Biết nói chuyện, là thứ tài hoa tuyệt vời nhất của một người

1. Trước mặt không nói lời ngông cuồng

Lúc trước công ty trong lúc thiếu người trầm trọng đã tuyển T. vào làm việc, T. không tham gia kỳ thi tuyển dụng và chỉ ký hợp đồng lao động ngắn hạn. Mặc dù T. được trả lương giống như chúng tôi, nhưng luôn cảm thấy mình không có biên chế, không có cảm giác an toàn, vì vậy T. rất thường hay phàn nàn.
 
Đồng nghiệp lâu năm khuyên cô ấy, nếu muốn vào biên chế, hãy nhân lúc còn trẻ mau mau ôn mà thi vào.
 
Cho rằng mọi người đang đánh giá thấp mình, T. cao ngạo nói “Giờ này năm sau kiểu gì tôi cũng thi được vào, trước khi đi thi tôi sẽ mời mọi người ăn cơm.”
 
Vị trí công việc mà T. muốn chỉ tuyển nhiều nhất 2 người, đồng nghiệp khuyên cô ấy nên có sự chuẩn bị về tâm lý.
 
T. xua xua tay, “Yên tâm, dù chỉ lấy có một người thì người ấy cũng nhất định sẽ là tôi.”
 
Nỗ lực ôn thi của cô ấy mọi người đều công nhận, vậy nhưng, kết quả cuối cùng, cô ấy lại trượt ngay từ vòng thi đầu.
 
Đồng nghiệp đùa với T., “Xem ra duyên phận đồng nghiệp của chúng ta vẫn chưa hết rồi!”
 
T. gượng cười, ngượng ngùng không nói nên lời.
 
Dù T. vẫn đi làm ở công ty, nhưng cái nhìn của mọi người với T. chắc chắn là đã khác đi rất nhiều. Đồng nghiệp và lãnh đạo âm thầm hoài nghi năng lực chuyên môn của T., những nhiệm vụ mang tính thử thách đã không còn tới tay T. nữa, công việc dù không được như ý, T. cũng không còn mặt mũi nào đi ca thán.
 
Thực ra, trên thế giới này không thiếu người ưu tú hơn bạn, nỗ lực hơn bạn.
 
Nói chuyện đừng quá ngông cuồng, làm người đừng quá ngạo mạn.
 
Người thiếu hiểu biết mới ngạo mạn, mới cảm thấy mình là thiên hạ vô địch; người hiểu biết nhiều là người khiêm tốn, họ hiểu rất rõ đạo lý “người tài còn có người giỏi hơn, trời rộng còn có trời cao hơn”.
 
Trước mặt người khác không nói lời ngông cuồng, âm thầm tích lũy thực lực, âm thầm bao dung những điều xảy ra ngoài ý muốn, bớt tỏ ra ta đây lại, chừa cho mình một con đường lật thân.
 
Đại tài không kiêu ngạo, lập công không huênh hoang, khiêm tốn làm người, năng nổ làm việc, đây mới là cái gốc làm người.

2. Sau lưng không nói lời hàm hồ

Lúc trước có một đồng nghiệp H. rất thích nói năng linh tinh.
 
Chuyện của ông chủ, bí mật của đồng nghiệp, bất luận thật giả ra sao đều trở thành chủ đề nói chuyện, ngứa mắt chuyện gì hay ai không thân thiết cũng có thể trở thành đối tượng nói xấu sau lưng của H.
 
Một lần, công ty có một đồng nghiệp mới đến, H. hỏi người ta thấy công ty chúng ta thế nào, có chỗ nào không quen không.
 
Đồng nghiệp mới nói cái gì cũng tốt, chỉ có điều cơm ở nhà ăn thì ăn không được quen cho lắm.
 
Đây vốn dĩ chỉ là những lời nói bâng quơ, nhưng không ngờ rằng H. lại đi phản ánh với sếp rằng “món ăn ở nhà ăn phải thay đổi, không thì không giữ được chân người mới”….
 
Lãnh đạo ngay sau đó đã tìm nhân viên mới tới, mặc dù không phê bình nhưng ý muốn nói rằng lần sau có việc gì thì trực tiếp báo cáo chứ không được nói này nọ với đồng nghiệp khác.
 
Nhân viên mới cảm thấy rất ấm ức, thấy mình còn chưa làm được gì to tát đã bị để lại ấn tượng xấu như vậy, không lâu sau đã xin nghỉ việc.
 
Còn H. vẫn”không chừa”, tiếp tục ngựa quen đường cũ.
 
Công ty bắt đầu mở đợt tuyển dụng, sếp dặn đi dặn lại tuyệt đối không được để lộ ra thông tin liên lạc của mình.
 
Nhưng H. ỷ mình sống cùng khu với lãnh đạo, vẫn đi tiết lộ địa chỉ và điện thoại của sếp với người khác, còn không quên nói với người ta vị trí nào thường xuyên phải tăng ca, đừng có chọn, bộ phận nào không có tiền đồ thăng tiến, bộ phận nào lãnh đạo trẻ còn thiếu, quản lý công ty còn chỗ nào chưa ổn thỏa….
 
