Chuyên mục tác giả: Murakami Haruki

Murakami Haruki là một trong những tác giả nổi tiếng nhất của dòng văn học đương đại Nhật Bản. Ông sinh năm 1949 tại Kyoto, hiện đang sống ở Boston, Mỹ. Murakami cũng là một trong những tiểu thuyết gia Nhật Bản được biết đến nhiều nhất hiện nay ở cả trong nước lẫn ngoài nước. Ông bắt đầu sự nghiệp cầm bút từ năm 23 tuổi, tính đến nay hơn 30 năm có lẻ với rất nhiều tác phẩm có giá trị, được dịch ra khoảng 38 thứ tiếng khác nhau trên thế giới. Ông đã trở thành một hiện tượng trong văn học Nhật Bản đương đại với những mỹ danh như: “nhà văn được yêu thích nhất”, “nhà văn best – seller”, “nhà văn của giới trẻ”, “nhà văn Nhật Bản được yêu thích nhất ở nước ngoài”…
 
Sinh ra ở Kyoto, cố đô của Nhật Bản nhưng ông lại trưởng thành ở Kobe, một thành phố cảng xinh đẹp. Cha mẹ ông đều là giáo viên dạy văn học Nhật Bản nên ngay từ bé Murakami đã sống, lớn lên trong một không gian thấm đẫm văn học. Một điều đặc biệt là: bản thân ông, bên cạnh việc tiếp thu từ nhỏ nền văn học Nhật Bản, còn chịu ảnh hưởng lớn từ nền văn hoá phương Tây, đặc biệt trong lĩnh vực âm nhạc và văn học. Sở dĩ như vậy, bởi vì khi đó Nhật Bản đang trong thời kỳ phát triển nhất, đồng thời cũng là giai đoạn văn hoá phương Tây du nhập mạnh mẽ vào Nhật Bản. Do ảnh hưởng lớn từ nền văn hoá phương Tây, đồng thời lại được đắm chìm trong không gian văn học truyền thống từ cha mẹ nên những điều này đã làm thành một “chất văn Murakami” phân biệt ông với các nhà văn Nhật Bản khác. Theo như nhận định của nhiều nhà nghiên cứu văn học trên thế giới, văn học Nhật Bản thường chú trọng đến vẻ đẹp ngôn từ, điều này khiến cho khả năng diễn đạt bị giới hạn và câu văn trở nên cứng nhắc, thiếu độ mềm mại, tinh tế trong khi đó phong cách của Murakami tương đối khoáng đạt, uyển chuyển bởi nó có sự pha trộn của các yếu tố Tây phương trong cách viết.
 
Thời kỳ học ở Khoa Nghệ thuật sân khấu trường Đại học Waseda, ông đã gặp người bạn đời của mình. Vừa học, vừa làm việc trong một cửa hàng băng đĩa để kiếm sống và chính khoảng thời gian làm việc tại đây phần nào giúp ông có cái nhìn đặc sắc hơn trong ngòi bút khi miêu tả công việc của Watanaba Toru, nhân vật chính trong “Rừng Nauy”. Không đi trọn sự nghiệp học hành, ông đã bỏ ngang cùng vợ lập một quán cafe nhạc Jazz có tên là “Petter cat” tại Tokyo và quản lý nó từ năm 1974 đến 1982. Có lẽ do ảnh hưởng của thời gian này nên rất nhiều tác phẩm sau đó của ông đều có bối cảnh âm nhạc và tựa đề âm nhạc nào đấy. Đó là các tác phẩm như “Nhảy, nhảy, nhảy”, “Rừng Nauy”, “Phía Nam biên giới, Phía tây mặt trời”…
 
Về tác phẩm: ông bắt đầu được thế giới biết đến qua tác phẩm đầu tay “Lắng nghe gió hát” khi ông 29 tuổi. Thực tế ông cũng đã có tác phẩm công bố năm 23 tuổi nhưng có lẽ phải đến “Lắng nghe gió hát” ra đời, cùng với sự thành công của nó trên văn đàn nên đã khuyến khích ông bước vào con đường cầm bút chuyên nghiệp. Một năm sau đó, thiên tiểu thuyết thứ hai ra đời “Pillball, 1973”, nó như là phần tiếp nối của tác phẩm “Lắng nghe gió hát”. Cả hai tạo thành một thiên truyện hoàn hảo và bắt đầu định hình dần dần phong cách Murakami. Nhưng, phải đến tận khi “Săn cừu hoang” ra đời nó mới chính thức khẳng định được phong cách viết của ông: phong cách phương Tây đan xen phong cách Á Đông, hài hước thâm thuý, nhẹ nhàng, sâu sắc đi thẳng vào lòng người.
 
