Đây là kỹ năng bạn sẽ không bao giờ hoàn toàn thành thạo. Nhưng nếu làm chủ được rồi, chỉ một chút thành quả nhận lại từ nó thôi sẽ khiến bạn vượt xa so với những người khác.
Còn nếu không có kỹ năng này, bạn sẽ luôn cảm thấy mâu thuẫn, do dự và không bao giờ có thể đưa ra quyết định vì cảm thấy không đủ sự kiên quyết để làm điều đó.
Vậy kỹ năng ấy là gì?
Đó là khả năng xem xét những mâu thuẫn trong đầu, đối mặt với nghịch lý của quá trình cải thiện bản thân và thông hiểu những khía cạnh phản trực giác để thay đổi cuộc sống.
Lối tư duy đúng sai rõ ràng dẫn đến một thế giới tầm thường mà chúng ta đang sống. Các phương tiện truyền thông đẩy bạn suy nghĩ như vậy. Thường thì những người mà bạn coi là có uy quyền cũng vậy – giáo viên, những người lớn khác, và thậm chí cả cha mẹ bạn.
Vì vậy, nhiều người trong xã hội trở lên cứng nhắc, trí óc trở nên hạn hẹp.
Bạn cần linh hoạt. Bạn cần có khả năng điều chỉnh tư duy, niềm tin và hành động của mình cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại.
Lý Tiểu Long từng nói một câu rất hay:
“Hãy giống như nước chảy qua các vết nứt. Đừng cứng nhắc, hãy điều chỉnh tùy theo đối tượng, rồi bạn sẽ tìm ra cách xoay sở hoặc vượt qua nó. Nếu bên trong không cứng nhắc, thì bên ngoài sẽ tự bộc lộ ra. Để tâm trí trở nên trống rỗng, trở nên vô định, vô dạng như nước vậy. Nếu bạn đổ nước vào ly, nó sẽ trở thành chiếc ly. Bạn đổ nước vào một cái bình và nó sẽ trở thành cái bình. Bạn đặt nó vào ấm trà, nó sẽ trở thành ấm trà. Nước có thể chảy và cũng có thể tấn công. Hãy là nước, bạn của tôi.
Hãy xem một số ví dụ để hiểu ý tôi rõ hơn.
Quan tâm nhưng đừng bận tâm
Để có được kết quả tối ưu trong việc mà bạn cố gắng hoàn thành, bạn cần đồng thời phải dồn hết sức mình để hoàn thành và bỏ qua việc suy nghĩ về kết quả của nó.
Mẹo này như sau. Bạn đừng bận tâm đến thành công hay thất bại với mỗi nhiệm vụ nhưng hãy nhìn vào kết quả lâu dài và những bài học và kiến thức bạn tích lũy từ những nhiệm vụ ấy.
Tôi quan tâm đến sự nghiệp viết của mình nói chung, nhưng nếu tôi cứ băn khoăn về từng bài đăng trên blog cá nhân hoặc email mà tôi gửi đi, tôi sẽ chẳng bao giờ hoàn thành công việc.
Tôi nỗ lực ở tất cả tác phẩm của mình – một số thì thành công, còn lại thì không được như thế. Nhưng cuối cùng tôi vẫn trở thành một nhà văn có tiến bộ.
Kết hợp các khía cạnh đối lập
Chuyên gia kinh doanh Sam Ovens nói về những người thành công thế này:
“[Về điều khiến họ thành công] Đầu tiên là sự tự tin hơn người- niềm tin sâu sắc vào sự đặc biệt của họ. Điều thứ hai dường như ngược lại -là cảm giác bất an, cảm giác bạn hoặc những gì bạn đã làm là chưa đủ. Thứ ba là kiểm soát tính bốc đồng”.
Một mặt, bạn muốn soi gương và tự nói với bản thân “Mình là tuyệt nhất!” nhưng bạn cũng muốn lấp đầy những khoảng trống trong cuộc sống để đạt được mục tiêu của mình.
Sự bất an và tự tin đều bị hiểu nhầm. Bạn sẽ không bao giờ hoàn toàn cảm thấy một trong hai. Vì chúng có mối quan hệ cộng sinh với nhau, nghĩa là cả hai sẽ hỗ trợ nhau khi được dùng đúng cách.
Nóng vội một cách kiên nhẫn
Điều này làm tôi nhớ đến một câu trích dẫn khác:
“Hãy sống như thể bạn sẽ chết vào ngày mai, hãy học như thể bạn sẽ sống mãi mãi.”
Trước mắt, hãy nóng vội và chủ động. Do dự sẽ làm hỏng tiến độ của bạn.
Nhưng bạn cũng cần kiên trì về lâu dài và tin rằng mọi thứ cuối cùng sẽ ổn.
Bạn phải có niềm tin rằng vũ trụ sẽ giúp bạn đạt kết quả của mình.
