Cứ bình tĩnh mà tiến lên, đừng để nỗi sợ ngăn cản

Khi bạn lướt Facebook và thấy một “đống” người giỏi, họ học hết cái này cái kia, được hết giải này giải nọ, bạn có tự ti không? Nếu có thì bớt bớt đi, chứ thật ra bạn vẫn nằm trong số ít đó thôi. Số nhiều còn lại, vẫn lười, vẫn chưa giỏi và vẫn bình thường.
 
Hôm nay tôi nói chuyện với một bạn gái tìm đến mình hỏi về chuyện nghề nghiệp. Giống như bạn đang đọc những dòng này, bạn gái ấy cũng rất thích đọc các nội dung về phát triển bản thân. Không chỉ đọc không đâu, bạn ấy cũng rất chịu khó đầu tư tiền vào học các khóa học kỹ năng online và offline để nâng cao kỹ năng. Cá nhân là một người tư vấn hướng nghiệp, tôi thấy bạn gái này quá ổn và quá xịn, công ty nào mà nhận được bạn ý và làm thì quá là may mắn cho họ.
 
Thế nhưng mà, người ta lại không nghĩ như vậy. Người ta lo lắng kiểu như là: “Em thấy vậy cũng bình thường, em chưa đủ giỏi. Xung quanh em ai cũng đang học đang làm và em thấy còn giỏi hơn em.”.
 
Tôi nhận ra là, cô gái này giống kha khá các bạn trẻ hay lo nghĩ mà tôi được gặp gần đây trong phòng tư vấn hướng nghiệp. Điều hay lo nghĩ ở đây là, các bạn nghĩ rằng tất tần tật mọi người trên thế giới này – ai ai cũng đang học hành thật chăm chỉ và thật giỏi. Như vậy tức là những gì bạn học và làm là chưa đủ, chưa bao giờ đủ cả.
 
Nhưng mà thực tế đâu có như vậy. Tôi cam đoan với các bạn, từ tư cách là một người tư vấn hướng nghiệp và làm việc với các bạn trẻ nhiều về việc phát triển bản thân, số lượng người đầu tư cho việc phát triển bản thân để cải thiện kỹ năng các thứ so với số lượng người đang ăn chơi nhảy múa vô tư vẫn đang rất ít.
 
Tâm lý chung của những người đọc các thể loại về phát triển bản thân đó là những người thấy kiến thức mình học hay quá, hay thế này mà lại còn miễn phí trên mạng nữa, chắc chắn là có rất nhiều người cũng học được như thế. Mà nhiều người cũng đang học như thế thì mình lại có gì đặc biệt đâu – cũng bình thường thôi… Trích lại câu đầu bài, “Nếu có thì bớt bớt đi, chứ thật ra bạn vẫn nằm trong số ít đó thôi. Số nhiều còn lại, vẫn lười, vẫn chưa giỏi và vẫn bình thường.”
 
Cứ bình tĩnh mà tiến
 
Mọi việc sẽ suôn sẻ khi ta bình tĩnh và mỉm cười một cái. Đừng căng thẳng. Đừng bí xị. Lo lắng ít thôi. Đặt niềm tin vào bản thân nhiều lên.
 
Mỗi một phút bạn học online, mỗi một giờ bạn ngồi ở lớp học, mỗi một trang sách bạn đọc – chắc chắn sẽ đem lại cho bạn lợi ích trong tương lai. Chỉ là chưa biết lúc nào thôi.
 
Có khi sáng mai nó có ích luôn, có khi 10 năm nữa mới dùng đến. Ai mà biết được đúng không?
 
Mấu chốt của vấn đề đó là, nếu ta cứ chăm chăm đi tìm một cái đích cuối cùng xem việc học cái này hay đọc cái kia sẽ giúp ích được cho cái gì cụ thể, thì vô tình ta bỏ lỡ mất việc thưởng thức việc học hay việc đọc đó rồi. Có bao giờ bạn đọc một cuốn sách và thấy chẳng nhớ gì nhiều, đến một buổi trò chuyện với bạn sau này thật lâu bỗng nhiên lại thấy nội dung cuốn sách đó rõ mồn một không?
 