Tiếp nối những thành công đó, năm 1985 ông viết cuốn “Xứ sở kỳ diệu lạnh lùng và nơi tận cùng của thế giới” một câu truyện siêu hiện thực, câu chuyện tưởng tượng, mơ mộng cùng yếu tố ma thuật trong tác phẩm đã đưa Murakami sang một tầm cao mới. Đến năm 1987 khi “Rừng Nauy” ra đời, tài năng của Murakami lúc này đã thực sự chinh phục được bạn đọc không chỉ ở Nhật Bản mà còn cả thế giới. Đó là câu chuyện mất mát về quá khứ, tình dục, cuộc sống không định hướng tương lai. Toru – chàng trai nhân vật chính trong chuyện đã luôn luôn giằng xé tâm hồn mình giữa hai cô gái mà anh yêu. Với Naoko (người yêu của người bạn thân đã mất) một tình yêu tinh thần trong trắng, còn Midori là tình yêu hiện tại, sự nóng chảy giao hoà của cảm xúc. Tác phẩm đã phản ánh được sự bế tắc trong cuộc sống, những mất mát trong tình dục hay chính là cuộc cách mạng trong bản thân những thanh niên Nhật Bản thời kỳ này. Họ đang bị giằng xé trước việc bảo tồn văn hoá truyền thống hay tiếp thu nền văn hoá phương Tây đang ào ạt đổ vào Nhật Bản. Văn hoá phương Tây chính là tự do cá nhân, tự do tình dục, điều này khác hẳn với văn hoá truyền thống của người Nhật Bản. Ngay từ ngày đầu phát hành cuốn sách đã bán được hàng triệu bản ở Nhật Bản và sau đó làm nên một hiện tượng ở rất nhiều nơi trên thế giới. Ví dụ như ở Trung Quốc, Rừng Nauy đã trở thành hiện tượng, một trong 10 cuốn sách văn học dịch có ảnh hưởng lớn nhất ở nước này trong thế kỷ XX. Tác phẩm này đã được đón nhận rộng rãi ở Trung Quốc, đặc biệt là giới trẻ trong việc tìm hiểu văn học Nhật Bản, văn hoá Nhật Bản và dân tộc Nhật Bản. Từ “Rừng Nauy” nó đã trở thành cây cầu nối cho một seria tác phẩm của Murakami được dịch, xuất bản tại đây như: “Săn cừu hoang”, “Xử sở kỳ diệu lạnh lùng và nơi tận cùng của thế giới”, “Nhảy, nhảy, nhảy”, “Tập truyện ngắn con voi bị biến mất”, “Kafka bên bờ biển”. Một con số chính thức cho thấy trong vòng 15 năm qua 2.800.000 bản sách đã được phát hành tại đây. Như vậy, có thể nói Murakami đã tạo nên được một hiện tượng văn hoá ở đất nước vốn có một bề dày phong kiến hàng nghìn năm lịch sử như Trung Hoa.
 
Lúc này có một sự chuyển dịch trong cuộc sống của ông, đó là năm 1986, ông rời Nhật Bản đi du lịch Châu Âu, cuối cùng dừng chân ở Mỹ. Khoảng thời gian ở Mỹ là lúc ông thành công nhất trong sự nghiệp với hàng loạt các tác phẩm gây được tiếng vang, xếp vào hàng best seller.
Tiếp theo, “Nhảy, nhảy, nhảy” “Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời” năm 94 – 95 ông cho xuất bản “Biên niên ký chim vặn dây cót”. Cùng với “Rừng Nauy” tác phẩm này đẩy ông lên bậc cao nhất, bục vinh quang và đạt đến đỉnh cao của độ chín trong sự nghiệp cầm bút viết văn. Tác phẩm đã hội đủ tất cả các khuynh hướng hiện thực, tưởng tượng, bạo lực. Nhiều độc giả khi đọc xong tác phẩm này cảm thấy hụt hẫng, chơi vơi, mệt mỏi, phải nghỉ ngơi một thời gian mới đủ sức để đọc tiếp một cuốn khác của ông. “Biên niên ký chim vặn dây cót” đã đưa giải thưởng Yomiuri đến cho Murakami Haruki. Như vậy giống như “Rừng Nauy”, “Biên niên ký chim vặn dây cót” gây tiếng vang, được dịch ở nhiều nước trên thế giới. Ngay sau đó, hàng loạt truyện khác đã ra đời như: “Người tình Sputnick 1999”, “Kafka bên bờ biển 2002”, “After Dark 2004”, “Hợp tuyển bí ẩn Tokyo 2005”, và những tập truyện ngắn khác ông cho in rải rác trong các năm. Qua các tác phẩm kể trên ta có thể thấy được sức sống và sự lao động bền bỉ trong sự nghiệp cầm bút của ông.
 
