Trong cuốn sách này, tác giả bắt đầu từ năm khía cạnh thông qua 5 chương:
Chương 1: Định vị hoàn cảnh: Trước cơ hội, mọi người đều bình đẳng
Chương 2: Định vị vai trò: Tập trung vào ưu thế nghề nghiệp của bạn
Chương 3: Định vị năng lực: Đào sâu vào lợi thế chuyên ngành của bạn
Chương 4: Định vị giao tiếp: Nhân đôi ưu thế giao tiếp xã hội của bạn
Chương 5: Định vị quyết sách: Kích hoạt lợi thế trong cuộc sống của bạn
Bạn đọc sẽ bắt gặp rất nhiều hiện tượng tâm lý quen thuộc hằng ngày như: Tại sao ăn uống thả ga thì rất dễ nhưng quyết tâm giảm cân lại khó? Tại sao những đứa trẻ được khen ngợi thường xuyên có xu hướng phát triển hơn? Tại sao khi nghĩ đến chuyện gì đó không tốt thì nó sẽ xảy ra? Tại sao ta luôn muốn người khác đối xử với mình như cách mình đối xử với họ? … Và nhiều các hiện tượng tâm lý khác được giải đáp một cách khoa học và dễ hiểu trong cuốn sách bạn đang cầm trên tay.
Hiệu ứng cửa sổ vỡ
Ví dụ với hiệu ứng cửa sổ vỡ: Sức mạnh có tính lật đổ của hành vi ám thị. Nhà tâm lý học Freud đã chỉ ra trong học thuyết nhân cách của mình như sau: Nhân cách được cấu tạo bởi 3 yếu tố, đó là bản năng, bản ngã và siêu ngã.
Bản năng là ham muốn nguyên thủy nằm sâu thẳm trong nội tâm của chúng ta có thể thỏa mãn mọi dục vọng khao khát trong vô thức.
Siêu ngã thì hoàn toàn ngược lại, nó đại diện cho quan niệm, đạo đức và quan niệm giá trị, là nhân cách lý tưởng hóa (xã hội hóa), hạn chế sự bốc đồng của bản năng và theo đuổi những mục tiêu cao cấp hơn.
Bản ngã, chính là con người thực sự được hiển hiện ra trong sự cân bằng giữa bản năng và siêu ngã.
Sức mạnh của ám thị tâm lý
Trong cuốn sách, tác động tiêu cực của hiệu ứng Rosenthal có nhắc đến việc kỳ vọng thế nào, thành người thế ấy. Sức mạnh của ám thị tâm lý là vô cùng to lớn. Khi các nhà giáo dục tin rằng đối tượng nhận giáo dục là người xuất sắc thì lời nói và hành động của họ sẽ bộc lộ sự quan tâm và kỳ vọng. Và trong sự thay đổi rất tinh tế âm thầm ấy, đối tượng nhận giáo dục cũng sẽ tin rằng bản thân mình thật sự xuất sắc, từ đó tiềm năng của chúng sẽ được khơi dậy.
Hiệu ứng đồng hồ đeo tay
Trong cuộc sống hiện thực ngày nay, bạn có để ý một điều rằng: không có ai đồng thời hai hoặc hơn hai chiếc đồng hồ trên tay. Tương tự như vậy, cùng một tổ chức không thể cùng lúc áp dụng hai cách quản lý khác nhau. Một nhân viên cũng không thể chịu sự chỉ đạo của hai hoặc nhiều lãnh đạo cùng lúc, nếu không sẽ khiến nhân viên không biết phải nghe theo ai.
Điều mà hiệu ứng này muốn chúng ta thấy là, chúng ta khó tránh được việc rơi vào tình huống phải đưa lựa chọn giữa nhiều bên, do dự không quyết đoán, không có chủ kiến chỉ khiến chúng ta trở thành con lừa chết đói mà thôi. Cho dù tồn tại hai chiếc đồng hồ đeo tay có hai mốc thời gian khác nhau, chúng ta cũng phải chọn một cái làm chuẩn, không được do dự, cũng không được tùy tiện thay đổi, đó chính là Hiệu ứng đồng hồ đeo tay.
Hiệu ứng Zeigarnik
Hay như đã bao giờ bạn bị phiền não bởi dòng suy nghĩ miên man về công việc chưa hoàn thành? Có thể đó là dự án mới làm được một nửa khiến bạn phải thao thức, hoặc là cốt truyện của một cuốn tiểu thuyết đang đọc dở cứ quay mòng mòng trong đầu bạn. Việc bạn không thể ngừng suy nghĩ về các nhiệm vụ còn đang dang dở đều có lý do của nó cả. Các nhà tâm lý học gọi đó là hiệu ứng Zeigarnik, hay còn là xu hướng nhớ những công việc dang dở hơn là những công việc đã hoàn thành.
Trên đây chỉ là vài định luật trong tổng số 53 định luật được giải thích cặn kẽ và chi tiết qua cuốn sách. Định luật Peter – Những quy luật tâm lý thao túng suy nghĩ và hành động của chúng ta đã lồng ghép rất khéo các câu chuyện khoa học, ngôn ngữ thẳng thắn kèm các ví dụ điển hình sinh động, cho độc giả thấy những hiện tượng tâm lý học có liên quan mật thiết với cuộc sống, đồng thời thông qua phân tích các kỹ xảo có thể giúp độc giả nắm bắt được ý nghĩa của các hành động, chạm tới tiềm thức, hiểu được những điều sâu kín nhất trong tâm trí đối phương, nắm chắc toàn cục trong mối giao tiếp giữa người với người.
Tâm lý có thể làm tăng hoặc giảm sức mạnh tinh thần và cả sức mạnh vật chất của con người. Nó có thể giúp con người trở nên khỏe mạnh, tỉnh táo, tươi trẻ, đầy sức sống, cũng có thể làm cho con người mất hết sức lực, trở nên yếu đuối, bạc nhược và con người cũng có thể chết vì tác động tinh thần, tác động tâm lý. Hành vi chính là tấm gương phản chiếu tâm lý của con người, qua đó, chúng ta tự soi chiếu bản thân, học cách chung sống hòa thuận với chính mình, bên cạnh đó cũng có thể hiểu rõ người khác và thiết lập mối quan hệ tốt đẹp trong xã hội. Khi mỗi người trong chúng ta đều học được cách trực tiếp đối diện với bản chất thật sự trong tâm hồn, vậy việc trở thành người thầy cho chính mình cũng không còn là mơ ước xa vời nữa.