với chính mình. Bạn sẽ khiến cuộc sống trở nên khó thở hơn khi cứ đâm đầu giải quyết một việc mà không hiểu bản chất vấn đề. Ngừng đổ lỗi, ngừng suy diễn, hãy tập trung tìm hiểu bản chất vấn đề bạn đang gặp phải.  

Đừng kỳ vọng chúng ta là người biết tuốt.

Nếu từng có ai đó làm bạn thất vọng trong đời, từng có ai khiến bạn không lí giải được hành động của họ hay động cơ gì đằng sau, hãy nên hiểu rằng, có những việc chúng ta không thể biết hết, có những lí do ẩn sâu chúng ta chưa từng khám phá ra (trừ phi bạn là một người thấu rõ tâm lí và đạt đến mức độ thấu hiểu và đồng cảm). Vì thế, chớ vội đổ lỗi ngay cho mình hay ai khác, chớ vội đưa ra kết luận. Hãy biết rằng, có vô vàn lí do xảy đến với người và việc mà chúng ta chưa biết.  

Việc của người là việc của mình, nỗi buồn của người là nỗi buồn của mình – Ôm trách nhiệm của người khác vào mình

Đã bao giờ bạn cảm thấy có trách nhiệm với vui/buồn, mâu thuẫn với ai đó, công việc chưa giải quyết được, hay một tâm lí thất thường nào đó của người thân, thậm chí tin rằng đó là công việc của bạn để đảm bảo rằng những người bạn quan tâm đều thành công ở bất cứ điều gì họ làm?

Nếu là một ông bố hay một bà mẹ, họ sẽ lo lắng mỗi khi con mình không có bữa ăn trưa ở trường, hay không có ai đưa đón khi tan học. Họ trở nên lo lắng quá mức để quản lí con cái vì lo chúng chơi với bạn xấu nếu họ không ở cùng con. 

Mối lo lắng này rất thường thấy và đều dễ hiểu. Nhưng kiểm soát con quá mức sẽ tự chất gánh nặng lo lắng lên mình. Nếu con bạn đã lớn, nó có thể tự giải quyết được vấn đề của mình. Hãy để chúng tự xoay sở thay vì tìm cách giải quyết hộ chúng từ những điều nhỏ. Đó là cách giúp chúng lớn khôn.

Tâm lí bao đồng, ôm việc này không chỉ xảy ra với những người làm bố mẹ. Nó còn xảy ra với rất nhiều mối quan hệ trong cuộc sống. Nếu bạn đang giúp ai đó vực dậy vấn đề tinh thần, mãi họ không khá lên được, đã bao giờ bạn tự trách mình, lo lắng, tìm cách giải quyết giúp họ thoát khỏi vấn đề lập tức không? 

Muốn giúp một người là tốt, chắc chắn rồi. Có điều, ràng buộc vào đó quá mức, muốn giải quyết hộ họ, trong khi không để họ tự làm, và khiến bản thân âu sầu không phải ý hay. Đôi khi có những lỗi lầm của người khác mà chúng ta không giải quyết thay họ được. Đôi khi chúng ta nên để ai đó “ngã” để họ nhận ra vấn đề của mình. Bởi vì, ai cũng phải tự đi bằng đôi chân của mình, chúng ta không thể đi hộ ai đến hết con đường. 

Ví dụ khác, có đồng nghiệp trong công ty luôn nhờ vả bạn, và lúc nào bạn cũng chấp nhận giúp họ không từ chối, để rồi luôn cảm thấy nặng nề và áp lực. Sự nặng nề này là lỗi của bạn, bởi vì bạn tự ôm nó vào mình. Bạn nên để họ tự tay làm việc của mình cho đến khi họ khá, thay vì làm giúp họ mãi. Và này, làm giúp một người không phải lúc nào cũng tốt đâu nhé. 

Bạn không phải là người chịu trách nhiệm cho vấn đề của bất cứ ai trong cuộc sống. Bạn có thể sẵn sàng giúp đỡ họ nếu có thể, nhưng bất cứ ai cũng phải tự mình làm và tự mình vượt qua khó khăn. Có lúc họ sẽ gục ngã, cũng có lúc đạt thành tựu. Có lúc họ vui mừng, cũng có lúc buồn bã. Nhưng đó mới chính là cuộc sống, của mỗi người, cả bạn và cả tôi. 

Chẳng có ai đi trên con đường bằng phẳng mà không hề có sỏi đá, ai cũng phải dẫm chân lên sỏi đá để đến với mặt trời. Hãy giải thoát mình khỏi gánh nặng tự mang!

—–

Logic của cuộc đời là không có gì dễ dàng bao giờ. Nhưng mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn khi bạn bỏ đi sự lười biếng và bắt đầu đánh động từng mẩu nhỏ của tư duy logic. Một mẩu nhỏ được khai mở, cả thế giới của logic sẽ cùng đó dẫn bạn vào thế giới của trí tuệ vô tận

Tham khảo sách BIẾT ĐÚNG BIẾT SAI THIÊN TÀI LOGIC của Ryu Vội Vã để trở thành một con người lí trí, thực dụng và trưởng thành

– OOPSY – Cộng đồng dành cho những người đam mê tâm lí học và tâm lí trị liệu –  

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *