Người ta ai biết CHI-TIỀN sẽ giàu, ai biết TIÊU-TIỀN sẽ sướng. Cái giàu của người biết-CHI thì lâu dài. Cái sướng của người biết-TIÊU thật nhất thời ngắn ngủi. Cũng đúng thế, ai biết sống có mục đích thì được sự dài lâu. Ai chỉ cốt thỏa mãn con người mình trước mắt, thì tiêu biến. Khổ thế, ở đời ai cũng vì sự trước mắt, mấy ai vì lâu dài.
.
.
.
- Rõ ràng, người mua tính chuyện đắt rẻ, là vì cho rằng mua là Mất. Vì cái gì DÙNG thì nó TIÊU đi, kể cả cái tẩy hay bút chì, cho nên đã TIÊU DÙNG, phải hạn chế, phải tiết kiệm.
Ok? Vấn đề là gì?
Có nhiều khi, ta không TIÊU, mà CHI. Chi (支) vừa có nghĩa là tiêu ra (đối nghĩa với nhập-vào), lại vừa có nghĩa là lĩnh thêm lương bổng. Và cũng đúng thế, cái gì mà bỏ ra có ích gọi là CHI. Cái gì bỏ ra chỉ để thỏa mãn, gọi là TIÊU.
Người ta ai biết CHI-TIỀN sẽ giàu, ai biết TIÊU-TIỀN sẽ sướng. Cái giàu của người biết-CHI thì lâu dài. Cái sướng của người biết-TIÊU thật nhất thời ngắn ngủi. Cũng đúng thế, ai biết sống có mục đích thì được sự dài lâu. Ai chỉ cốt thỏa mãn con người mình trước mắt, thì tiêu biến. Khổ thế, ở đời ai cũng vì sự trước mắt, mấy ai vì lâu dài. Thế nên mới nói, nhân kiến mục tiều, Thiên kiến cửu viễn (Người chỉ thấy cái trước mắt, Trời thấy cái vô cùng xa dài).
Thật ra, chẳng cần phải nhìn cái quá xa dài đâu. Cứ xem cuộc đời là một món tài sản đi. Chúng ta không chỉ có giá, mà còn chính là tài sản, đúng chứ?
Vậy thì hãy CHI mình cho đúng việc, đúng người.
Chớ TIÊU mình vào những sự đáng tiếc, lỡ làng.
Thời gian và công sức ai cũng đều có, CHI thì được lớn, TIÊU thì được nhỏ. Lớn hay nhỏ, còn xem ai dám lớn, ai muốn nhỏ!
2.
Trong tiếng Hán, có một từ gọi là ĐẦU TƯ (投資). Đầu (投) là ném vào, bỏ vào đâu đó cái gì đó, còn có nghĩa là tặng, gửi, nương dựa, phù hợp. Tư (資) là của cải, vốn liếng, thiên bẩm, kinh nghiệm, lại cũng có nghĩa là tích trữ.
Nghĩa là sao?
Nghĩa là, ĐẦU TƯ là đem vốn liếng, năng lực, kinh nghiệm, của cải của mình mà bỏ vào, đặt vào, gửi vào nơi phù hợp. Thế thì nào phải chỉ là chuyện tiền bạc, còn là chuyện yêu đương, kết thân, thù hận, hi vọng, tổn thương… Vì bất cứ điều gì ta làm trên đời này, oái ăm thay, đều là đem TƯ mà ĐẦU vào đâu đó.
Ta mà dại dột dốt nát quá, đem cái thiên tư, cái kinh nghiệm, cái tốt đẹp của mình ném vào chỗ không đáng, như yêu sai một người, tin lầm một kẻ, thì đó là TIÊU. Là mất, là thui chột. Là đau khổ.
Ta mà khôn ngoan hiểu biết, đem đời mình, cái trí óc, cái tâm tình, cái sức lực lựa trao vào chỗ tốt đúng, như chọn được tri âm, như tìm được tri kỷ, thì đó là CHI. Là được, là hạnh phúc. Là may mắn.
3.
Tiếc rằng, chẳng ai thông minh mãi, cũng may là, không ai dại dột mãi.
Có lúc ta tiêu phí đời mình, biết sao được. Ta vẫn thường thế.
Có lúc, ta chi đời mình dù không hề định thế. Ô, đó là khi ta gặp một người nắm tay ta bắt ta đi con đường tốt.
Đời mà, đôi lúc dại dột nên đen đủi.
Nhiều khi lại may mắn nên khôn ngoan.
Ái chà đời.
Chỉ có thể nói thế này, hãy làm cái gì đó ĐÁNG, ĐÁNG-GIÁ, ĐÁNG cái GIÁ mình trả ra. Đó là CHI. Đó là ĐẦU TƯ đúng. Đừng ham cái trước mắt, rẻ mạt, dễ dãi. Người xưa đau đời lắm, biết thế, nên dạy rằng:
Vàng mười chê đắt không mua
Mua lấy vàng bảy thiệt thua trăm đường.
– OOPSY –