Con người ý à, luôn luôn để cái mông quyết định cái đầu.
Con người khi ở những vị trí khác nhau, sẽ có những suy nghĩ khác nhau.
Nếu bạn là tài xế, bạn sẽ cảm thấy người qua đường nên tuân thủ luật giao thông.
Nếu bạn là người qua đường, bạn sẽ cảm thấy tài xế nên nhường đường.
Nếu bạn là ông chủ, bạn sẽ cảm thấy nhân viên thật lười biếng.
Nếu bạn là nhân viên, bạn sẽ cảm thấy ông chủ sao nghiêm khắc thế.
Nếu bạn là người giàu, bạn sẽ cảm thấy thể hiện cái giàu là chuyện bình thường.
Nếu bạn là người nghèo, bạn sẽ cảm thấy thể hiện cái giàu là khoe mẽ.
Bạn có một cô con gái, bạn hi vọng nhà thông gia thêm nhiều sính lễ một chút.
Bạn có một cậu con trai, bạn lại chê đằng gái đòi nhiều sính lễ quá.
Bạn có một cô con dâu, bạn chê con dâu nhiều chuyện, không biết điều.
Bạn có một cô con gái, bạn lại hi vọng con gái làm tướng bên nhà chồng.
Khi lái xe, bạn ghét người đi bộ.
Khi đi đường, bạn ghét mấy cái xe ô tô.
Khi làm việc, bạn thấy ông chủ cậy quyền, keo kiệt.
Sau khi làm ông chủ, bạn lại thấy nhân viên không có trách nhiệm, quá thực dụng.
Bạn là khách hàng, bạn thấy người bán hàng lãi quá nhiều.
Bạn là dân kinh doanh, bạn thấy khách hàng quá kén chọn.
Vì vậy, mỗi một người đều đang sống trong sự phiến diện của chính mình.
Bạn ở vị trí nào, nó quyết định xuất phát điểm của bạn khi nhìn nhận hay làm việc gì đó.
Bạn cần cái gì, bạn sẽ phán đoán dựa trên giá trị ấy.
Biết người không khó, khó là ở tôn trọng người.
Người ta không nhà không xe, bạn nói họ nghèo.
Người ta có nhà có xe, bạn nói họ khôn lỏi.
Người khác khiêm tốn, bạn coi thường.
Người khác cao ngạo, bạn nói người ta không biết điều.
Người khác làm việc nghỉ ngơi hợp lý, bạn cho là người ta sống vô vị, nhạt nhẽo.
Người khác cật lực làm việc ngày đêm, bạn nói người ta tham công tiếc việc.
Đời người ấy à, chẳng qua cũng chỉ là cười chê người khác, rồi bị người khác cười chê. Động tới lợi ích thì sẽ xuất hiện đấu đá, công kích, so đo, tính toán lẫn nhau.
Có một đoạn đối thoại kinh điển như thế này trong lịch sử Trung Quốc:
Đường Thái Tông hỏi Từ Kính Tông rằng:
“Trong tất cả các văn võ bá quan trong triều, ngươi là người vẹn toàn nhất, nhưng vẫn có người không ngừng bàn tán xấu về ngươi trước mặt ta, vì sao vậy?”
Từ Kính Tông đáp:
“Mưa xuân quý như dầu, người nông dân thích nó vì cây cối được nuôi dưỡng tốt tươi, nhưng người đi đường lại ghét nó vì đường vào mùa này bẩn thỉu, lầy lội.
Ánh trăng mùa thu như tấm gương soi sáng khắp nơi, tài tử giai nhân thích đối trăng thưởng nguyệt, ngâm thơ sáng tác; nhưng những tên trộm lại ghét nó vì nó chiếu rọi hành vi xấu xa của họ.
Đến cả người không gì là không thể như ông Trời mà còn không thể khiến cho tất cả mọi người đều hài lòng, nói gì tới một người bình thường như thần đây?”
Còn có một câu chuyện như này:
Một con lợn, một con cừu và một con bò được nhốt trong cùng một cái chuồng.
Có một hôm, người chủ bắt con lợn ra khỏi chuồng, chỉ nghe thấy tiếng lợn kêu thất thanh, quyết liệt phản kháng.
Con cừu và con bò ghét tiếng kêu của nó nên đã phàn nàn: “Chúng tôi cũng thường xuyên bị bắt ra, nhưng cũng chẳng bao giờ kêu la thảm thiết như cậu.”
Con lợn nghe xong liền đáp: “Bắt các cậu và bắt tớ là hai chuyện hoàn toàn khác nhau, họ bắt các cậu chỉ là để lấy lông và sữa, còn bắt tôi là muốn cả cái mạng của tôi đấy!”
Mỗi một người đều có lập trường của mình, và cũng chỉ có thể nhìn thấy được hoàn cảnh mà mình đối mặt.
Sự ngạo mạn của con người nằm ở chỗ, chúng ta luôn cho rằng thế giới mà mình nhìn thấy chính là hoàn cảnh mà người khác đang đối mặt.
Bạn chưa trải qua, không có nghĩa là việc đó không tồn tại.
Đừng bao giờ vì mình ở ngoài ánh sáng mà quên đi bóng tối.
Đừng bao giờ vì mình hạnh phúc mà bỏ qua cái khó cái khổ của người khác.
Rất nhiều khi, sự khác biệt giữa chúng ta, không đến từ bản thân sự việc, mà là bởi lập trường của chúng ta không giống nhau.
Người ở trên cao, không hiểu được quan điểm tiêu tiền của người nghèo.
Người ở trong cảnh bần hàn, cũng rất khó để thích đi là xách ba lô lên mà đi.
Lập trường không giống nhau, xuất phát điểm suy nghĩ vấn đề cũng khác nhau.
Hoàn cảnh khác nhau, rất khó để thấu hiểu; góc độ khác nhau, rất khó để có tiếng nói chung.
Đừng tùy tiện phán đoán ai thị ai phi; với bạn có thể là mật ong, nhưng với người khác lại có thể chỉ là nhân ngôn.
Một người nếu chỉ biết đứng từ góc độ của mình đi nhìn nhận người khác, sẽ mãi sống trong sự phiến diện của bản thân, hơn nữa cũng sẽ vĩnh viễn không giải quyết được vấn đề.
Cuộ sống muôn màu, ai cũng có cái khó cái khổ riêng, tuyệt đối không được tùy tiện đánh giá cuộc đời của người khác, bởi lẽ bạn không có trải nghiệm như họ, càng không thấm được cái nỗi bi ai mà họ phải trải qua.
Một trong những dấu hiệu cho thấy một người đã thực sự trưởng thành đó chính là khi anh ta hiểu ra được một đạo lý:
Đánh giá của người khác về bạn, hoàn toàn không liên quan gì tới bạn!
Bởi lẽ người ta khi bình luận về bạn, bề ngoài là đánh giá về bạn, nhưng thực ra lại đang âm thầm cho thấy nội tâm của họ.
Bạn chỉ là máy chiếu trong trái tim của họ, chiếu lên trái tim của họ. Mỗi lời họ đánh giá về bạn đều là sự phản ánh chân thực của nội tâm họ.
Người có trái tim u ám, nhìn mọi thứ đều tối tăm; người tích cực lạc quan, đâu đâu cũng thấy ánh mặt trời.
Bạn chẳng qua chỉ đóng vai trò như một tấm gương phản chiếu trái tim họ, để họ nhìn thấy chính mình mà thôi.
Bạn có thể làm tan chảy một tâm hồn sắt đá, nhưng rất khó có thể cứu rỗi một trái tim u ám.
Biết người nhưng không tùy tiện đánh giá họ, biết đứng từ lập trường của người khác để xem xét sự việc, đó chính là đạo làm người.
Cũng như vậy, đối mặt với mọi sự phán xét đến từ người khác, thản nhiên, xem như gió thoảng ngoài tai, đây cũng chính là một kiểu trí tuệ.
Biết người, là nhân tài; kính người, tôn trọng người khác, là đại tài.
Biết cái khó của người khác nhưng không tùy tiện bình luận, đánh giá sau lưng, đồng thời kịp thời ra tay tương trợ, đây chính là đỉnh cao của sự lương thiện.
– Theo Như Quỳnh –