Mặc dù ở Nhật Bản ông được xếp vào hàng những nhà văn ăn khách bậc thầy nhưng văn chương của ông vẫn bị coi là văn chương bình dân. Tại sao lại như vậy? Phải chăng văn của ông không giống văn chương truyền thống của Nhật Bản. Ở ông có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa phong cách Á Đông và phong cách phương Tây. Văn chương của ông có yếu tố phương Tây nhưng nó lại không hoàn toàn xa lạ với văn chương truyền thống. Ông từng sinh sống ở các nước Italia, Mỹ để trải nghiệm thế giới rồi mới trở về Nhật Bản. Vì vậy, văn của ông tràn ngập các yếu tố phương Tây trong sự giao hoà với phương Đông. Chính vì thế, nhiều nhà văn truyền thống Nhật Bản coi văn của Murakami mang đặc tính bơ sữa (batasukai) và lên tiếng phê phán ông quá xa rời văn chương truyền thống Nhật Bản xa rời cái gốc rễ phương Đông.
 
Cũng chính bởi lẽ đó, văn Muramaki đã tạo thành một món ăn lạ với độc giả không chỉ trong nước mà còn ở nhiều nước khác nhau trên thế giới và đang dần dần trở thành ngôn ngữ chung cho các bạn trẻ. Chứng minh cho nhận định trên, trước hết phải kể đến cuộc hội thảo quốc tế về các tác phẩm của Murakami do Quỹ giao lưu quốc tế tổ chức tại ba nơi: Kobe, Tokyo và Sapparo với sự tham gia của 18 dịch giả từ 16 nước khác nhau trên thế giới. Mặc dù có rất nhiều ý kiến khen chê khác nhau, nhưng tựu chung lại đều cho rằng: Muramaki là một nhà văn hiện đại ăn khách và sáng giá nhất hiện nay của Nhật Bản. Nhưng liệu tác phẩm của ông có thể trường tồn cùng thời gian hay không mà chỉ là hiện tượng “bong bóng”?. Điều này cần có sự kiểm nghiệm về sức sống của tác phẩm qua thời gian.
 
Nhưng, dù thế nào đi chăng nữa chúng ta cũng không thể nào phủ nhận sức sống và ảnh hưởng của văn chương Murakami ở nhiều nước khác nhau trên thế giới hiện nay. Để chứng minh cho điều đó, trước hết hãy điểm qua sức sống tác phẩm của Murakami ở một số nước trên thế giới. Thứ nhất là: tại Trung Quốc ông đã gây lên thành làn sóng Murakamu Haruki, một hiện tượng văn hóa Nhật Bản ở đây. “Rừng Nauy” đứng thứ 10 trong top 10 cuốn sách văn học dịch gây ảnh hưởng lớn nhất Trung Quốc với con số phát hành 300.000 bản, và được tái bản liên tiếp trong vòng một năm. Còn ở một số nước Đông Á khác như Hàn Quốc, Đài Loan cũng thực sự hình thành cơn sốt Murakami. Điều này so với “cơn cuồng” Murakami ở đất nước của chính ông thì các bạn trẻ các nước này cũng không kém là bao nhiêu. Thứ hai là: Trên văn đàn quốc tế, Murakami Haruki từng bước, từng bước một âm thầm bước lên hàng ngũ nhà văn hàng đầu thế giới. Tại Mỹ tính đến nay đã có 8 tác phẩm của ông được chuyển ngữ sang tiếng Anh, ông đã giành được một lượng độc giả nhất định. Người Mỹ vốn đã quen với dòng văn học mang nặng phong cách Tây phương thì nay cái đằm thắm của văn hoá phương Đông được pha trộn hài hoà với các yếu tố phương Tây trong văn chương của Murakami, tạo thành hương vị lạ, độc đáo lôi cuốn họ. Đức một đất nước người dân vốn dĩ thờ ơ với việc đọc tác phẩm văn học thì “A wild sheep Chase “ của ông đã bán được hơn một triệu bản, gây lên cơn sốt Murakami tại đất nước này. Giới xuất bản Anh cũng thành công không kém. Với tỷ lệ tiểu thuyết dịch chiếm chưa đến 6% vậy mà trong khoảng 10 năm, hơn chục cuốn tiểu thuyết của ông cũng đã được dịch và xuất bản. Cảm giác cô độc, tình dục, và những khát khao cá nhân được giải phóng trong văn của ông đã cuốn hút được những độc giả khó tính của xứ sở sương mù.
 
