Một người đang túng thiếu sẽ thấy khó chịu với những ai dư giả. Một người đang sân hận sẽ thấy người khác như đang chọc tức, công kích mình. Một kẻ xảo trá sẽ thấy người khác cũng không thành thật. Thực chất cách mà chúng ta nhìn nhận người khác chính là đang phản ánh nội tâm của chính mình.
Dễ hận, dễ hờn, dễ buồn bực, âu cũng bắt nguồn từ nội tâm bất an và lòng tham sân si.
Ai trong chúng ta cũng đều mong muốn có lấy một tấm vé đi tuổi thơ. Bởi khi bé, ta hồn nhiên biết nhường nào, ta dễ cười như thế đó, càng dễ hạnh phúc hơn bây giờ.
Con người ta càng lớn sẽ càng thấy cô đơn, càng thấy phiền não và thật khó để có được cái gọi là hạnh phúc. Thế rồi, vì ai mà chúng ta lại từ một đứa trẻ vui tươi, hồn nhiên biến thành một con người khô cằn, dễ cáu gắt và bất hạnh? Chẳng bởi ai khác, là do chúng ta đã cố chấp đeo lên một cặp kính loang lổ để nhìn đời.
Tưởng tượng như hồi bé chúng ta nhìn đời bằng đôi mắt trong sáng không gợn bẩn của mình, còn bây giờ thời gian khiến cho mỗi người mất đi cái nhìn trong sáng ấy về thế giới, chẳng khác gì bị đeo lấy một cặp kính loang lổ toàn vệt màu.
Sự phát triển của xã hội khiến chúng ta cứ mãi rong ruổi theo những lý luận đúng sai về cuộc đời và về người khác.
Chúng ta luôn có hai xu hướng: nhìn những thứ mình thích, những người mình thương qua cặp kính chỉ toàn màu hồng, và ngược lại, nhìn những việc mình không muốn, những người mình không ưa qua lăng kính loang lổ màu đen.
Là khi tâm trạng vui vẻ, chúng ta nhìn người, nhìn sự việc trong cuộc sống một cách nhẹ nhàng, dễ khoan thứ hơn. Chúng ta có thể mỉm cười trước những trò nghịch ngợm của lũ trẻ, đủ nhẫn nại để nghe hết một câu chuyện khó nghe, cũng dễ dàng thỏa hiệp với những sự việc tưởng chừng khó chấp nhận. Những lúc ấy, dường như cả thế giới đều trở nên hòa ái vô cùng.
Vậy mà, chỉ cần một chút lo lắng dâng lên trong lòng, những muộn phiền, sợ hãi về quá khứ và tương lai khiến tâm ta bất an, ngay lập tức ta sẽ nhìn ra rất nhiều đống rác trên đầu người khác. Khi ấy những tiếng hò hét cười đùa của lũ trẻ sẽ trở thành những âm thanh khó chịu, một lời nói không vừa ý dễ dàng khiến cho ta sân giận hoặc tổn thương, những chuyện nhỏ mà lúc bình thường không đáng bận tâm, bỗng trở thành một nỗi phiền não quá sức chịu đựng.
Chúng ta bắt đầu đi soi mói mọi người, soi cho bằng ra lỗi lầm của họ, trì trích họ, như là một cách để an ủi cái tâm bất an của bản thân. Bất kể người khác đúng sai thế nào ta cũng không sẵn lòng lắng nghe, không sẵn lòng chấp nhận
Liệu rằng soi mói để cố vu lên đầu người khác những đống rác, để trì trích, phê phán họ sẽ khiến cho cuộc sống chúng ta trở nên tốt đẹp hơn sao? Hay là chính vì cứ mãi nhìn thấy lỗi lầm ở người là thứ khiến hình ảnh của chúng ta trong mặt bạn bè, đồng nghiệp trở nên xấu xí đi bội phần.
Từng có người nói rằng, cố tìm lấy lỗi sai ở người khác chính là đem rác về bỏ trên đầu mình.
Chúng ta để tâm tới một chuyện không tốt chính là rước thêm phiền não vào người. Sinh mệnh vốn ngắn ngủi lắm, ai biết trước khi nào tử thần gọi tên mình, vì thế đừng phí hoài thời gian để đi phán xét những lỗi lầm nơi người khác.
Đừng cố chấp giữ lấy những cặp kính loang lổ kia nữa, hãy buông thả nó xuống để cuộc đời hiện ra tươi đẹp hơn, để hạnh phúc đủ đầy dễ đi vào tầm mắt của ta hơn.
– Theo