1 – Dọn Nhà, Dọn Cửa, Gột Rửa Trái Tim
Tác giả Shoukei Matsumoto là một nhà sư, tu hành tại ngôi chùa mang tên Komyo (Quang Minh) nằm tại thị trấn Kamiya, Tokyo, Nhật Bản.
Năm 2003, thầy gõ cánh cửa chùa Komyo, trở thành nhà sư thuộc phái Bản nguyên tự (Hongan-ji) của Tịnh độ chân tông. Một ngày của nhà sư bắt đầu từ việc dọn dẹp. Dọn dẹp sạch sẽ bên trong ngôi chùa và sân vườn, lau cẩn thận gian giữa của ngôi chùa, khiến nó trở nên sáng bóng. Việc dọn dẹp đó không phải vì đã bẩn, cũng chẳng phải vì bừa bộn. Nó được tiến hành để loại bỏ những đám mây mù ẩn sâu trong trái tim, trong tâm hồn mỗi con người chúng ta. Khi vào thăm ngôi chùa, bạn sẽ cảm nhận được một khoảng không gian thanh bình và êm đềm đến lạ, một khung cảnh khiến trái tim bạn trở nên đủ đầy. Trong sân vườn được dọn dẹp sạch sẽ, không có lấy một chiếc lá rơi, cũng chẳng hề thấy một cọng rác nhỏ. Nếu bạn ngồi ở gian giữa của ngôi chùa, tự nhiên cơ vai sẽ được thả lỏng, kéo giãn, tâm hồn như được tươi mới trở lại.
Để thanh tẩy những dục vọng ngoài thế giới trần tục, phải loại bỏ những bụi bẩn tồn tại trong tâm hồn. Để giũ bỏ những tham lam, phải lau đi những vết bẩn đã bám víu bấy lâu. Khoảng thời gian dọn dẹp thật cẩn thận và lưu tâm tới từng ngóc ngách như thế thực sự là một công việc khiến trái tim con người trở nên trọn vẹn.
Một lối sống đơn giản, trải qua quãng thời gian tìm thấy cái tôi chính trực. Từng giây, từng phút, từng khoảnh khắc, sống với một trái tim hòa nhã và từ tốn. Việc đó có lẽ không chỉ cần thiết đối với nhà sư như thầy, mà đó còn là thái độ không thể thiếu với tất cả mọi người, những người đang tất bật ngược xuôi ở thế giới hiện tại.
Cuộc đời là một chuỗi những ngày tu hành. Từng việc, từng việc mà chúng ta làm sẽ tạo ra trái tim, tạo ra tâm hồn của chúng ta. Nếu tồn tại với cách sống thô tục, tâm hồn sẽ vẩn đục. Nếu tồn tại với cách sống hòa nhã và từ tốn, dụng tâm với mọi sự trên đời này, từng chút một, trái tim bạn sẽ trở nên trong sáng và thanh khiết.
Khi mang một trái tim thanh thuần, thế giới mà bạn nhìn thấy sẽ tỏa sáng lấp lánh.
Một khi thế giới tỏa ra ánh sáng rạng rỡ, con người cũng trở nên hiền hòa hơn trước.
Phái Thiền vốn luôn nổi tiếng mỗi khi nhắc đến công việc dọn dẹp của nhà sư. Trong Phật giáo Nhật Bản, việc dọn dẹp rất được coi trọng, đó là một hành động “thanh tẩy tâm hồn.”
Thông qua cuốn sách này, thầy Shoukei Matsumoto muốn truyền tải tới bạn đọc hình ảnh tu hành của các nhà sư, cũng như giới thiệu nghi thức dọn dẹp hằng ngày được thực hiện tại ngôi chùa. Về nghi thức của phái Thiền, thầy tổng hợp lại dựa trên cuộc nói chuyện với thiền sư Yoshimura Shoyo, một vị hòa thượng của phái Tào Động, hiện đang hoạt động rất năng nổ với tư cách là thiền sư chế biến món ăn chay, cùng với tăng sĩ Seigaku – người hiện đang sinh sống tại Berlin, Đức và truyền bá phái Thiền (ZEN) của Nhật Bản ra khắp thế giới.
Thầy mong rằng trong thời gian rảnh rỗi, mọi người cũng có thể cùng thử nghiệm nghi thức dọn dẹp được các nhà sư thực hiện trong chùa một cách vui vẻ tại ngôi nhà của mình.
Không có gì là khó cả. Nếu như bạn có thể tự nhủ với lòng mình rằng: “Mình muốn vừa ở nhà vừa bồi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn,” vậy thì chẳng phải việc nhà – công việc thực hiện mỗi ngày sẽ trở thành “công việc bồi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn” hay sao? Và không chỉ bồi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn của bản thân, dọn dẹp cũng chính là bồi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn của những người xung quanh bạn.
“Nếu như việc dọn dẹp hằng ngày có thể trở thành cơ hội để bạn tìm thấy được bản ngã, với tôi, không còn gì hạnh phúc hơn thế”.
2 – Học Ăn, Học Nấu, Thẩm Thấu Yêu Thương
Seigaku là một tăng lữ. Tăng lữ, nghĩa là để chỉ những thiền sư đặt chân tới khắp mọi miền, gửi gắm tới người dân tư tưởng của Thiền học. Tăng lữ giống như những áng mây đang trôi trên vòm trời rộng lớn, giống như dòng nước đang chảy xiết trên những con sông trải dài tới tận cuối chân trời. Hiện tác giả đang sống tại Berlin, Đức. Ông đã và đang truyền đi những tư tưởng của Thiền học tới những người mà ông có cơ hội gặp gỡ, như một nhân duyên mà ông trời ban tặng.
