Có ba điều trong cuộc sống mà bất cứ ai cũng không nên lãng phí vì càng thiếu thốn, nhân sinh sẽ càng thêm khốn đốn gian nan.
1. Đừng lãng phí sự khoan dung
Tu dưỡng lớn nhất của đời người chính là khoan dung. Nhưng bạc bẽo nhất của đời người lại chính là tình cảm.
Đôi khi, lòng người thâm sâu hơn những gì bạn hằng tưởng tượng. Khi sự trân trọng chỉ được đánh đổi bằng thái độ đương nhiên, sự bao dung cũng trở thành dễ dãi, thời gian lâu dần, tất cả điều đó sẽ trở thành một thói quen tự nhiên trong mắt đối phương.
Một ngày nào đó, khi không còn nhận được sự nhường nhịn, họ sẵn sàng chỉ trích bạn vô tình. Khi không còn nhận đủ hi sinh, tất cả những gì bạn đã trả giá trước đó sẽ bị phủ nhận toàn bộ.
Mặc dù trái tim con người mạnh mẽ, nhưng nó cũng mong manh. Nếu phung phí lòng khoan dung của người khác, thứ bạn còn lại chỉ là sự xa lánh, cô độc trong lâu dài.
2. Đừng lãng phí niềm tin, uy tín
Thứ đắt giá nhất trên đời là lòng tin. Lòng tin bắt nguồn từ sự chân thành, vô giá, không gì có thể mua được.
Friedrich Nietzsche, (1844 – 1900) Nhà triết học, nhà ngữ văn, nhà phê bình văn hóa người Đức, từng nói: “Tôi không buồn khi bạn lừa dối tôi. Tôi buồn vì từ bây giờ tôi không thể tin bạn được nữa.”
Từ ngày bé chúng ta đã được nghe kể rất nhiều về câu truyện “Chú bé chăn cừu”, sau nhiều lần nói dối thì không còn ai có niềm tin ở cậu bé nữa và hậu quả là đàn cừu của cậu bé đã bị sói ăn thịt.
Mọi người nên hiểu rằng, lời nói dối đáng ghét thì với mục đích gì cũng thật tồi tệ và sẽ gây tổn thương lớn tới cảm xúc của người bị lừa dối. Và từ cảm giác bị phản bội, họ bắt đầu ngờ vực với tất cả những lời nói trước đây cũng như sau này.
Mỗi một niềm tin đều được xây dựng dựa trên một nền tảng dũng khí rất lớn. Do đó, nhận được sự tín nhiệm cũng là một điều may mắn vô cùng. Một đội nhóm có thể tin tưởng lẫn nhau, cùng nhau làm việc và hỗ trợ, đồng tâm đồng lực, mới có thể đi được càng cao càng xa. Đây là nền tảng vững bền nhất để gìn giữ tình cảm và xây dựng lòng người.
Chính vì lẽ đó, khi sự tin tưởng bị mài mòn, uy tín mất đi, bản thân bạn sẽ không còn ai tôn trọng, kết giao thật lòng. Dù bạn có là một viên kim cương quý giá, nhưng nếu không có ánh sáng thích hợp, bạn cũng chỉ như một hòn đá tầm thường, mãi mãi chẳng thể tỏa sáng.
3. Đừng bao giờ lãng phí cơ thể và sức khỏe
Cuộc sống không phải một chặng marathon chạy nước rút, mà là một cuộc đua đường dài bền bỉ. Người chiến thắng chưa chắc đã là kẻ đi nhanh nhất, mà thực chất lại là người có thể đi đến cuối cùng.
Trong thời kỳ Tam Quốc tranh đấu của Trung Hoa xưa, quần hùng tụ hội, các thế lực không ngừng nổi lên, giành quyền bá chủ, có một kỳ tài mưu trí nổi lên như tinh tú giữa trời.