Khi so sánh với văn học Phương Tây tác phẩm của ông là sự kết hợp hài hoà của bút pháp phương Đông pha trộn phong cách phương Tây. Cả hai cái đó được kết hợp nhuần nhuyễn, uyển chuyển, hành văn của ông không khó hiểu, nặng về câu từ, ngữ nghĩa như các nhà văn Nhật Bản khác. Ngược lại, do có yếu tố phương Tây nên trong văn của ông có sự đan xen giao hoà, trong âm có dương, trong dương có âm. Cách nhìn của nhân vật hay cách bố trí của cốt truyện luôn được nhìn dưới góc độ Tây hoá nên đã tạo ra được một nét riêng, phong cách riêng của Murakami Haruki. Theo như một nhà nghiên cứu nhận xét rằng: Trong văn của Haruki chủ nghĩa cá nhân mới kiểu tự dị hóa và ý nghĩa cứu rỗi tâm linh êm ái, nhẹ nhàng của ông cũng là nguyên tố quan trọng trong việc thu hút người đọc. Do đó, không còn nghi ngờ gì nữa Murakami chính là một trong những nhà văn hiện đại, kiệt xuất của Nhật Bản.
 
Cuối cùng nói đến Murakami không thể không nói đến vẻ đẹp trong văn chương của ông. Vẻ đẹp trong văn của ông khác với vẻ đẹp bàng bạc, man mác trong văn của Yutsunari Kawabata, vẻ đẹp thâm sâu cổ điển trong văn của Kenzaburo Oe, hùng ca bi tráng trong văn của Osamu… Vẻ đẹp trong văn của ông được thể hiện dưới ngòi bút tài hoa của ông. Từng câu, từng từ trong văn ông luôn thoát thai ra khỏi cái lối mòn cũ rích được định hình, đóng khung của văn học truyền thống Nhật Bản. Câu và từ trong tiếng Nhật thường không rõ nghĩa, và người ta dùng thủ pháp ẩn dụ rất nhiều. Nói như ngữ pháp tiếng Việt đó là cách nói tránh, nói giảm. Murakami không đi theo lối mòn đấy, câu của ông luôn luôn trực nghĩa, giúp người đọc có thể hiểu ngay được dụng ý của tác giả. Đấy cũng là lý do mà nhiều nhà văn Nhật Bản lớn tiếng phê phán “văn chương của Murakami là thứ văn bình dân rẻ tiền, không bác học”.
 
Trong văn học dù là hiện đại hay cổ điển sống và chết luôn luôn là mảng đề tài được khai thác nhiều nhất. Cũng như vậy trong văn của Murakami cái chết và sự cô độc được khai thác khá nhiều. Hầu như trong tất cả các tác phẩm của ông tác phẩm nào cũng đề cập đến vấn đề đó. Cái cô độc của nhân vật trong tiểu thuyết Murakami là sự cô độc rất đời, không văn chương sách vở. Nhân vật luôn luôn bị cô độc và chìm đắm trong cái vỏ đó cho dù bên ngoài cuộc sống đang gấp gáp, hối hả, ồn ào. Sự cô độc của nhân vật trong những tác phẩm ban đầu của ông chính là sự cô độc nổi loạn của lớp thanh niên Nhật Bản đang bị giằng xé bởi việc bảo vệ, duy trì truyền thống xưa cũ hay đón nhận trào lưu phương Tây đang ào ạt du nhập vào Nhật Bản. Các nhân vật của ông không đau đớn, đắm chìm trong sự cô độc ấy mà họ phản kháng lại sự cô độc đó, họ mở lòng mình đón nhận, bằng lòng với nó và ở bậc cao hơn là “thưởng thức cô độc trong sự cô độc”. Nói một cách khác là ông dám nói thẳng lòng mình, không né tránh như nhiều lớp nhà văn khác.
 
