Một ngày vì tò mò tôi được bạn kéo đi tham gia buổi diễn thuyết, tôi đã vô cùng bất ngờ khi nhận ra rằng, con người muốn biết được ai là người thành công, ai là người thất bại lại vô cùng dễ dàng.
Trong buổi diễn thuyết ấy, người diễn giả đưa cho 30 người tham gia trò chơi bằng cách mỗi vị khách mời có một quả bóng. Sau khi nhận quả bóng mỗi người hãy tự viết tên mình lên đó. Rồi cuối cùng họ được tập trung vào một căn phòng bên cạnh.
Diễn giả bắt đầu đọc luật chơi:
“Trong vòng 5 phút, mỗi người đều phải tìm lại quả bóng có ghi tên mình trong rổ bóng”.
Những khán giả ở dưới chỉ nhìn ở trên sân khấu lộn xộn mà ôm bụng cười ngặt nghẽo. 20 người túm tụm lại, ai cũng muốn chen chân bằng được vào căn phòng nhỏ, chen lấn, xô đẩy đến ngã nhào ra chỉ với hi vọng mình là kẻ chiến thắng, mình có thể vào trong và tìm được quả bóng có tên mình.
Hết 5 phút, vị diễn giả thổi còi báo hiệu hết giờ. Có 20 người tham gia thì 7 người đã tìm được quả bóng có tên mình. Nhưng cảnh tượng trên sân khấu quả khiến người ta lắc đầu, hình ảnh 7 người có quả bóng trong tay tóc tai bơ phờ, mặt mũi lấm lem, đỏ gay vì tranh giành rồi thở hổn hển.
Trong lúc mọi người vẫn đang ồn ào, bàn tán xôn xao về chuyện xảy ra thì vị diễn giả cầm mic tiếp tục nói: “Xin quý khán giả hãy yên lặng. Chúng ta sẽ có một chút thay đổi”. Rồi anh phổ biến luật chơi mới:
“Bây giờ mọi người hãy với lấy bất kỳ quả bóng nào gần mình nhất và đưa nó cho người có tên ghi trên đó“.
Thật đáng ngạc nhiên khi chưa đầy 2 phút, mọi người đều nhận được quả cầu có ghi tên mình. Bầu không khí khi ấy lại vô cùng thoải mái, hòa nhã. Ai nấy đều tay bắt mặt mừng, hồ hởi nhận lại quả bóng của mình và không quên mỉm cười rồi nói lời cảm ơn tới đối phương.
Kết quả là có hơn 20 người họ xếp thành một hàng dài trên sân khấu. Người nào người nấy đầu tóc vẫn chỉnh tề, quần áo phẳng phiu, tâm trạng lại rất thư thái, khác hẳn với cảnh tượng vừa diễn ra trước đó không lâu. Mọi người đặt cùng quả bóng của mình trước mặt, đứng thành hàng và bắt chéo những đôi bàn tay vào nhau, trông như những mắt xích trong cùng một sợi dây.
Lúc khán giả vẫn còn đang ngơ ngác thì diễn giả cất lời:
“Thưa quý vị, trong cùng một căn phòng, cùng những gương mặt như nhau, nhưng hai lối tư duy và tâm thái khác nhau đã cho chúng ta thấy ngay sự khác biệt”.
Đúng vậy, ở trên sân khấu chỉ là một trò chơi, sau vài giờ nữa ai nấy đều quay lại với cuộc sống của mình. Nhưng chính trò chơi này lại miêu tả một cách rõ nét, sinh động về bức tranh cuộc sống của chúng ta.
Con người thường có thói quen chăm chăm nhìn vào những thứ mình muốn và sẵn sàng bất chấp để theo đuổi chúng thì dù có cật lực vất vả bạn cũng khó có thể thành công. Nhưng nếu học được cách thay đổi suy nghĩ một chút, con người học được cách mở rộng cái tâm của mình thì mọi chuyện ắt hẳn sẽ đơn giản, dễ dàng hơn nhiều.
Cuộc sống muốn thành công trước khi chưa tìm được thứ mình mong muốn, hãy mang thứ đang có trong tay mình tặng lại cho người thật sự cần nó nhất. Một khi bạn có thể làm được như vậy, mỗi chúng ta đều sẽ rất nhanh chóng nhận được thứ mà mình mong muốn và khi ấy thế giới sẽ trở nên thật khác.
Câu chuyện này có hai đạo lý: Người thành công không tiếc lời khích lệ người khác, khen ngợi lẫn nhau và người thất bại không ngừng buông lời sát phạt người khác.
Đối với người thành công, họ tìm kiếm đối tác, họ chọn cách chia sẻ cơ hội để cùng tiến đến thành công sớm hơn. Trong khi đấy người thất bại lại chỉ lo lắng, khiếp sợ rằng cơ hội của mình sẽ bị người khác cướp mất.
Người thành công sẽ nhìn tới sở trường của người khác để tìm ra điểm phù hợp để cùng nhau cố gắng. Trong khi người thất bại lại chỉ tìm kiếm, bới móc những điểm yếu của đối phương để dìm họ xuống cuối cùng với hi vọng mình đứng ở trên họ một bậc.
Có rất nhiều việc con người khi càng nắm chặt lại càng dễ đánh mất. Giống như việc cầm trong tay một nắm cát, càng nắm chặt cát sẽ càng trôi tuột qua kẽ tay rơi khỏi bàn tay. Nếu bạn biết buông hờ một cách khôn khéo, mở rộng bàn tay để nâng niu thì trong tay bạn có thể chứa được nhiều cát hơn bạn nghĩ.
Trong cuộc sống, con người trước khi muốn nhận được, cần phải học cách cho đi, bạn nhé!
– Theo Nắng Mai –