Thử ngẫm lại xem, cuộc sống của chúng ta có xoay quanh vòng luẩn quẩn này không?
– Gặp ai đó vô cùng khó ưa, thích khoe mẽ, nhưng bên ngoài lại vẫn tỏ ra thân thiết, thậm chí tâng bốc người ta.
– Cực kỳ chán ghét những người “chỉ tay năm ngón”, nhưng không phản kháng, ngoài mặt vẫn xởi lởi nói cười, qua loa cho xong việc.
– Đôi khi chăm chỉ check-in tăng ca tại công ty, ngụy tạo một cuộc sống bận rộn, thành công, trong khi hiệu quả làm việc chẳng ra gì và còn có nguy cơ bị sa thải.
…
Rõ ràng theo bản năng, ai cũng muốn được công nhận, được nổi bật, được thoải mái. Tuy nhiên, thay vì cố gắng làm việc, phấn đấu để đạt được những điều đó, không ít người lại tự tô vẽ những hình ảnh đẹp đẽ để làm thỏa mãn nhất thời cái gọi là “hữu danh vô thực”.
Chúng ta – không có ngoại lệ – ai cũng rất dễ trở thành “số ít” mang cái mặt nạ giả dối ấy. Bởi sự thật, giống như ánh sáng, làm người ta chói mắt. Sự giả dối lại giống như ánh chiều tươi đẹp, là cái mà số đông muốn nhìn, là những điều người khác muốn nghe và muốn tin.
Nhưng rõ ràng, dù giả vờ cố gắng để gạt người tốt đến đâu, lời nói dối có ngọt ngào cỡ nào, chúng ta vẫn rất khó để phỉnh lừa được chính mình.
Với lời văn đanh thép, phơi bày một phần thực trạng xã hội – “Chết bởi giả tạo” của Phạm Sỹ Thanh (tác giả cuốn “Đến cỏ dại còn đàng hoàng mà sống” từng là sách bán chạy được rất nhiều bạn trẻ tâm đắc) sẽ giúp chúng ta:
– Hiểu được căn nguyên của sự giả tạo trong xã hội.
– “Gỡ bỏ” chiếc mặt nạ giả dối để sống đúng với bản thân.
– Trân trọng giá trị của chính mình nhưng không ngạo mạn, bởi càng hiểu biết thì càng khiêm nhường.
“Bạn có biết điều gì khiến mình thua kém người khác không? Chắc chắn không phải vì bạn không có mấy tấm hình check-in ở nước này nước nọ, cũng không phải bạn không có nhà đẹp xe sang. Bạn chỉ thua kém người khác vì không biết mình đáng giá bao nhiêu. Vì không định giá được, bạn mới sẵn sàng bán rẻ bản thân cho những chuẩn mực mà ai cũng hướng tới.” (Trích từ “Chết bởi giả tạo” )
Chết bởi giả tạo – hãy đọc để ngưng “sống mòn”. Đã đến lúc bạn cần “thức tỉnh” và sống sao để đến khi về già, ít đi những lần hối hận, tự tin chứng minh bạn chưa từng đánh mất chính bản thân mình!