Trong cuộc đời mỗi con người chúng ta, ai ai cũng gặp phải muôn vàn những khó khăn thử thách.
Có người bất lực tức giận, chán nản buông xuôi khi gặp khó khăn. Nhưng có những người sau cú ngã lại mạnh mẽ đứng dậy bước tiếp.
Nếu một người dám đối mặt, vượt lên khó khăn, cân bằng lại cuộc sống sau những biến hóa đổi thay thì người đó được gọi là người có “năng lực phục hồi”.
Schopenhauer từng nói: “Trừ việc vượt khó là mục đích sống chân thực nhất ra thì cuộc đời chẳng có mục đích nào đáng nói cả”.
Những người vượt qua khổ nạn sẽ trở thành những chiến binh thực thụ trong cuộc sống. Còn những người bị khó khăn đánh bại sẽ luôn chán nản u uất, làm việc gì cũng chẳng thể thành công.
Trên facebook có một người bài đăng trải lòng về quãng thời gian khó khăn của mình như thế này:
Bố anh ốm nặng phải phẫu thuật. Anh gần như đã phải dùng hết số tiền tiết kiệm của gia đình. Sau đó, việc kinh doanh của gia đình bị thua lỗ. Những cuộc gọi đòi nợ hàng ngày khiến anh gần như suy sụp.
Một người đàn ông 30 tuổi nghèo đến mức không có tiền ăn cơm. Sinh hoạt hàng ngày của anh đều chắp vá tạm bợ, ngay cả uống một chai nước ngọt cũng cảm thấy xa xỉ.
Anh kể: “Khoảng thời gian ấy, tôi làm thêm rất nhiều công việc. Lúc thì giao đồ ăn, lúc thì làm chuyển phát nhanh. Những ngày trời mưa hay tuyết rơi ướt sũng cả người. Đôi khi cảm thấy quá tủi nhọc, đêm về một mình nằm trên giường mà nước mắt cứ thế lã chã rơi.”
Dù cuộc sống khó khăn, anh không bao giờ oán trách hay than phiền cùng ai. Anh thường tự an ủi bản thân rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn.
Cuộc sống có thể chặn của anh con đường này, nhưng không thể ngăn cản anh theo đuổi con đường mới.
Có người cho rằng, người chưa bật khóc nức nở trong đêm dài thì chưa trải đủ chuyện đời.
Khi bị cuộc đời vùi dập, tại sao một số người dù đã cố gắng hết sức vẫn không thể vượt qua?.
“3P” của nhà tâm lý học Martin Seligman sẽ giải thích cho bạn biết lý do tại sao con người không thể tiến về phía trước khi họ chìm trong đau khổ và tuyệt vọng.
“3P” ở đây lần lượt là tâm lý cá nhân, sự lan tỏa và tính vĩnh cửu .
Tâm lý cá nhân là khi gặp rắc rối, bạn sẽ nghĩ rằng mọi điều xui xẻo đều là lỗi của mình.
Ví dụ khi con bạn bị ốm, bạn sẽ nghĩ rằng mình chưa chăm sóc tốt cho con. Khi bị người yêu lừa dối phản bội, bạn sẽ nghĩ rằng bản thân chưa đủ tốt …
Tuy nhiên, việc liên tục dằn vặt tự trách bản thân không những không giải quyết được vấn đề, mà còn làm bạn thêm gánh nặng tâm lý và kéo bản thân xuống vực sâu hơn.
Sự lan tỏa là khi có điều tồi tệ nào đó xảy ra, bạn để những tổn thương đó ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh trong cuộc sống.
Ví dụ, nếu bạn bị chỉ trích một lần, bạn sẽ cảm thấy mình không tốt chút nào. Chỉ cần một tai nạn nhỏ xảy ra, bạn sẽ cảm thấy cuộc sống hoàn toàn vô vọng.
Trên thực tế, hầu hết những điều bất hạnh mà bạn tưởng tượng không thực sự xảy ra. Cái gọi là nỗi đau chỉ là kết quả của sự khuếch đại những cảm xúc tiêu cực cá nhân.
Tính vĩnh cửu là khi người trải qua một nỗi đau nào đó tin rằng sự khổ đau đó sẽ tồn tại đến suốt cuộc đời.
Ví dụ: Nếu người bạn yêu bỏ đi, bạn sẽ nghĩ rằng bạn sẽ chẳng bao giờ có thể hạnh phúc nữa. Nếu bạn thất bại trong việc khởi nghiệp, bạn cảm thấy rằng mình sẽ chẳng bao giờ có thể thành công.
Lối suy nghĩ tiêu cực kéo dài và chìm đắm trong nỗi đau này có thể khiến mọi người rơi vào tình trạng tuyệt vọng sâu sắc về tương lai.
– Theo Đình Trọng –