9 cuốn sách hay để đọc cùng mẹ

Dành tặng mẹ – người phụ nữ tuyệt vời nhất của bạn
Bạn nghĩ sao khi dành tặng cho mẹ một cuốn sách thật hay? Sách luôn là món quà đem lại nhiều giá trị và cực ý nghĩa. Cùng xem qua một vài đầu sách mà Rigo gợi ý cho bạn nhé!

1- Mẹ ơi con sẽ lại về – Hong Young Nyeo

“Mẹ ơi con sẽ lại về” là một cuốn sách đặc biệt.

Đặc biệt, vì cuốn sách có hai mẹ con “đồng tác giả”.
Đặc biệt, vì đây không phải tưởng tượng hư cấu mà toàn là chuyện thật, vì cả mẹ cả con đều không chủ định “sáng tác”: một nửa cuốn sách, là nhật ký của mẹ, còn nửa kia, là blog của con.

Cuốn sách cực kỳ cảm động về tấm lòng của người mẹ, về nghị lực và sự vươn lên của một người phụ nữ Hàn Quốc, đại diện cho rất nhiều thế hệ những người bà, người mẹ Châu Á. Họ quật cường, mạnh mẽ, đầy đức hi sinh. Họ sống không chỉ cho mình, mà còn cho chồng, cho những đứa con. Cuộc đời của họ, có lẽ nếu viết thành sách, thì sẽ đều rất bi tráng và anh hùng. Cuốn sách khiến biết bao độc giả nhớ về người mẹ, thấy biết ơn vì đã được sinh ra và hiểu cho tấm lòng của mẹ và bao người làm mẹ khác.
 
2- Hãy chăm sóc mẹ – Shin Kyung Sook
Câu chuyện kể về hành trình đi tìm người mẹ đi lạc dưới dưới góc kể của lần lượt từng người con, người chồng, và qua đó ùa về những hồi ức, kỉ niệm về mẹ. Đó là người mẹ mà mỗi khi dắt tay đứa con như “bước đi giữa biển người với phong thái có thể đe dọa cả những tòa nhà lừng lững đang nhìn thẳng xuống từ trên cao”. Và ngay cả khi những người anh cả, anh hai, chị gái dần trưởng thành và đi làm, người mẹ vẫn chăm sóc, ở bên cạnh che chở, vẫn lặng lẽ đứng sau, tận tụy với một tấm lòng ấm áp và bao dung. Dường như, hình ảnh người mẹ trong câu chuyện này không chỉ là mẫu người phụ nữ Á Đông điển hình, mà ta còn thấy thấp thoáng đâu đây có hình hài mẹ mình trong từng hành động, cứ chỉ đấy.

Từng được đánh giá là một hiện tượng văn chương Hàn Quốc năm 2009 và gây tiếng vang lớn, tác phẩm Hãy chăm sóc mẹ xoáy thẳng vào tâm trí người đọc, khiến ta phải tự vấn khi lần đầu gặp tựa đề này: “Đã bao lâu rồi mình chưa hỏi thăm, quan tâm mẹ?”
 
3- Dù con sống thế nà mẹ cũng luôn ủng hộ – Goung Ji Young
“Dù con sống thế nào mẹ cũng luôn ủng hộ” đã làm rung động trái tim, chạm sâu tận đáy lòng người đọc bằng tình yêu thương đong đầy qua những bức thư – bức thư của tình mẫu tử thiêng liêng, của cả trái tim, của cả tâm hồn, của những lời tâm tình của người mẹ dành cho con.

Đều đặn vào mỗi thứ Ba, Uy Nyung, cô bé đang bâng khuâng trước bậc thềm thanh xuân lại nhận được một lá thư. Lá thư luôn mở đầu bằng “Uy Nyung à” và kết thúc bằng “Chúc con một ngày tốt lành”, được gửi từ mẹ cô, một nhà văn vẫn dằn vặt vì không thể đối thoại trực tiếp với con mình. Bằng con mắt quan sát tài tình và cuộc đời đầy trải nghiệm của một nhà văn, người mẹ đã khéo léo dùng những cuốn sách bà từng đọc như nhịp cầu để đến gần hơn với con gái mình. Lá thư gửi tới Uy Nyung không mang tính chất dạy dỗ hay ép buộc cô bằng những lời nói giáo điều khô khan, mà chỉ đơn thuần kể về những kỷ niệm cùng trải qua với con mình: từ lần lớn tiếng nhau chỉ vì trái quan điểm hay rủ rỉ trả lời từng câu hỏi cô bé đang vướng mắc trên con đường trưởng thành, những chủ đề xoay quanh chuyện tình yêu, cách đối nhân xử thế, cách hoàn thiện thế giới quan.

