Antoine là chuyên gia ngành bảo hiểm. Từ lâu, rất lâu, anh làm công việc xem xét, định giá bồi thường cho sinh mạng của người khác. Một đêm, anh bỗng quan tâm đến cuộc đời của chính mình, tự hỏi giá trị thật của nó là gì. Qua dòng hồi tưởng về cuộc đời của mình, Antoine hiện lên là một người đàn ông bất hạnh khi ngay từ nhỏ đã không nhận được tình yêu thương của mẹ và khi trưởng thành thì cuộc đời của anh cũng trượt dài trong những thất bại: hôn nhân đổ vỡ, mất quyền nuôi con.
Thông qua việc soi xét nội tâm của chính bản thân mình một cách không khoan nhượng, anh đưa chúng ta vào nơi sâu thẳm nhất trong phần nhân tính của mỗi con người. Anh, một người vẫn chưa bao giờ vượt qua được nỗi đau thời thơ ấu, luôn chao đảo giữa niềm hạnh phúc giả tạo và những bi kịch có thật đã đi từ miền Bắc nước Pháp đến bờ Tây Mexico để tìm câu trả lời cho câu hỏi “Cuộc đời đáng giá bao nhiêu?” và cuối cùng nhận ra rằng: bất chấp mọi thứ, tha thứ và cứu chuộc vẫn là điều có thể.
Tác giả
Grégoire Delacourt sinh năm 1960 tại Valenciennes, nước Pháp. Ông từng tốt nghiệp ngành Luật nhưng lại thành danh trong lĩnh vực quảng cáo. Tiểu thuyết đầu tay của ông đã giành năm giải thưởng văn học. Tác phẩm thứ hai Chỉ là mơ ước thôi sau khi ra mắt đã thành công vang dội, mang về “bạc tỷ” cho tác giả (hơn 1 triệu bản in bán hết, được dịch ra 33 thứ tiếng, được chuyển thể thành phim) và đưa tên tuổi Grégoire Delacourt ra toàn thế giới.
Ảo ảnh hạnh phúc nằm trong danh sách đầu tiên của giải Goncourt 2014, lọt vào danh sách thứ hai của giải Văn chương 2015 và đứng vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng giải Goncourt Trung học. Tác phẩm được tờ báo Parisien bình chọn là “tiểu thuyết xuất sắc nhất 2014”, và được chuyển thể sân khấu khóa năm 2017.
Trích đoạn 1
Con chết rồi, chết thật rồi, bảo quản để làm gì, cứ thế bà lặp đi lặp lại. Một đứa bé đã chết, thì còn bảo quản gì được đây, sẽ thối rữa hết. Cái chết sẽ làm thối rữa tất cả, cả những người đã từng yêu thương nó.
Cha tôi, để làm dịu mẹ, cuối cùng chỉ mua chiếc quan tài cỡ “trẻ em”, khoảng hơn mét, bằng gỗ dương, dày mười tám mi li mét. Ở nghĩa trang, trời đổ mưa, tóc tai mũ áo ai ai cũng bết cả. Nước mắt bỗng thành ra nhuộm đen, xanh, xanh lá, nâu, cam, tím, hệt cái bảng màu mắt hiệu Rimmel. Mặt các bà các cô nhòe nhoẹt như tranh trẻ con: này là cành cây khẳng khiu, hay mạng nhện giăng mắc, này là tia mặt trời, mưa xanh ngắt, lúa mì đen thẫm. Ai đó bật cười, rồi là những tràng cười, đang buồn bã lại thành ra nhẹ nhàng, thanh khiết như linh hồn con trẻ. Em gái tôi chết khi ngủ, cả hai ông bác sĩ gia đình và pháp lý đều không rõ nguyên do. Chắc tại em ấy không thích sống kiểu đời nửa vời của mình, chắc vì em ấy đã hiểu rằng em chỉ là một bên của đôi cánh, và như thế, cả đời chỉ bay được vòng vòng.
Rời khỏi nghĩa trang, mọi người về nhà tôi. Trông hệt một cảnh trong phim của Fellini. Đàn bà mặt mũi lem nhem, đàn ông xám xịt, ướt sũng, cằn cỗi. Họ uống, nhâm nhi bánh mặn của nhà Montois, rượu vào, lời ra và làm mọi người xích lại với nhau.
Trẻ con mà chết thì có buồn không chứ. Mới bảy tuổi đầu. Làm cha mẹ mà phải tiễn con thế này! Còn đứa kia thì sao? Con bé sinh đôi ấy? Con Anne à? Không, Anne là đứa không thức dậy được. Con bé kia là Anna. Chẳng biết nó đón nhận việc này thế nào? Chúng giống nhau lắm cơ. Khủng khiếp quá, nó sẽ phải mang suốt đời trên mặt mình dấu vết của người chị vắng mặt ấy.
Chẳng ai kể chuyện mẹ tôi, lúc đi lên đánh thức hai đứa dậy, đã mất hẳn vài phút để nhận ra đứa nào đã chết; chúng mặc đồ ngủ giống nhau, ngón tay sơn màu như nhau, và đều tóc quăn hạt dẻ. Chỉ vài phút sống trong tâm trạng lưỡng lự ấy đã biến thành nỗi khiếp đảm cả đời nhấn chìm bà.
Ngay tối hôm đó, bà ra đi. Bỏ chúng tôi lại đây, trong căn nhà rộng, giữa căn bếp màu xanh, ngổn ngang ly tách cạn khô, gạt tàn đầy ụ, chai champagne và rượu, hộp giao bánh lem mỡ của nhà Montois, và rất nhiều hộp giày, trông giống mấy chiếc quan tài con con, đựng ảnh của đứa em gái vừa qua đời. Mẹ bỏ chúng tôi lại, như bỏ mớ chén dĩa chất chồng thừa thãi trong bồn, hay mớ đồ dơ nhiều tới mức đựng không nổi trong giỏ; mẹ hết cả sức lực rồi, chẳng mang gì theo được nữa. Cha tôi thử nói vài lời, thử ngăn bà lại.
Trích đoạn 2
Ngay cả gào thét, mình cũng không thể. Nếu mà làm được, thể nào mình cũng gào lên thật to vài câu chửi thề. Đồ khốn. Thằng ngu biến thái. Cơn đau làm mình tỉnh giấc. Cảm giác đau đớn thật khủng khiếp. Một sự độc ác vô nghĩa. Đã hai tháng rồi, Đồ Chó Má. Mình thích từ này, chó má. Chó, lúc nào cũng hôi, và chỉ nghe thôi đã thấy tởm. Thật chẳng dễ dàng gì khi phải tìm một từ để gọi cái người cha đã tìm cách giết mình ấy.
Trích đoạn 3
Chiếc xe buýt ngừng lại để thả mình xuống. Người tài xế chỉ cho mình đường xuống bãi biển. Trời lộng gió. Sóng rất cao. Dữ dội. Chẳng có ai lướt ván. Chỗ này gần như hoang mạc. Mình bước chầm chậm. Bàn chân trần lún sâu vào cát ấm. Một vài đứa trẻ đang chơi ở đằng kia với mấy thanh gỗ và lũ chó. Mình nhìn thấy khách sạn, phía bên trái. Hình như đã đóng cửa, gần như bỏ hoang. Một cặp đang đi dạo, sát mép nước đầy bọt sủi của đại dương. Thỉnh thoảng họ nhảy lên, để tránh những cuộn sóng cao. Mình nhìn họ thật kĩ. Nhất là người đàn ông. Nhưng không. Không phải ba. Đằng xa hơn, có ba người đang ngồi, mặt hướng về phía sóng biển đang sôi ào ạt. Một người đàn ông, một phụ nữ, và một đứa trẻ. Nước mắt mình chợt trào ra. Mình nhận ra cái gáy đó. Tấm lưng đó. Dáng người đó. Y hệt như dáng ngồi bên giường mình, mỗi tối. Khi ông ngồi khoanh chân, đọc cho mình nghe Hansel và Gretel. Mình muốn kêu. Mình muốn chạy. Nhưng tay mình bịt chặt miệng. Còn chân thì chẳng theo ý mình. Chúng cứ tiến từng bước chậm rãi, đưa mình về phía họ, về phía ông.
Họ ngồi im, chẳng nói gì. Đứa trẻ ôm sát bóng vào người. Tóc người phụ nữ phất nhẹ vào mặt ba mình. Mình ở sau lưng họ, cách chừng năm mét. Gió át đi sự hiện diện của mình. Chỉ còn cách hai bước. Đứa trẻ nhìn mây trên trời, rồi nhìn ba mình.
Vì sao lại có mưa, chú Antonio?
Và mình đến. Bên họ. Mình ngồi gần ba mình. Ông chẳng hề giật mình. Ông quay mặt nhìn mình. Trông ông thật đẹp. Ông mỉm cười với mình. Thời gian cứ trôi. Ông đặt tay lên vai mình. Những ngón tay khẽ ấn nhẹ. Ông khóc. Ông sẽ không để mình vụt bay đi mất nữa.
Rồi ông kể chuyện Ranginui. Ông kể chuyện Papatuanuku. Ông kể chuyện mẹ của mặt đất. Ông kể chuyện cha của bầu trời. Ông kể về những giọt nước mắt.