Này các bạn, tôi sắp sửa tiết lộ với các bạn một bí mật khá sốc và có phần đáng xấu hổ. Ấy là tôi không phải là một người hạnh phúc. Thậm chí, tôi là kiểu người mà đến ngay cả những người lạ tôi vô tình gặp gỡ trên phố, cũng phải khuyên nhủ lẫn động viên tôi hãy cố mà vui lên, vì nom tôi có vẻ như sẽ chẳng bao giờ có thể vui vẻ được.
Tất nhiên là tôi không như thế. Tôi xin được nhấn mạnh rằng tôi cũng không phải là người hay phiền muộn. Rõ là tôi thích cười đấy chứ. Thế nên tôi nghĩ tôi cũng giống hầu hết các bạn thôi, tâm trạng lên xuống thất thường và thay đổi liên xoành xoạch. Đôi lúc vui, đôi lúc buồn, còn lại phần lớn thời gian là bình thường, tâm trí lơ đãng đang bay bổng ở nơi nào đó. Nỗi thất vọng, sự sợ hãi và những mất mát là một phần cuộc sống của tôi, cũng như sự thành công, hy vọng và niềm vui – tất cả đều là những phần tạo nên một tổng thể.
Tuy nhiên, có vẻ như tâm trạng vô định này của tôi không còn được xã hội chấp nhận nữa. Lúc nào tôi cũng phải ở trong trạng thái sẵn sàng bùng nổ: phải đam mê với cái này, thích thú với cái kia và háo hức mong chờ một điều gì khác. Nếu tôi không thể giống như thế, có nghĩa là tôi đang chống lại xã hội này, tôi là một kẻ già nua và cau có. Tệ hơn cả, tôi sẽ là một sự thất bại, bởi nếu tôi thành công, tôi đã có được hạnh phúc. Theo quan niệm đó, thì tôi cũng chẳng phải là một người tốt, vì hạnh phúc vốn được cho là kết quả của việc ăn ở tử tế ra sao.
Cách đây không lâu, những người Anh hoàn toàn thoải mái với tâm trạng buồn bực khó chịu của mình, và chấp nhận nó như một phần của cuộc sống. Hay như kêu ca than phiền còn được coi như một thú tiêu khiển. Nhưng kể từ khi chủ nghĩa hạnh phúc kiểu phát xít được du nhập từ Mỹ này trở thành một trào lưu mới, người ta không cho phép nhau được buồn bã, kêu ca, than vãn gì nữa. Tuyệt đối không.
Từ trước đến nay, chúng ta luôn hiểu về hạnh phúc như là một mục đích của cuộc sống, là một điều chúng ta đạt được bằng cách làm việc chăm chỉ, có tiền để tiêu, có thời gian để nghỉ ngơi và tập thể thao, tham gia những hoạt động ủng hộ từ thiện… Chúng ta say mê với việc trưng bày hạnh phúc và xem nó như là một đích đến cuối cùng. Chúng ta có vô vàn những thứ được hứa hẹn là sẽ đem đến hạnh phúc, chẳng hạn như thuốc giảm cân, kem làm trắng da, sách dạy bí quyết để hạnh phúc… Nhưng khi chúng không thành công, chúng ta vẫn có thể đem ra những thứ thay thế và tiếp tục hứa hẹn như vậy.
Quá trình này diễn ra liên tục và liên tục. Bạn sẽ thấy những lời quảng cáo về hạnh phúc và vui vẻ xuất hiện ngày càng dày đặc hơn “Bạn sẽ hạnh phúc nếu như bạn đủ gầy/đủ khoẻ mạnh/đủ nổi tiếng/đủ hiểu biết… Và đây sẽ là sản phẩm giúp bạn đạt được điều đó.” Vô cùng quen thuộc nhỉ?
Thế nhưng, giữa muôn vàn những lời kêu gọi phải làm thế nào để hạnh phúc ấy, bạn vẫn có quyền được buồn bã, hay thậm chí là đau khổ. Bản thân tôi không ủng hộ cho những nỗi buồn, bởi cảm xúc hạnh phúc là tốt cho bạn và những người xung quanh; nhưng rõ ràng bạn không cần phải cảm thấy xấu hổ nếu như bạn vẫn không thể vui vẻ như bao người.
Những chuỗi thảm hoạ được đưa tin hàng ngày trên đủ mọi bản tin thời sự khiến tôi tỉnh mộng. Ý thức về cuộc sống hữu hạn của bản thân là một điều đáng buồn. Tuổi già cùng với bệnh tật đeo bám khiến tôi sợ hãi. Những khó khăn trong việc giao tiếp giữa người với người có thể đem lại một mối quan hệ, hoặc là sự cô lập. Việc quyền lực có thể bị lạm dụng và mua chuộc là một lời nhắc nhở về những bất công luôn hiện diện. Và phần lớn trong chúng ta ngày đêm chăm chỉ làm việc để có tiền tiêu xài, để có thể tồn tại, theo tôi thấy, đấy là một nỗi bất hạnh sâu sắc.
Nếu bạn nghĩ lời tôi nói thật đáng nghi ngờ, thì hãy nhìn vào khuôn mặt của những người ngồi trên xe buýt, trên tàu để đến công sở, hay thậm chí là khuôn mặt của những đứa trẻ tay cầm chai bia trong một quán pub vào tối cuối tuần, bạn sẽ thấy rằng tôi không hề nói dối. Chẳng phải ngẫu nhiên mà những tác phẩm vĩ đại nhất của con người – từ Elektra đến Hamlet đến A View From the Bridge – đều là bi kịch.
Chúng ta cũng được gợi ý rằng, bạn có thể đạt được hạnh phúc nếu bạn làm những việc tốt. Nhưng nếu việc tốt đó mà quá dễ dàng để thực hiện, thì nó không còn đáng ngưỡng mộ nữa. Nó sẽ chỉ đơn giản là một dạng của chủ nghĩa hưởng thụ mà thôi. Tôi rất mừng vì ngày càng mọi người càng vui vẻ hơn với cuộc sống của họ.
Nhưng tất cả những điều tích cực ấy lại có nguy cơ phản tác dụng. Một trong những rào cản lớn nhất của sự hài lòng là yêu cầu bạn phải hạnh phúc – như vậy, chúng ta lại có thêm một điều muộn phiền nữa, ấy là nếu chúng ta không đạt được hạnh phúc – vốn được coi là mục đích sống, thì chúng ta vẫn thất bại.
Liên Hợp Quốc giờ đây còn có ngày Quốc tế Hạnh phúc, ngày mà toàn dân được hướng dẫn là phải vui vẻ, hạnh phúc, nếu không sẽ bị gắn cho cái mác tẻ nhạt, một khuôn mặt chẳng khác cái bánh đa nhúng nước. Thế nên dù trước đây tôi không khó chịu, nhưng sau khi có cái ngày chết tiệt này thì tôi lại bực bội vô cùng.
Bởi nó là một ví dụ điển hình của việc bắt ép hạnh phúc.
Rõ ràng chúng ta biết rằng tâm trạng vui vẻ không giúp được nhiều cho những biến cố xảy đến với chúng ta trong thời đại này. Những căn bệnh trầm cảm đạt mức kỷ lục. Trẻ em cũng bị căng thẳng chẳng khác nào người lớn. Tự tử đang là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của đàn ông dưới 35 tuổi.
Tôi đồng ý rằng chúng ta không cần dành quá nhiều thời gian cho những điều không vui xung quanh chúng ta. Nhưng chúng ta cũng không nên phủ nhận nó. Đôi khi học cách chấp nhận từng nỗi buồn nhỏ nhặt cũng là một loại hạnh phúc. Tivi, internet… nói về hạnh phúc thông qua những cuộc sống bóng lộn, sang trọng và trọn vẹn không tỳ vết. Nó khiến tôi cảm thấy mình bị thua kém. Dù cuộc sống của tôi cũng đủ đầy và tương đối khá giả, nhưng vẫn không khiến cho tôi được ở trong một trạng thái thoả mãn, ngất ngây cực độ mỗi ngày. Và tôi chắc rằng người ta không coi cuộc sống của tôi là hạnh phúc.
Tôi chỉ muốn chúng ta hãy nhìn lại người xưa, họ có cái nhìn rất khác về hạnh phúc. Oliver Burkeman đã nhận ra trong cuốn sách The Antidote của mình rằng: Những người Stoics theo chủ nghĩa khắc kỷ đặc biệt quan tâm đến những điều buồn phiền, thậm chí là thảm khốc sẽ xảy đến với bạn – dù chỉ để hiểu rằng những điều ấy sẽ không tệ như bạn vẫn nghĩ.
Tức là họ chấp nhận từng nỗi buồn, từng cơn đau như một phần của cuộc sống, và coi đó là hạnh phúc của mình mà không đòi hỏi cái hạnh phúc an toàn, bóng sáng như chúng ta hiện nay. Những nhà truyền giáo thời đại mới tuyên truyền với chúng ta rằng chỉ cần bạn suy nghĩ tích cực, bạn sẽ được bay trên những đám mây màu hồng và luôn đạt được những điều bạn mong muốn.
Slavoj Žižek khi được hỏi điều gì khiến ông thấy buồn nhất, đã trả lời rằng “Hạnh phúc của những kẻ ngu ngốc.” Tôi nghĩ là tôi hiểu được những gì ông ấy nói. Bất kỳ một ai thông minh, nhạy cảm, biết suy nghĩ đều nhìn vào thế giới này và chính bản thân họ bằng một con mắt nghi ngờ, dù chỉ một chút, rằng tất cả mọi thứ chúng ta đang trải qua dù có lạ lẫm hay đáng nhớ đến đâu, đều không phải lúc nào cũng tuyệt vời và kì diệu.
Ánh sáng cũng cần bóng tối để tồn tại, nếu chúng ta có thể công nhận bóng tối, thì gánh nặng về việc phủ nhận nó sẽ được gạt đi. Và chúng ta sẽ hạnh phúc hơn về điều ấy.
– Theo Tri Thức Trẻ –