Câu chuyện đầu tiên mà Steve Jobs giới thiệu trong diễn văn của mình đó là việc bỏ học nửa chừng của ông ta. Nghe rất cảm động. Ông ta bỏ học không phải vì lười biếng mà vì cảm thấy buồn và xấu hổ khi phải tiêu quá nhiều tiền để dành cả đời của bố mẹ nuôi trong khi bản thân ông lại không thực sự cảm nhận được những điều mà ông cho là có giá trị thật sự. Ông đã quyết định từ giã ngôi trường chỉ sau sáu tháng theo học. Tuy nhiên, môn học viết chữ đẹp (calligraphy) đã lôi kéo sự quan tâm của ông. Ông đã theo học những lớp thư pháp mà ông không hề nghĩ rằng sau này ông đã áp dụng chúng vào trong các mẫu thiết kế của Apple.
 
Trong thời điểm của những quyết định khó khăn ở tuổi học sinh, Steve Jobs đã chọn lòng hiếu kính với cha mẹ và yêu thích cái đẹp làm động lực dắt dẫn cuộc sống của mình. Nhìn lại những kinh nghiệm thời thơ ấu, Steve Jobs đã khuyên các bạn trẻ trong lễ tốt nghiệp của họ rằng, “…Bạn không thể nối kết những dấu chấm khi nhìn về phía trước; bạn chỉ có thể nối kết chúng khi nhìn lại đằng sau. Cho nên bạn phải tin tưởng rằng những dấu chấm đó thế nào rồi cũng sẽ nối kết với tương lai của bạn bằng cách này hay cách khác. Bạn hãy tin tưởng vào điều gì đó ở chính mình: bản năng, định mệnh, cuộc sống, nghiệp lực, vân vân. Lối tiếp cận này chưa bao giờ làm cho tôi thất vọng, và nó đã tạo ra những thay đổi quan trọng trong cuộc sống của tôi”. (… You can’t connect the dots looking forward; you can only connect them looking backwards. So you have to trust that the dots will somehow connect in your future. You have to trust in something – your gut, destiny, life, karma, whatever. This approach has never let me down, and it has made all the difference in my life).
 
Một niềm tin nữa bạn có thể gieo cho chính bản thân mình đó là, mỗi một chữ bạn đang đọc đây, là bạn đang bước xa hơn một bước so với người không đọc nó. Ừ thì cuộc sống không nên là một cuộc đua căng thẳng, nhưng nghĩ về việc ‘đua tranh’ nhẹ nhàng một tí cũng hay mà đúng không?
 
Có người cho rằng phải vững lý thuyết và nghiên cứu sâu rồi hay làm, người khác lại cho rằng lý thuyết suông thì không tốt, phải thực chiến nhiều lên. Cá nhân tôi nghĩ rằng, phải cân bằng được cả hai cái này. Hai cái nó dính liền với nhau lắm, cái này tốt thì cái kia sẽ tốt lên – bây giờ tập trung vào cái này rồi muốn vững thì cũng cần phải quay lại cái kia thôi.
 
Bạn có thể là tuýp người đọc thật kỹ 10 cuốn sách rồi mới ra một ý tưởng để làm. Hoặc bạn có thể giống tôi, đọc 3 trang sách là đã nghĩ ra 10 ý tưởng bắt tay vào làm liền rồi. Kiểu nào cũng được, không sao cả đâu.
 
Chúng ta có nhiều nỗi sợ lắm lắm. Sợ thất bại. Sợ bị từ chối. Sự thua cuộc. Sợ phải bắt đầu từ đầu. Ừ thì sợ thật đấy, nhưng nếu bạn vẫn đang tiến bộ mỗi ngày, thì có cái gì tấn công bạn mà bạn không chống đỡ được cơ chứ!
 
– Theo Anh Tuấn Lê –

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *