“Tôi có nhà, có xe, có vợ con, nhưng không muốn sống nữa!”
Một người đàn ông trung niên đã có vợ con, thu nhập ổn định đột nhiên nhảy cầu tự vẫn. Khi cảnh sát điều tra nguyên nhân, người vợ khai rằng chồng mình gần đây không gặp chuyện gì lớn, mấy nay cũng vui vẻ bình thường, nguyên nhân hợp lý nhất có lẽ là vì ông vừa bị cấp trên phê bình.
Bị cấp trên phê bình thôi mà, có đến mức phải nhảy sông tự tử không? Thực ra là có.
Những chuyện thương tâm như thế này hiện nay không hề hiếm.
Chúng ta sinh ra là một cá thể độc lập, nhiều người xuất sắc nổi bật từ khi còn nhỏ, cả đời sống với đam mê và lý tưởng, dùng cả sinh mệnh để chứng minh mình đặc biệt đến thế nào, đến chết vẫn cố chấp với những điều vĩ đại.
Thế nhưng không phải ai cũng có số mệnh như vậy. Với đại đa số chúng ta, lý tưởng không thắng được hiện thực, cuối cùng, bất kể bao nhiêu điên cuồng và vùng vẫy tuổi trẻ, chúng ta vẫn trở thành một người trung niên bình thường.
Mức độ hạnh phúc của một người không bao giờ có thể đo bằng mức độ nỗ lực. Nhưng chúng ta lại có xu hướng cho rằng càng cố gắng thì sẽ càng hạnh phúc. Vậy nên sau khi dốc hết sức lực, dồn hết tâm huyết mà không nhận được kết quả xứng đáng, thậm chí mất hết chẳng còn lại gì, chúng ta sẽ thấy thất vọng khôn cùng, thậm chí là tuyệt vọng và không còn tin vào cuộc sống nữa. Cứ như thế, chúng ta dần trở nên yếu đuối và dễ kích động, rồi đến khi có một giọt nước làm tràn ly, dẫn đến kết cục không thể cứu vãn được nữa.
Trong thế giới này, siêu anh hùng là số ít, phần đông chúng ta chỉ có thể trở thành những người dù biết rõ bản chất của cuộc sống, nhưng vẫn một lòng yêu cuộc sống bình dị.
Sau nhiều năm nỗ lực, nếu vẫn “chẳng làm nên trò trống gì”, thì hãy cứ thản nhiên đón chào cuộc sống bình dị. Bình dị không đáng sợ cũng không đáng xấu hổ đến vậy, hãy buông tha cho bản thân mình, cho những niềm hạnh phúc bé nhỏ cơ hội được đến với cuộc đời bạn.
– Theo Phương An –