Trong cuốn sách nổi tiếng “Ăn, cầu nguyện và yêu”, tác giả Elizabeth Gilbert đã cất công sang tận Ấn Độ để tìm bậc thầy về thiền định, với mong muốn giải quyết được những rắc rối trong cuộc sống. Rốt cuộc, cô lại nhận được kha khá lời khuyên bổ ích từ anh bạn Richard – người cũng đến đây để tìm câu trả lời cho riêng mình. Elizabeth đã tiếp tục hành trình đến Bali (Indonesia) và học hỏi thêm nhiều điều mới lạ trong những tháng sau đó.
Chúng ta dành cả cuộc đời để đi tìm những người thầy, cố gắng học hỏi từ các chuyên gia để trả lời cho mọi câu hỏi của mình. Tuy nhiên, có một điều không ai nhận ra: câu trả lời vốn đã tồn tại trong cuộc đời này rồi.
Chúng ta không cần tìm một bậc thầy để giải quyết vấn đề; chúng ta sẽ tự tìm thấy câu trả lời trong chính cuộc hành trình của mình.
Những bài học đó có thể đến từ con cái, vợ chồng, bạn bè, kẻ thù và nhất là từ chính bản thân chúng ta. Chúng ta có thể trở thành người thầy của chính mình, học hỏi từ những sai lầm trong quá khứ.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói: “Không có bùn thì cũng chẳng thể có hoa sen”. Trên đời này chỉ có những bài học, không có cái gọi là sai lầm. Chúng ta chính là kết quả của những bài học mà ta đã tiếp thu.
Chỉ có trải qua thách thức trong đời, ta mới trở nên mạnh mẽ hơn. Ta sẽ trưởng thành qua những trải nghiệm – chúng là những thứ sẽ định hình ta của ngày hôm nay.
Tại sao bạn phải đi vòng quanh thế giới, đến những chốn tu tập xa xôi, thỉnh giáo những bậc thầy xa lạ khi mà câu trả lời đã tồn tại sẵn trong cuộc đời này, chỉ là bạn không đủ kiên nhẫn để nhận ra?
Sự phản bội dạy ta cách tha thứ. Tình yêu dạy ta về sự tin tưởng. Vật nuôi dạy ta về tình yêu không điều kiện. Trầm cảm dạy ta sau cơn mưa trời lại sáng. Kiệt sức dạy ta cách trân trọng và ưu tiên bản thân. Một vụ hỏa hoạn dạy ta về sự gắn bó. Một người vô gia cư dạy ta biết ơn kể cả những điều nhỏ bé nhất.
Thành công là sản phẩm của quá trình học hỏi từ kinh nghiệm và thất bại – kết quả của sự kết hợp giữa cuộc sống, kinh nghiệm và những người chúng ta vẫn gặp hàng ngày. Đó mới là thứ nhào nặn chúng ta nên người, không phải bậc thầy hay chuyên gia nào hết.
Có những bài học ta sẽ chỉ tìm thấy trong đời mà không có ở trường lớp hay bất cứ nơi nào khác, chẳng hạn như 7 bài học dưới đây:
Bài học về cho đi và nhận lại
Mọi mất mát trong cuộc đời ta rồi sẽ được bù đắp dưới hình thức nào đó. Cuộc sống là vậy, cho đi ắt sẽ được nhận lại. Sau mỗi tổn thất, ta sẽ hiểu rõ thế nào là trân trọng. Con người luôn chỉ học được cách trân trọng khi mọi thứ đã không còn trong tay.
Tuy nhiên, hãy nhớ rằng mất mát là dịp để ta trưởng thành lên. Cánh cửa này đóng lại sẽ có cánh cửa khác mở ra. Tất cả việc bàn cần làm là đi tìm chúng.
Bài học về thời gian và lòng kiên nhẫn
Thời gian có thể vừa làm bạn thân, vừa là kẻ thù lớn nhất của ta. Khi ta gặp đớn đau, thời gian trôi như nhỏ giọt. Khi ta vui vẻ, thời gian trôi nhanh như một cơn gió. Thời gian là tất cả, và tất cả đều phụ thuộc vào thời gian.
Con người là một kiểu sinh vật thiếu kiên nhẫn: chúng ta luôn muốn mọi thứ phải xảy ra ngay lập tức. Chính vì thế, sự xuất hiện của thời gian đã dạy chúng rèn tính kiên nhẫn – một phẩm chất giúp thay đổi tư duy và biến thời gian thành công cụ có lợi cho bản thân.
Bài học về nỗi đau và sự sợ hãi
Không ai có thể trốn thoát khỏi hai thứ cảm xúc khắc nghiệt này. Chúng có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng đều buộc con người phải đối mặt ít nhất một lần trong đời.
Nỗi đau không phải thứ có thể tránh được. Chúng ta không còn cách nào khác là phải giải quyết nỗi đau – nghiên cứu nó, thấu hiểu nó và chấp nhận nó. Tuy nhiên, hãy tránh xa sự sợ hãi bằng mọi giá. Sự sợ hãi sẽ khiến bạn chùn bước và bỏ qua những cơ hội tuyệt vời trong đời mình.
Bài học về mục đích sống
Ai sống trên đời cũng đều có mục đích. Chỉ là rất nhiều người trong số chúng ta chưa thực sự nhận ra điều đó. Khi chúng ta vận dụng tài năng, năng lực và sở thích của mình, thành công thường trở nên dễ dàng hơn. Bằng cách này, chúng nó đã biến công việc từ một nhiệm vụ bắt buộc trở thành đam mê của mình.
Điều này nhắc nhở chúng ta rằng, dù làm bất cứ điều gì cũng cần một mục đích rõ ràng. Hãy kết hợp giữa công việc và đam mê, bởi đó là cách duy nhất để bạn có thể thành công trong lâu dài.
Bài học về sự ổn định và thay đổi
Ổn định và thay đổi là hai mặt của một vấn đề. Chúng ta không thể liên tục thay đổi, nhưng phải nhờ thay đổi, chúng ta mới đạt được sự ổn định. Tuy nhiên, không phải ai cũng đối mặt được với sự thay đổi, bởi con người thường chẳng thích bước chân khỏi vùng an toàn của chính mình.
Ta phải hiểu rằng, thay đổi là một phần tạm thời của cuộc sống. Phải vượt qua nó ta mới có thể tìm kiếm sự ổn định, vững chắc cho mình.
Bài học về sự tiến bộ
Tiến bộ giúp ta hiểu rằng cuộc sống sẽ luôn tiếp diễn, dù chúng ta gặp phải điều gì. Có những nỗi đau để lại vết sẹo không thể xóa nhòa, nhưng chúng sẽ bảo vệ ta khỏi những nguy hiểm trong tương lai. Chỉ khi học được từ sai lầm trước đó của bản thân và hành động khác đi để đạt được kết quả mới, ta mới thực sự tiến bộ. Trưởng thành theo cách nào, tất cả đều do chúng ta một tay quyết định.
– Tham khảo: Quora, Tiny Buddha/Linh Hân –