Có quá nhiều người vội vàng muốn đạt thành quả dài hạn khi rất bình tĩnh với kết quả ngắn hạn, đó là một cách nói hoa mỹ cho sự trì hoãn.
Đừng chỉ coi thành công là đích đến duy nhất
Bạn có bao giờ nhận thấy rằng nếu bạn thực sự muốn điều gì đó và điên cuồng mong điều đó xảy ra thì nó sẽ chẳng bao giờ xuất hiện?
Nếu bạn bị tiền chi phối, việc kiếm tiền sẽ khó khăn hơn. Nếu địa vị và sự ngưỡng mộ từ những người xung quanh khiến bạn bận lòng, việc thu hút sự chú ý sẽ càng trở nên phức tạp.
Thay vào đó, nếu những thứ như tiền bạc, địa vị và sự chú ý của mọi người bị thu hút bởi chính con người bạn, thì cuối cùng bạn sẽ đạt được những gì bạn muốn như một sản phẩm kép của những nỗ lực cố gắng của bản thân khi bạn làm điều bạn thích, theo đuổi mục tiêu và thỏa mãn trí tò mò của bản thân.
Tạo sự cân bằng từ cuộc sống mất thăng bằng
Trớ trêu thay, nếu coi mọi thứ có tầm quan trọng như nhau sẽ đẩy bạn vào những tình huống đầy bất trắc. Ví dụ: một người làm tất cả các việc vặt vãnh, không có giới hạn nào, đồng ý với mọi yêu cầu, sẽ khiến anh ta hao mòn sức lực.
Thay vào đó, nếu bạn dành nhiều thời gian hơn cho những việc quan trọng, bạn sẽ cảm thấy cân bằng hơn trong nội tâm bởi vì bạn đang tiến gần hơn với các giá trị ấy.
Bạn ưu tiên đến một số thứ nhất định. Lựa chọn những nhiệm vụ và những người quan trọng.
Nhiệm vụ của bạn luôn quan trọng hơn tất cả. Dốc năng lượng vào những lĩnh vực đúng đắn trước tiên. Khi năng lượng cạn dần, hãy chia phần còn lại sang những lĩnh vực khác.
Kiếm tiền nhưng đừng quá bận tâm đến tiền
Một lần nữa, điều này thể hiện động lực và lý do bạn chọn những công việc mình làm. Tập trung vào việc kiếm sống, bạn có thể tự do, linh hoạt và kiểm soát thời gian của mình.
Nhưng đừng để tiền biến bạn thành nô lệ. Quá nhiều người có niềm tin mù quáng với tiền bạc.
Đừng xem tiền là mục tiêu cuối cùng, hãy xem nó như một nguồn nhiên liệu.
Hãy chấp nhận và đưa ra phán xét
Một mặt, khi bạn tiếp xúc với ai lần đầu, bạn đều muốn cho họ một cơ hội.
Đừng bao giờ đánh giá một cuốn sách chỉ qua trang bìa, hãy cởi mở và tò mò. Đừng bao giờ trở nên căng thẳng trong các mối quan hệ cho dù chúng là mối quan hệ tình cảm, thuần khiết hay liên quan đến việc làm ăn.
Đồng thời, bạn muốn hiểu bản chất con người, đặc biệt là những mảng tối, học cách điều khiển các quy tắc xã hội chi phối các mối quan hệ của con người.
Học cả những điều cấm kỵ
Một số người bỏ sót quan điểm của những cuốn sách như 48 Quy luật của Quyền lực và gọi chúng là vô luân hay vô đạo đức. Vấn đề ở đây là chúng ta không đọc để trở thành Machiavelli.
Hãy hiểu cách thức mà mọi người làm việc để bạn không đặt mình vào những tình huống phản tác dụng và bất lợi. Bạn có thể vừa lạc quan, cởi mở, cẩn thận và sáng suốt.
Học cách đón nhận sự căng thẳng trong suy nghĩ bởi nó sẽ không bao giờ biến mất.
Hãy loại bỏ ý nghĩ rằng mình sẽ cảm thấy hoàn toàn thoải mái và có một loạt câu trả lời chính xác về cách để sống cuộc sống của mình. Không có chuyện đó đâu.
Nhưng bạn sẽ bắt đầu học cách đối mặt với các tình huống khác nhau trong cuộc sống, với cảm xúc của bạn, với mục tiêu của bạn và với toàn bộ câu chuyện bạn kể về sự tồn tại của chính mình.
Tiến bộ hay thụt lùi phụ thuộc vào những gì bạn thấy cần thiết.
Bạn không cố gắng để luôn luôn làm đúng, bạn đang cố gắng để giảm bớt những sai lầm.
Bạn không cố gắng trở nên hoàn hảo, bạn đang cố gắng trở nên tốt hơn và luôn tiến về phía trước.
– Theo Mai Lâm –