Thuở trẻ, thân cao tám thước, mặt như quan ngọc. Trưởng thành, bình định Nam trung, Bắc phạt Tào Ngụy. Dù giao chiến trong cảnh cùng đường, ông vẫn dùng binh như thần, chiến tích hiển hách.
Thế nhưng, kỳ tài ấy lại chỉ thọ tới 54 tuổi, chết ở trong quân. Đến khi nhắm mắt xuôi tay vẫn chưa thể hoàn thành đại nghiệp phục hưng nhà Hán, ra đi trong sự tiếc nuối vô tận.
Không ai khác, đó chính là Khổng Minh Gia Cát Lượng.
Nhiều câu chuyện ghi lại rằng, bản thân Gia Cát Lượng tự mình dẫn quân chinh chiến, thường xuyên chịu cảnh màn trời chiếu đất, điều kiện ăn nghỉ khắc nghiệt, lại tiêu hao về mặt tinh thần và cả tâm trí. Làm một Thừa tướng, ông ngày ngày thức khuya dậy sớm, lao lực quá độ cả về thể xác lẫn não bộ. Tích lũy dần dà, đó chính là lý do mà ngôi sao sáng của lịch sử sớm ngày điêu tàn.
Có thể thấy rằng, đứng trước sức khỏe, cho dù có là Gia Cát Lượng tài trí hơn người cũng chỉ có thể buông tay, đầu hàng trước bệnh tật.
Nhiều người trong chúng ta thường nghĩ mình không có thời gian dành riêng cho sức khỏe, phải bận bịu kiếm tiền, bận bịu lo lắng kế sinh nhai. Họ ru ngủ bản thân với suy nghĩ “mình còn trẻ”, “mình con nhiều thời gian”… nhưng kỳ thực, bệnh tật không quan tâm tới tuổi tác, vì thế, sớm hay muộn rồi sức khỏe cũng dần yếu đi.
Cuộc sống con người chỉ kéo dài vài thập kỷ, lâu thì một trăm, ngắn chỉ mấy chục. Đừng lấy lý do giảm cân mà tàn phá cơ thể, đừng lấy lý do làm việc mà hủy hoại dạ dày, đừng lấy lý do vui vẻ bên bàn nhậu mà đánh mất tương lai, vì chỉ có sức khỏe mới đáng giá hơn cả núi vàng núi bạc.
Có được sức khỏe, là có được kho báu quý giá nhất cuộc đời, có nền móng vững chắc để leo lên mọi tầng cao. Sức khỏe là trụ cột nền tảng của linh hồn. Có sức khỏe không có nghĩa là có tất cả mọi thứ, nhưng mất sức khỏe đồng nghĩa với việc đánh mất cả thế giới.
Có sức khỏe, tiền mới gọi là tài sản – không sức khỏe, tiền nhiều đến mấy cũng chỉ là di sản mà thôi. Không có nền tảng nào xây dựng sự giàu có vững bền hơn là sức khỏe và chính cơ thể của mình.
Tổng kết
Trên đời, rất nhiều thứ khi tan vỡ sẽ biến mất hoàn toàn, mãi mãi không tìm lại được, giống như mặt gương đã vỡ thì làm cách nào cũng chẳng thể phục hồi vẹn nguyên. Lòng người cũng tương tự như vậy, một khi đánh mất thì rất khó có thể quay đầu. Nhân sinh không có hai chữ “nếu như”, đừng để đến lúc bản thân hối hận mới muốn thay đổi lại từ đầu.
Thay vào đó, hãy lựa chọn phương án cuộc đời bền vững nhất, sống giá trị tốt đẹp nhất trong khoảng thời gian hữu hạn của mỗi người. Trân trọng sự bao dung, tín nhiệm và cơ thể khỏe mạnh mà bản thân đang nắm giữ. Có thể giữ gìn ba giá trị này, bạn mới có thể sớm ngày thực sự thành công.
Ai có được những giá trị trên, kẻ đó mới là người giàu có nhất, không liên quan gì tới tài sản bạc vàng.
– Theo Phương Thuý –