Từng nghe một câu chuyện:
Một con cáo đi qua vườn nho, thấy những chùm nho chín mọng, rất muốn ăn. Nó nhảy lên cao vài lần nhưng vẫn không thể chạm tới. Nó nói một cách tức giận: “Hừm, những quả nho này chắc chắn là chua”.
Đó chính là hiệu ứng tâm lý nổi tiếng được gọi là “hiệu ứng nho chua”, mô tả rằng: Trong cuộc sống, một số người nói xấu thứ họ không có được và không muốn người khác có được. Khi người khác tốt hơn mình, họ cảm thấy ghen tị, thích sử dụng cách gièm pha, châm biếm, thậm chí là bôi nhọ để đè bẹp đối phương, từ đó đạt được sự cân bằng trong tâm hồn.
Khi người khác gặp khó khăn, họ không giúp đỡ, thường còn có tâm lý vui khi thấy ai đó gặp nạn.
Tính xấu nhất của con người là không chịu thấy người khác sống tốt hơn mình. Thái độ bạn đối mặt với “hiệu ứng nho chua” sẽ quyết định bạn nhận lại cuộc sống như thế nào.
Trong công việc và cuộc sống, không ít người không muốn thấy người khác sống và làm việc tốt hơn họ.
Có người, ngoài mặt hiền lành nhưng trong lòng lại âm mưu hại người; có người, bề ngoài thân thiết như anh em nhưng sau lưng lại ghen ghét, hãm hại.
Trên Zhihu có người hỏi: Tại sao đôi khi cảm thấy ghen tị và đôi khi lại ngưỡng mộ khi người khác giỏi hơn mình?
Một trong những câu trả lời có lượt thích cao cho rằng: “Ngưỡng mộ những điều xa xôi, ghen tị những điều gần gũi. Ngưỡng mộ những điều không thể chạm tới, ghen tị những điều có thể đạt được. Ghen tị nếu có xung đột lợi ích, ngưỡng mộ nếu không có xung đột lợi ích“.
Một số người ngưỡng mộ những người nổi tiếng từ xa, nhưng lại ghen tị với người quen gần bên; họ có thể chấp nhận người lạ thành công, nhưng không thể chịu đựng người xung quanh phất lên.
Người ta có câu: Bất cứ ai cũng có thể trở nên độc ác, chỉ cần bạn đã thử qua cảm giác ghen tị.
Trong mắt người ghen tị, hạnh phúc của họ không phải là việc họ đạt được, mà là việc không cho người xung quanh đạt được.
Nhiều lúc, kẻ thù lớn nhất của tình bạn không phải là thất bại trước khoảng cách, mà là không chịu thấy đối phương sống tốt hơn.
Ghen ghét người khác, thực chất là tự chặn đường lui, chỉ hại người hại mình.
Cuộc đời là một sân khấu lớn, không ai có thể tự diễn một mình. Mỗi người đều cần sự cổ vũ, cần sự hỗ trợ từ người khác.
Hãy học cách thừa nhận sự xuất sắc của người khác, thấy người khác sống tốt và tài giỏi, thực chất là tử tế với bản thân, là tự thành tựu cho mình.
– Theo Trung Hạ –