Tọa lạc tại thành phố Fukui, Nhật Bản, thiền viện Eihei là một trong hai thiền viện lớn nhất của phái Thiền ở Nhật Bản. Thiền viện là nơi tu hành và truyền dạy những triết lý của phái Thiền, do thiền sư Dogen (Đạo Nguyên Hy Huyền) thành lập vào năm 1246. Bản thân tác giả đã từng may mắn có cơ hội được tu hành tại thiền viện Eihei. Trong suốt quãng thời gian ấy, một trong những việc để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong Seigaku chính là “Nghi thức dùng bữa”. Trước khi đến với thiền viện Eihei, tâm trí tác giả vẫn luôn nhận thức rõ ràng sự quan trọng của bữa ăn. Ấy nhưng, sự khéo léo và nhiệt thành quy tụ trong nghi thức dùng bữa được truyền lại từ đời này qua đời khác tại thiền viện Eihei thực sự vượt ra ngoài những gì mà Seigaku có thể tưởng tượng.
Cuốn sách mà bạn đang cầm trên tay được tạo ra để bạn có thể áp dụng nghi thức dùng bữa được thực hiện như một lẽ đương nhiên tại thiền viện Eihei vào trong cuộc sống hiện đại. Bằng cách đó, các bạn, những độc giả, sẽ có được một trái tim tràn đầy hứng khởi, một cuộc đời dồi dào sinh lực.
Seigaku đã tổng hợp những nghi thức dùng bữa được truyền lại và thực hiện tại thiền viện Eihei hơn 700 năm vào cuốn sách này. Seigaku tin, bất cứ ai trên thế giới cũng đều có thể thực hiện được nghi thức dùng bữa tuyệt vời tại thiền viện Eihei. Sau khi ăn xong là đến dọn dẹp. Xong bước dọn dẹp sẽ kết thúc toàn bộ. Đây là cách dùng bữa có hiệu quả vô cùng lớn. Từng hành động tuyệt đẹp không có lấy một cử chỉ thừa thãi của sư thầy cao niên bày biện bàn ăn tựa như một màn trình diễn nghệ thuật đầy tinh tế.
Có lẽ, có nhiều người chỉ cần nghe thấy từ “nghi thức” là sẽ liên tưởng tới những việc làm phiền phức và rắc rối. Thú thực, ban đầu bản thân tác giả cũng từng mang ý nghĩ như vậy.
Ấy thế mà, khi tự mình thử thực hiện những nghi thức ấy, mọi thành kiến mà trước đó ông áp đặt, đã bị phủ quyết hoàn toàn.
Từ những quy tắc quen thuộc tới mức người Nhật Bản nào cũng biết như “Bát cơm đặt ở bên trái, súp miso đặt ở bên phải” cho đến những quy định mà nghe qua, ta thấy rất buồn cười: “Không được nhét nhiều thức ăn tới mức phồng mang trợn má” hay “Không được nhìn vào phần cơm của người khác,” “Không được chất đầy bát cơm giống như đỉnh núi”, trong khoảng thời gian được những sư thầy khác hay trụ trì hướng dẫn, Seigaku đã bắt chước và thực hành theo với tinh thần rất nghiêm túc. Cuối cùng, kết quả mà ông nhận được, đó là một điều kỳ diệu. Cho dù chỉ là cơm trắng bình thường thôi, nó cũng mang hương vị ngon tuyệt, vị ngon mà trước nay Seigaku chưa từng được nếm qua. Mặc dù chỉ là cố gắng điều khiển cơ thể theo khuôn mẫu đã được sắp xếp trước, nhưng bản thân lại có thể học được nghi thức một cách tự nhiên, hơn nữa, tác giả lại cảm thấy thư thái giống như linh hồn đang được gột rửa. Cảm giác này không chỉ một mình người thực hiện cảm thấy như vậy, mà tất cả những người quan sát cũng thấy quá đỗi ngạc nhiên khi tâm trạng của mình trở nên nhẹ nhõm. Nghi thức này thực sự đã được chào đón nồng nhiệt.
Tất cả những nghi thức được giới thiệu tới bạn đọc trong cuốn sách này không phải là những bí quyết đặc biệt hay hiếm có, mà ngược lại, thậm chí có thể chúng là những việc làm “đương nhiên” mà trước đây, bạn đã từng nghe thấy từ người ông, người bà của mình. Chính bởi thế nên cho dù là quán bar hay nhà hàng ở Đức, quán giải khát, quán nhậu ở Nhật Bản đi chăng nữa, tại bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào, bất cứ ai trên thế giới này cũng đều có thể dễ dàng thực hiện, mà không gặp phải khó khăn. Chỉ bằng cách thực hiện nghiêm túc và cẩn thận từng điều từng điều “như lẽ dĩ nhiên” ấy, bạn sẽ nhận được một sự thay đổi đến đáng ngạc nhiên.
Tác giả Seigaku mong rằng bạn đọc có thể nhân cơ hội này, biến những nghi thức trong ăn uống mà trước nay dù có biết cũng không thể thực hiện được, trở thành thói quen của bản thân.