Hậu quả của việc này là công việc không được bảo mật, tin tức tiêu cực nhiều, cuối cùng H. bị sa thải.
 
Platon, nhà triết học cổ đại Hy Lạp có một câu nói nổi tiếng rằng: “Kẻ trí tuệ nói chuyện là bởi họ có lời muốn nói; kẻ xuẩn ngốc nói chuyện là bởi vì họ muốn nói.”
 
Tâm tư suốt ngày đặt vào người khác, vậy thì làm sao mà quản lý được sự tốt đẹp của bản thân? Miệng lưỡi chỉ biết nghe này ngóng nọ rồi nói hàm hồ, vậy thì làm sao có thể “chu toàn” được cái tiếng của mình.
 
Câu chuyện của người khác, không liên quan tới bạn, không cần phải bàn này tán nọ; thị phi của người khác, cũng không tới lượt bạn quản, càng không có tư cách đi bình đó luận kia.
 
Lời hàm hồ, lời xấu xa, không chủ động gợi chuyện, không bị động hùa theo, giữ thanh danh cho người khác cũng là đang bảo vệ “tiếng thơm” của mình.

3. Nói chuyện không nói lời cười nhạo

Có một câu chuyện như sau:
 
Tiểu thiếp của Triệu Thắng, tướng quốc nước Triệu thời Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc, trong lúc đang ngồi trên lầu, trông thấy một người què đang mày mò múc từng xô nước lên, thấy vậy lớn tiếng cười hỏi: “Đại ca, có lấy được nước không vậy? Có cần ta giúp không?”
 
Người què cảm thấy bị xúc phạm, trong lòng ấm ức, tìm Triệu Thắng phản ánh lại chuyện này, tức giận yêu cầu Triệu Thắng giết người tiểu thiếp kia.
 
Thấy Triệu Thắng do dự, người què bèn nói:
 
“Mọi người đều cho rằng Bình Nguyên quân tôn trọng sĩ tử coi nhẹ nữ sắc, vì vậy mà sĩ tử không quản nghìn dặm tới đầu quân cho Ngài. Người ta nói “Sĩ khả sát nhi bất khả nhục” (sĩ có thể chết chứ không thể chịu nhục), mong Ngài làm chủ cho tôi. Nếu không thì người bên ngoài sẽ nghĩ rằng Ngài trọng sắc khinh sĩ rồi rời bỏ Ngài mà thôi”.
 
Triệu Thắng bị thuyết phục, chỉ đành giết chết người tiểu thiếp không biết giữ mồm giữ miệng kia.
 
Người tiểu thiếp trước khi chết, oan ức nói, “Thiếp chỉ là vô ý nói ra những lời thiếu tôn trọng người khác, vậy mà lại phải chết….”
 
Công bằng mà nói, tội của người tiểu thiếp không đáng chết, nhưng cô ấy lấy khiếm khuyết của người khác ra làm trò đùa, vậy là vô đạo đức.
 
Nói lời tử tế giống như ngọn lửa ấm áp, ngược lại lời nói tổn thương lại sắc bén như ngọn giáo.
 
Một câu nói bông đùa, có lẽ trong xã hội ngày nay sẽ không mang họa sát thân, nhưng làm xấu đi một mối quan hệ, gây tổn thương cho người khác là điều không thể tránh khỏi.
 
Thực ra, bên cạnh chúng ta, có rất nhiều người giống như người tiểu thiếp kia, họ thường đặt biệt danh cho khuyết điểm của người khác, họ có thói quen lấy vết sẹo của người khác ra làm trò tiêu khiển, họ xem những câu nói gây tổn thương người khác là bông đùa, hài hước mà không hiểu được rằng: con rồng có hiền tới đâu mà bị động tới cái vảy ngược thì nó cũng sẽ chẳng thể để yên.
 
Trêu đùa có chừng mực có thể kéo gần một mối quan hệ, trêu đùa quá đáng là vô duyên. Bất luận là cố ý hay vô ý, bất luận quan hệ có thân thiết tới đâu, lời trêu đùa không phù hợp có lẽ sẽ không khiến người khác hận bạn nhưng nhất định sẽ khiến họ không còn hứng thú muốn nhiệt tình với bạn nữa.
 
Lời nói không ra đâu với đâu, chi bằng đừng nói; lời nói không có tâm, chi bằng im lặng.
 
Bất luận là công việc hay làm người, kẻ ngốc dùng mồm nói chuyện, người thông minh dùng đầu nói chuyện, kẻ trí tuệ dùng tâm nói chuyện.
 
trước mặt không nói lời ngông cuồng, sau lưng không nói lời hàm hồ, nói chuyện không nói lời cười nhạo.
 
Biết nói chuyện, là thứ tài hoa tuyệt vời nhất của một người.
 
Hi vọng tài hoa này, cả bạn và tôi đều có!
 
– Theo Như Quỳnh –

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *