5 chữ “làm người” và “làm nên chuyện” ngắn nhưng đã tóm gọn mục đích sống của nhiều người. Trước tiên, ai ai cũng cần học cách “làm người”, rèn luyện đạo đức, tu dưỡng nhân cách và sống sao cho vẹn toàn. Sau đó họ mới có thể “làm nên chuyện”. Bởi cách đối nhân xử thế có thể ảnh hưởng đến con đường sự nghiệp và cuộc sống sau này.
8 điều cần rèn luyện để “làm người”
1 – Hãy là người hiếu thảo. Lòng hiếu thảo với cha mẹ là nghĩa vụ hàng đầu của con cái, là đạo lý làm người cơ bản. Con cái không thể sống thiếu sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹà. Vì vậy, khi cha mẹ ngày một có tuổi, con cái cần thể hiện sự hiếu thuận, đền ơn đáp nghĩa cho cha mẹ và những gì bậc sinh thành đã làm.
2 – Hãy là người tử tế. Một trong những món quà lớn nhất mà chúng ta có thể trao cho người khác là lòng tốt. Cho dù là nhường chỗ ngồi cho người khác, nhắc người tham gia giao thông gạt chân chống hay nhặt đồ giúp ai đó, sự tử tế luôn đem lại niềm hạnh phúc. Sự tể tế giúp con người cảm thấy thanh thản, vui tươi khi làm việc tốt. Đồng thời sự tử tế cũng giúp tăng thiện cảm, kính trọng từ những người xung quanh.
3 – Trở thành người đáng tin cậy. Người đáng tin cậy giúp cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Họ là người truyền cảm hứng và có ảnh hưởng tốt đến cuộc sống của người khác, có tinh thần cũng như ý thức trách nhiệm cao. Người đáng tin cậy biết coi trọng niềm tin của mọi người đối với mình, giữ lời hứa và có khả năng tiến xa trong sự nghiệp cũng như cuộc sống.
4 – Làm người biết bao dung. Sự bao dung chính là mở rộng lòng mình và chấp nhận, bỏ qua những thiếu sót, sai lầm của người khác mà không oán trách. Lòng khoan dung thực sự đòi hỏi tư duy cởi mở, tôn trọng và cảm thông. Lòng khoan dung giúp con người có thể chung sống hòa bình với nhau, cơ sở cho một xã hội công bằng.
5 – Luôn trung thực. Trung thực là đạo đức giá trị giữa thế giới đầy rẫy lời hứa hão huyền. Càng thành thật, con người càng dễ nhận được sự tin cậy. Khi sống trung thực, con người chắc chắn sẽ nhận được nhiều điều tích cực và hạnh phúc xung quanh. Từ đó, nhiều mối quan hệ tốt và thân thiết được hình thành, có thể giúp ích cho công việc cũng như cuộc sống hàng ngày.
6 – Biết cách khiêm tốn. Cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela từng nói: “Điều đầu tiên là trung thực với chính mình. Bạn không bao giờ có thể tác động đến xã hội nếu không thay đổi bản thân. Những người tạo hòa bình vĩ đại đều là những người liêm chính, trung thực nhưng khiêm tốn”. Sự khiêm tốn giúp một người mở rộng lòng trắc ẩn và đồng cảm hơn với người khác. Đồng thời phẩm chất này cũng giúp một người tự nhận thức về bản thân và trưởng thành từ những thành công cũng như vấp ngã.
7 – Có tính kiên trì. Người kiên trì không dễ dàng từ bỏ trước nghịch cảnh, sẵn sàng đối mặt với thử thách để vươn lên khỏi khó khăn. Họ có tinh thần theo đuổi đến cùng, làm bất cứ việc gì cũng phải có lòng quyết tâm, nhẫn nại. Đây chính là chìa khóa thành công trong cuộc sống và sự nghiệp, như câu tục ngữ: “Có công mài sắt, có ngày nên kim”.
8 – Nhìn ra sự tích cực và lạc quan. Các nhà khoa học đã dành nhiều năm để nghiên cứu về những người có suy nghĩ tích cực. Thái độ lạc quan giúp con người hạnh phúc, thành công và khoẻ mạnh hơn. Ngoài ra, cái nhìn lạc quan giúp mọi người có khả năng chống lại căng thẳng và trầm cảm. Dù gặp phải tình huống tồi tệ, người lạc quan luôn nhìn vào phương diện tích cực, nhanh chóng rút ra kinh nghiệm và bài học cho bản thân, từ đó dần tiến tới thành công.
Ngoài 8 điều nên làm này, mọi người cần lưu tâm thêm “7 đừng” để cuộc sống thêm nhiều niềm vui, tràn ngập hạnh phúc. Đó là đừng kiêu ngạo, vô ơn, hứa hẹn một cách mù quáng, áp đặt, giễu cợt và làm tổn thương người khác, mất bình tĩnh, nói mà không suy nghĩ.
– Theo Aboluowang/Lam Phương –