Một số người có tư tưởng cậy mình đọc nhiều sách, hiểu biết nhiều hơn nên luôn cho mình hơn người, họ cho rằng rất nhiều người khác hành sự và tư duy rất “ngốc nghếch”, kiểu như ai cũng nên có cái trí tuệ như trong sách thì thế giới này mới thành được thế giới.
Nhưng bản thân kiến thức vốn dĩ có hạn, bất kể là ai, người ở tầng lớp nào, cũng không thể nắm bắt được tri thức ở tất cả mọi lĩnh vực, tri thức của một người luôn có giới hạn, núi cao còn có núi cao hơn, cao hơn núi còn có bầu trời, mỗi người chỉ cần có tư duy và logic hành động theo cái bản sắc riêng của mình, vậy là đủ, và có như vậy thì thế giới nó mới vận hành một cách cân bằng được. Thử hỏi nếu ai cũng có thể trí tuệ, tinh anh, hay triết lý như trong sách, vậy thì thế giới này có còn giàu nghèo, có còn đẳng cấp, hay các tầng lớp xã hội hay không?
Nếu đọc sách không khiến bạn trở nên bao dung và cảm thông với người khác hơn, vậy thì cuốn sách đó, bạn đọc cũng phí công vô ích.
Khi bạn đọc được những thứ hay ho bổ ích nào đó trong sách, khi bạn học hỏi được từ ai đó những kiến thức bổ ích, tuyệt đối đừng lấy chúng ra làm thước đo để đi đánh giá hay phê phán tất cả những gì bạn trông thấy, thay vào đó, hãy học cách phát hiện ra sự đa dạng hóa từ trong đó – khi bắt gặp một thứ gì đó không phù hợp với tư tưởng hay ý niệm vốn có của bản thân, việc bạn nên làm là đi sâu, nhìn vào cái giá trị mới mà nó mang lại, chứ tuyệt đối đừng ngay lập tức phủ định nó.
– Theo Thiên Vy –