Nhà văn Gong Ji Young muốn gửi gắm một thông điệp rõ rệt tới những người trẻ về cuộc sống, không cường điệu, cũng không bi lụy nhưng phải tỉnh táo, và cũng là lời nhắn nhủ ấm áp tình mẫu tử: Dù con sống thể nào, mẹ cũng luôn ủng hộ.
 
4- Mẹ thơm một cái – Cửu Bá Đao
Có lẽ, đối với những ai đã từng đọc “Cô gái năm ấy chúng tôi cùng theo đuổi” hẳn sẽ yêu mến cái giọng văn gần gũi, có chút khùng và cà chớn. Đến với tác phẩm mà nhà văn viết dành tặng cho mẹ mình, ta lại bắt gặp chất giọng duyên đến lạ đó qua từng trang hồi kí không nút thắt, không cao trào nhưng người đọc vẫn thấy cuốn hút bởi những lời kể, lời chia sẻ của tác giả về người mẹ, về những kỉ niệm chân thật, giản dị như tình mẹ dành cho ba anh em.

Người mẹ hiện lên trên trang viết của Cửu Bả Đao là bà mẹ mạnh mẽ, giàu đức hi sinh và yêu thương gia đình hết mực, thậm chí còn tự nhận mình “chiều chồng quá nên chồng sinh hư”. Nhà bán hiệu thuốc, không khá giả mấy nhưng bà không ngần ngại mượn nợ để ba đứa con ăn học thành tài. Bà mạnh mẽ khi “quán triệt” cho thằng Út về quan niệm yêu thương. Bà kiên nhẫn đạp xe chở Đao về buổi trưa hồi học tiểu học vì sợ anh theo đám bạn hư hỏng.

“Mẹ, khi bị bệnh cũng chính là thời gian duy nhất mẹ được ngủ trọn giấc, là thời gian để mẹ được nghỉ ngơi, Mẹ, khi vắng đi khỏi vị trí thường ngày rồi, mới thấy không ai thay thế được.” Ngôn từ chẳng hề đao to búa lớn, nhưng suy nghĩ của tác giả cũng đủ khiến người đọc cảm động và mềm lòng, muốn được chạy đến bên mẹ, ôm mẹ và nói: “Mẹ, thơm một cái nào”
 
5- Trái tim đàn bà – Nguyễn Quỳnh Hương
Từ những trang đầu của cuốn sách, độc giả thấy thấp thoáng đâu đây bóng dáng người mẹ của mình trong mẩu chuyện về điệu hát ru thân thương và ngọt ngào, trong những tháng ngày mẹ chăm lo cho con khi ngày cá chép hóa rồng sắp đến, là những sớm khuya mẹ tần tảo vun vén cho gia đình nhỏ của mình…

Không cần lối diễn đạt cầu kì hoa mĩ, chính những gì càng gần gũi thân thuộc, càng giản dị thực lòng thì lại càng có sức công phá tâm hồn mạnh mẽ. Xét cho cùng, trên đời này, có còn điều gì có thể tự nhiên và thuần khiết hơn tấm lòng của mẹ dành cho con và tình yêu trong veo mà những đứa con trao tặng lại cho mẹ chúng. Chỉ bằng câu chữ, Trái Tim Đàn Bà đã thể hiện được xuất sắc thứ tình cảm xúc động ấy. Một cách xuất sắc.
 
6- Người mẹ số 0 – Marjolijn Hof
Tiểu thuyết khắc hoạ diễn biến nội tâm của cậu bé Fejzo (Fé) đang là con nuôi trong một gia đình hạnh phúc. Cha mẹ nuôi rất yêu quý cậu nhưng lúc nào cậu muốn biết về người mẹ đã sinh ra mình. Fé ban đầu cho rằng mẹ ruột của cậu là người mẹ số 1 còn người mẹ nuôi bây giờ là mẹ số 2.

Nhưng cậu bé nhanh chóng nhận ra người mẹ đang nuôi mình mới thực sự là người gần gũi với mình và cậu quyết định gọi mẹ hiện giờ là mẹ số 0 còn người mẹ đẻ là mẹ số 1. Cậu cho rằng số 0 đứng trước số 1 và do vậy mẹ nuôi, người đã chăm sóc cậu phải đứng trước người mẹ kia của cậu.

Marjolijn Hof là nữ tác giả viết thơ cho người lớn và sáng tác truyện cho thiếu nhi. Bà từng nhận những giải thưởng văn chương quan trọng của Hà Lan, như giải Gounden Griffel, giải Gouden Uil for Children’s Literature. Thông qua câu chuyện ý nghĩa trong cuốn sách hay này, tiểu thuyết gia người Hà Lan thể hiện thông điệp về tình cảm gia đình ấm áp.
 
7- Ngoài kia dông bão lòng mẹ bình yên – Cheon Myeong Kwan
Câu chuyện của lòng mẹ, của triết lí giản dị mà sâu sắc về tình cảm gia đình gói gọn trong từng trang sách. Cả cuốn sách xoay quanh câu chuyện của In Mo và gia đình của anh ta, người đàn ông 48 tuổi nhưng lại chẳng có gì trong tay và phải về nhà mẹ ruột để ở. Thật bất ngờ là không chỉ In Mo mà anh trai và em gái anh ta cũng gặp phải những khó khăn, những vấp ngã trong cuộc sống, để rồi lại tìm về vòng tay mẹ tìm sự chở che. Tưởng chừng như, người mẹ này thật bất hạnh khi con cái mình đến tuổi trưởng thành rồi mà vẫn chưa thể tự lo nổi cho cuộc sống của bản thân. Nhưng lại thật xúc động khi nghe được câu nói từ người mẹ “Một gia đình đơn giản là ở bên nhau, cùng ăn, cùng khóc, cùng cười”. Tấm lòng bao la ấy chứa đựng tràn đầy sự yêu thương, sự cao cả, lòng bao dung rộng lớn và nghị lực phi thường để vượt qua mọi giông tố cuộc đời. Quyển sách sẽ cho ta thấy, ai rồi cũng sẽ phải sống trong những điều bí mật, những nỗi khổ tâm, nhưng rồi cũng sẽ phải tiếp tục bước ra, để chiến đấu với cuộc đời. Nếu ta đủ nghị lực, đủ niềm tin và đủ sự dũng cảm, thì dù có quay cuồng giữa phong ba bão táp, con người vẫn có thể tìm được cuộc sống bình yên, với những người thân yêu của mình.
 
8- Căn phòng khóa – Emma Donoghue
Mỗi khi một sinh linh bé nhỏ đến với cuộc sống, cả đại gia đình lúc nào cũng túc trực, chăm sóc, tạo điều kiện tốt nhất cho cả mẹ lẫn con để phát triển khỏe mạnh. Vậy, trong tiểu thuyết “Căn phòng khóa” của Emma Donoghue, người mẹ cần gì để nuôi Jack khi mà mọi thứ bị triệt tiêu tới tối thiểu: không gian chưa tới 10m2, khóa kín tới tận 8 lần cửa, không được ra ngoài, thức ăn hạn chế, người mẹ thường xuyên bị đánh đập, cưỡng hiếp? Câu trả lời: hẳn nhiên là Tình yêu, tình mẫu tử bất diệt.

Donoghue đã đóng góp thêm được một hình tượng người mẹ tuyệt vời trong văn chương. Một bà mẹ của hy sinh tuyệt đối, của lạc quan tin tưởng, của trí tưởng tượng phong phú, của hài hước và ấm áp, nuôi dưỡng tâm hồn của đứa bé 5 tuổi. Trong phòng Jack hoàn toàn hạnh phúc và sung sướng với thế giới cổ tích mà mẹ tạo ra: các đồ vật trở thành Người, ngôn ngữ và đồ vật không còn khoảng cách. Dù bị giam hãm trong phòng, nhưng mẹ vẫn luôn có cách để đánh bật được giới hạn của hoàn cảnh sống. Cuốn truyện này thực sự là một khúc ca về khát vọng sống, về khả năng tưởng tượng của con người và trên cả là tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt.
 
9- Nhật ký của mẹ – Kawa Chan
Nhật ký của mẹ là cuốn nhật ký bằng tranh tác giả Kawa Chan tặng cho cậu con trai đầu lòng của mình. Trong cuốn nhật ký là những bức tranh đáng yêu, hài hước xoay quanh nhân vật chính là người mẹ dễ xúc động nhưng rất yêu con. Cuốn sách bao gồm 80 tranh vẽ mô tả sống động quá trình mà bất kỳ người mẹ nào khi mang thai cũng phải trải qua: những lúc bị đau lưng, phù chân, đi lại khó khăn, chuột rút…; những lúc bị ốm mà không dám uống thuốc, niềm vui háo hức khi nhìn thấy những hình ảnh siêu âm đầu tiên, cảm giác hạnh phúc khi con cử động cơ thể,… và niềm xúc động vô bờ khi con chào đời.

Tác giả Kawa Chan chia sẻ: “Sau khi sinh con tôi trở thành người dễ xúc động hơn. Tôi cảm thông hơn với những hoàn cảnh trẻ thơ kém may mắn. Tình mẫu tử là một tình cảm thiêng liêng. Tôi hy vọng cuốn sách hay này sẽ giúp độc giả thấy yêu cuộc sống hơn, hiểu và thương mẹ mình hơn.”

 

Like Rigo.vn để cùng đắm chìm trong thế giới của những cuốn sách 

Art: Yvonne Peng

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *