Trong cuộc sống gia đình, đôi lúc chúng ta không thể tránh khỏi những xung đột cãi vã. Mâu thuẫn là một phần của cuộc sống, tìm ra phương hướng giải quyết và vượt qua những mâu thuẫn là điều cần thiết để con người nhìn nhận những giá trị thực của cuộc sống. Mà một trong những chìa khóa quan trọng nhất chính là sự sẻ chia tình cảm thật lòng giữa mỗi người với nhau. Đối với mối quan hệ trong gia đình, cha mẹ con cái anh chị em qua các thế hệ đều có một mối dây liên kết vô hình mà cho dù mâu thuẫn có làm chia lìa thì tình thân máu mủ cuối cùng cũng sẽ mang người nhà trở về với nhau. Không có gì bất hạnh cho bằng tự cắt đứt quan hệ với người thân. Các căn bệnh tâm lý và tâm thần của con người bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân nhưng phần lớn xuất phát từ những bất hạnh trong gia đình.
Giống như nhân vật Boris, nhân vật mở đầu câu chuyện, trong tác phẩm “Trưởng thành khi biết khoan dung”. Mâu thuẫn và bất hạnh mà anh tự nhận vào mình đã đẩy anh đến việc cắt đứt liên lạc với người thân. Kể từ đó, nỗi cô đơn khiến anh lâm bệnh không chỉ về thể xác mà còn về tinh thần. Nhưng chính tình yêu thương của gia đình đã trở thành phép màu làm xoa dịu sự oán giận của Boris và cả những người thân của anh. Mọi người tìm đến sự bao dung mà mở lòng để hiểu nhau hơn, để sống không chỉ cho bản thân mà sống cho gia đình, sống cho những giá trị tốt đẹp.
“Trưởng thành khi biết khoan dung” truyền tải các thông điệp về tâm lý giáo dục, cần thiết cho xã hội chúng ta ngày nay, khi mà nhiều giá trị bị đảo lộn, cha mẹ và con cái có ít thời gian để trao đổi với nhau. Dẫn đến sự lạnh lùng và thờ ơ trong cách hành xử của con người và những hệ lụy liên quan đến sức khỏe tinh thần cũng như sự đánh mất những giá trị cốt lõi của cuộc sống. Sách viết dưới dạng những lá thư qua lại, đề cao việc chia sẻ cảm xúc bằng phương tiện và tâm cảm thực, hãy bước ra khỏi thế giới ảo để hiện thực hóa những điều nội tâm muốn lên tiếng.