Một điều nữa làm nên vẻ đẹp trong văn của ông đó chính là giải pháp ẩn dụ và cách thức lý giải chúng của ông trong các tác phẩm của mình. Một nhà nghiên cứu phê bình văn học Việt Nam nhận định “Văn chương của Murakami cố nhiên là “trần trụi” hay “trong suốt” nhưng xâu chuyện của ông lại tầng lớp, trùng điệp khó nắm bắt”. Điều này có liên quan đến quan niệm sáng tác của ông. Ông cho rằng “Tiểu thuyết suy cho cùng đúng là ngụ ngôn, chính là làm cho ngụ ngôn có tính hiện thực hơn”. Đúng theo phương châm sáng tác như vậy ông sử dụng rất tài tình thủ pháp ẩn dụ trong câu chữ của mình. Phần lớn câu từ trong văn của ông là dễ hiểu, ngắn gọn nhưng đôi khi cái thủ pháp ẩn dụ trong văn ông lại làm cho người đọc có cảm giác mệt nhoài khi đọc xong tiểu thuyết của ông. Một cảm giác thực sự nặng nề. Theo tôi nghĩ, để có thể hiểu hết được vẻ đẹp và những ý nghĩa ngôn từ trong văn của ông đòi hỏi người đọc phải có một nền tảng tri thức nhất định mới có thể thẩm thấu hết được ý nghĩa của nó. Nếu như vậy văn của Murakami thực sự có phải là dòng văn chương bình dân rẻ tiền hay không?.
Một khía cạnh khác là: Trong những câu chuyện của ông luôn bị cho là đầy rẫy những hình ảnh kích dục rẻ tiền, câu khách. Nhưng dưới góc độ một độc giả, một nhà nghiên cứu phê bình văn học Nhật Bản tôi lại không nghĩ như vậy. Nó không hề gợi dục, có chăng chỉ là ông miêu tả quá chân thực, có thể nói là “trần trụi” mà điều này trong văn học truyền thống không có. Mặc dù người Nhật Bản vốn dĩ được coi là một dân tộc khá cởi mở trong vấn đề này. Nhưng, trong văn chương Nhật Bản truyền thống những chuyện này chỉ được đề cập và ẩn dấu dưới góc độ vẻ đẹp văn chương nên hầu như nó chưa có được tính “chân thực trong đó”. Với tôi đó cũng chính là một trong những vẻ đẹp trong văn của ông. Vẻ đẹp của sự chân thực.
 
Cuối cùng là vẻ đẹp sâu sắc trong văn của ông. Như đã nói ở trên văn của Murakami có vẻ đẹp sâu sắc lắng đọng không bàng bạc như vẻ đẹp trong văn của Yutsunari Kawabata. Minh chứng cho điều này đã được thể hiện trong hàng loạt các tác phẩm của ông như: “After Dark”, “A Wild Chase”, “Biên niên ký chim vặn dây cót”. Vẻ đẹp đấy lặn sâu vào trong từng câu chữ, từng hành văn, được ẩn dấu trong xây dựng tính cách nhân vật, vừa dễ lại vừa khó nắm bắt. Điều này còn được thể hiện trong cái tình của ông đối với mỗi nhân vật của mình. Đọc ông người ta cảm thấy ông hoá thân vào trong nhân vật sống cùng họ, đau nỗi đau của họ. Cũng vật vã, cô độc, đau đớn không khác gì nhân vật của mình. Để viết được điều như vậy đòi hỏi nhà văn, người cầm bút phải có cái nhìn thực sự sâu sắc, trí tưởng tượng rộng lớn mới có thể viết được như thế.
Cho dù mọi người có thái độ như thế nào đi chăng nữa đối với sự nghiệp cầm bút sáng tác của Murakami Haruki, ông vẫn mãi là nhà văn Nhật Bản đích thực. Ông đã tạo cho mình được sự nghiệp và một số lượng lớn độc giả nhất định, yêu thích và luôn luôn chờ đón những tác phẩm của ông. Còn việc ông có phải là nhà văn người Nhật Bản thứ ba đoạt giải thưởng Nobel văn học hay không? Điều đó cần có thời gian và chúng ta sẽ phải chờ đợi quyết định của hội đồng khoa học. Nhưng đối với những người trẻ tuổi chúng tôi, Murakami vẫn mãi là nhà văn được yêu thích nhất trong làng văn học Nhật Bản hiện đại.
 
– Theo: Lưu Thị Thu Thuỷ (Viện Thông tin Khoa học xã hội)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *