Bạn là một nhà lãnh đạo hoặc đang khao khát trở thành một người lãnh đạo tài ba trong tương lai? Bạn có tự tin với khả năng lãnh đạo của mình? Trái ngược với những gì mà nhiều người có thể tin tưởng, lãnh đạo đội nhóm hay doanh nghiệp hiệu quả đòi hỏi rất nhiều kỹ năng.
Những cuốn sách về lãnh đạo dưới đây sẽ cho bạn một cái nhìn sâu sắc về việc lãnh đạo, cách trở thành một lãnh đạo giỏi và những điều mà các lãnh đạo xuất sắc cần biết.
1. Tâm Thức Lãnh Đạo – Rasmus Hougaard, Jacqueline Carter
Là con người, tất cả chúng ta đều bị thúc đẩy bởi các nhu cầu cơ bản như tìm thấy ý nghĩa, hạnh phúc, sự kết nối giữa con người và mong muốn đóng góp tích cực cho xã hội. Điều đó đúng cho lúc ta ở nhà, lúc ra môi trường bên ngoài hay tại nơi làm việc. Nhưng có cái dùng để nhận ra, có cái thì để tác động vào. Chạm được vào sự khích lệ bên trong, vào cái động lực nội tại của nhân viên đòi hỏi dạng lãnh đạo và các tổ chức phải thực sự quan tâm tới những mong muốn đó. Các tổ chức và các nhà lãnh đạo có tư duy tiến bộ đang ngày càng nhận ra và tìm cách giải quyết vấn đề này. Javier Pladevall, Giám đốc điều hành của Audi Volkswagen ở Tây Ban Nha, đã suy ngẫm và nói ra điều này: “Lãnh đạo ngày nay chính là hãy bỏ bớt kiến thức quản lý đi và học lại việc làm người”.
Cuốn sách “Tâm thức lãnh đạo” của Rasmus Hougaard và Jacqueline Carter cho chúng ta cách để thực hiện điều đó. Nó đưa ra những hướng dẫn cho các nhà lãnh đạo biết cách lãnh đạo bản thân, đội ngũ và tổ chức để giải phóng nguồn động lực từ bên trong, tạo ra các nền văn hóa thực sự lấy con người làm trung tâm và mang lại kết quả phi thường. Nó đòi hỏi các nhà lãnh đạo phải là những con người trước đã: Tỉnh thức, quên mình và có lòng từ bi. Làm như thế là để phát triển những phẩm chất có thể thúc đẩy sự gắn kết, cảm nhận sự viên mãn và ý nghĩa, những yếu tố dẫn đến những thành công lớn hơn trong kinh doanh.
Nếu chúng ta là những người lãnh đạo có sự tỉnh thức, chúng ta sẽ biết rõ hơn đối với nhân viên, điều gì là quan trọng nhất. Chúng ta sẽ hiện diện nhiều hơn, quan tâm và muốn biết nhiều thứ hơn.
Nếu chúng ta là những người lãnh đạo biết quên mình, nhìn nhận vấn đề rộng lớn hơn cái nhu cầu bản ngã, chúng ta có thể làm mẫu hình cho loại văn hóa đề cao sự học hỏi và phát triển.
Nếu chúng ta là những người lãnh đạo có lòng trắc ẩn, nhân viên sẽ biết chúng ta luôn sẵn sàng che chở họ. Nếu chúng ta thực sự quan tâm đến nhân viên, họ sẽ thực sự quan tâm đến khách hàng và doanh nghiệp sẽ tự phát triển.
Rasmus Hougaard và Jacqueline Carter đã chia sẻ: “Chúng tôi tự tin mang đến cho bạn cuốn sách này. Trong quá trình phát triển của nó, chúng tôi đã được đứng trên vai những người khổng lồ: Những bậc thầy về rèn luyện tâm trí đã truyền cảm hứng cho chúng tôi trong nhiều thập niên, các nhà quản lý điều hành đã tặng chúng tôi trí tuệ của họ, và các nhà nghiên cứu đã chia sẻ những điều tìm thấy. Giờ đây bạn được chào đón vào cuộc hành trình dài nhưng bạn không phải cô đơn. Hàng ngàn người đã đi qua các bài thực hành này trước bạn và đã chuyển biến, thay đổi bản thân và cách họ lãnh đạo. Bạn sắp sửa nhập vào dòng người đang di chuyển và chúng tôi đang ở đây, sẵn sàng hỗ trợ trên con đường bạn sẽ đi qua.”
2. Bí Quyết Ra Quyết Định Dành Cho Lãnh Đạo – Son Masayoshi
Ai là nhà lãnh đạo? Những tố chất một nhà lãnh đạo cần có là gì? Và làm sao để trở thành nhà lãnh đạo thành công?
Trong một thế giới cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, việc trở thành một nhà lãnh đạo không khó, quan trọng là nhà lãnh đạo đó có giỏi để chiến thắng hay không. Là một nhà lãnh đạo, một trong những việc không thể nào thiếu đó là ra quyết định. Thực ra, ai cũng phải ra quyết định, dù là lớn hay nhỏ. Nhưng những quyết định của nhà lãnh đạo không chỉ liên quan đến một mình họ, mà có thể liên quan đến cả một công ty, một tập đoàn. Một quyết định sai lầm có thể lấy đi cơ hội làm việc, thậm chí là con đường sống của hàng trăm, hàng ngàn người đang trông chờ vào quyết định ấy.
Thương trường là một chiến trường, nếu bạn chậm trễ, cơ hội sẽ thuộc về người khác. Khi bạn là nhà lãnh đạo, có hàng trăm những vấn đề cần phải quyết định. Những câu hỏi mà ít nhiều bạn sẽ gặp như: Có nên tham gia vào lĩnh vực cạnh tranh với mảng kinh doanh sẵn có của công ty mình? Nên lựa chọn đối tác chiến lược như thế nào? Có nên đầu tư vào lĩnh vực mới? Thông thường, những người đi trước ít khi có thời gian để truyền tải cho bạn tất cả những kinh nghiệm mà họ có được, hoặc nếu có đi chăng nữa thì cũng sẽ không thực sự đủ cho một lượng kiến thức thực tế khổng lồ.
Thấu hiểu được điều này, Son Masayoshi – một cái tên lớn trong thế giới công nghệ, một nhà lãnh đạo tài năng với hoàn loạt những quyết định đúng đắn và khi trở thành một tỷ phú thành danh. Các bài giảng của Son Masayoshi tại Học viện Softbank đã cấu thành nên “Bí quyết ra quyết định cho nhà lãnh đạo”, cuốn sách như một món quà cho thế hệ những người đi sau.
Cuốn sách chỉ có hai phần với một cách trình bày dễ hiểu, dễ tiếp cận. Phần 1 mang tên “Bí quyết ra quyết định cho nhà lãnh đạo” gồm 30 câu hỏi là 30 tình huống khác nhau buộc nhà lãnh đạo phải đưa ra những quyết định đúng đắn và sáng suốt. Phần lớn trong số 30 câu hỏi của ông đều không có những lời giải thích hay đáp áp cụ thể. Người học sẽ được yêu cầu phải đưa ra “quyết định” một cách trực quan từ hai phương án lựa chọn. Bởi lẽ trong thế giới kinh doanh có rất nhiều trường hợp không cho phép bạn dự trù, do dự khi đưa ra những lựa chọn lớn lao. Và đồng thời, với một vấn đề cũng sẽ có những cách giải quyết khác nhau, điều quan trọng là bạn có đủ sức để thực hiện nó hay không thôi.
Phần 2 là bài giảng về “Binh pháp Nhị Thừa của Son”, nội dung mà Son Masayoshi vẫn thường xuyên nhắc tới. Về nội dung, trong khi phần “Binh pháp” nói về tư tưởng, chiến lược thì phần “Bí quyết” tập trung vào việc áp dụng những tư tưởng, chiến lược đó vào thực tiễn. Tất cả nội dung của bộ binh pháp này nằm trong bảng 25 chữ, đó là 25 chữ cái đặc biệt, là sự kết hợp giữa những kinh nghiệm của phương Đông với phương Tây, là sự đúc kết mấy mươi năm của một nhà lãnh đạo tên tuổi.
Như các bạn đã biết, mọi thứ, mọi việc trên đời này đều có thứ tự ưu tiên cả. Không phải cứ suy nghĩ cân bằng, đồng đều là được. Ta thường xuyên đưa vào trong đầu từ những cái gì quan trọng trước. Một quyết định được đưa ra trong một thoáng, có thể sẽ trở thành nỗi tiếc nuối trong suốt cả cuộc đời. Những người thành công đều có một bước ngoặt, và bước ngoặt đó là khi họ lập một quyết định rõ ràng, cụ thể, dứt khoát rằng họ sẽ không tiếp tục sống như thế này thêm nữa. Một số người lập quyết định đó ở tuổi 15 và một số người lập quyết định đó ở tuổi 50 và phần lớn mọi người chẳng bao giờ lập quyết định đó. Đó là lý do có người thành công và có người thất bại.
Tất nhiên, Son Masayoshi không chỉ có những thành công, ông cũng đã vấp phải không ít thất bại. Để có thành công, thất bại là điều hiển nhiên, ông đã lấy những kinh nghiệm đó để chia sẻ những bí quyết ra quyết định của nhà lãnh đạo. Thay vì ra quyết định vội vàng, vấp phải thất bại để rút ra bài học. Tại sao bạn không đứng lên ngay từ điểm khởi đầu với những lời khuyên đã có? Hãy trở thành một nhà lãnh đạo có tầm nhìn, một nhà lãnh đạo có thể đưa ra quyết định đúng đắn trong một thời gian hạn định. “Bí quyết ra quyết định của nhà lãnh đạo” của Pandabooks sẽ đồng hành cùng bạn.
3. Tài Lãnh Đạo 3k – Brad Lomenick
Cuộc sống chính là những quyết định. Nếu bạn muốn thay đổi, bạn phải ra quyết định. Quyết định đúng đắn tạo thói quen đúng đắn.
Thói quen bắt nguồn từ ý niệm và từ ý niệm tạo hình thành quả. Một thói quen là kết tinh của một quá trình đơm hoa từ hạt giống là những hành vi hay những việc ta làm, là thứ có thể biến suy nghĩ thành hành động, biến lý thuyết thành thực tiễn, biến mộng mơ thành hiện thực. Thói quen giúp con người duy trì và hiện thực hóa lý tưởng trong đời. Khả năng lãnh đạo trường kỳ thường bắt nguồn từ việc đưa thành quả luyện tập đều đặn mỗi ngày vào hành trình của nhà lãnh đạo. Thói quen tạo nên những quy trình vận hành chuẩn mực và là nhiên liệu để chạy đến đích.
Muốn thay đổi? Hãy tạo thói quen. Muốn trở thành nhà lãnh đạo? Hãy gầy dựng những thói quen lãnh đạo. Nếu bạn muốn thành một người tốt hơn, hãy tập làm người tốt hơn. Muốn chuyền một đường bóng xoáy thật mạnh? Luyện tập chính là câu trả lời. Muốn dứt điểm trong golf tài tình hơn? Không cách nào tốt hơn là nuôi dưỡng thói quen đẩy banh mỗi tối. Muốn chèo thuyền vượt Đại Tây Dương? Hãy tập chèo hằng tháng để quen với biển khơi. Thói quen sẽ cho ra đời hành động cần thiết ngay cả khi ta không còn sức suy nghĩ.
– Trích “Khiêm nhường, khát khao, không quản ngại”
4. Thuật Lãnh Đạo Khởi Nghiệp – Derek Lidow
Khởi nghiệp thành công không đơn thuần là thành lập được một doanh nghiệp từ một hay vài ý tưởng.
Có rất nhiều doanh nghiệp ra đời từ các ý tưởng nào đó rồi sau đó nhanh chóng biến mất, và chỉ rất ít doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tạo ra giá trị cụ thể lâu dài. Đau lòng hơn, có nhiều doanh nhân bước đầu gầy dựng thành công một doanh nghiệp nhưng rồi sau đó nó rơi vào cảnh hoạt động trì trệ, chết dần chết mòn. Khi doanh nghiệp xuất hiện nhà đầu tư bên ngoài, người khởi nghiệp rất thường bị sa thải. Khi đọc xuyên suốt các chương của quyển sách này, bạn sẽ dần nhận ra các doanh nhân khởi nghiệp chỉ có thể thành công khi đã được trang bị những kỹ năng lãnh đạo khởi nghiệp cơ bản.
Thương trường vốn rất khốc liệt, ấy vậy mà phần lớn doanh nhân khởi nghiệp lại không thật sự hiểu cần phải làm gì để hiện thực hóa giấc mơ kinh doanh. Có một khoảng cách rất lớn giữa việc thành lập một công ty và làm cho công ty đó có thể tự đứng vững. Khoảng cách này chính là nơi mà các doanh nhân và công ty của họ rất dễ “lên bờ xuống ruộng”.
Khi doanh nghiệp còn non trẻ, mỗi một yếu tố mới như nhân sự, khách hàng, dự án, chiến lược, khủng hoảng,… đều có thể ảnh hưởng lớn đến tương lai của doanh nghiệp và cái ghế của người sáng lập.
Như đã nói, cuốn sách này nói về việc xây dựng một doanh nghiệp từ ý tưởng kinh doanh ban đầu đến lúc doanh nghiệp ấy có thể tạo ra lợi nhuận và tự tồn tại. Tiêu chuẩn cơ bản của tác giả về một công ty khởi nghiệp thành công là công ty ấy có thể tự tồn tại. Khi làm được điều này tức là bạn đã thật sự trở thành nhà lãnh đạo khởi nghiệp (entrepreneurial leader – EL)