Sức mạnh của sự lạc quan
Warren Buffett sở hữu tinh thần lạc quan phi thường, một trong những phẩm chất chung của nhiều doanh nhân mà khoa học đã chứng minh. Các doanh nhân thành công luôn sống với niềm tin rằng, dù có chuyện gì xảy ra, chỉ cần có tư duy tích cực và luôn tin tưởng bản thân, kết quả cuối cùng sẽ tốt đẹp.
Buffett đã sống lạc quan không ngừng trong nhiều thập kỷ qua là điều nhiều người biết nhưng trên thực tế tỷ phú này tích cực đến mức nào? Nhà văn và nhà tư vấn khoa học dữ liệu người Mỹ Michael Toth đã quyết định thử nghiệm sự lạc quan của Buffett bằng cách thực hiện “Phân tích cảm xúc về nội dung các bức thư của Warren Buffett gửi cho các cổ đông từ năm 1977 đến năm 2016”. Cụ thể, Toth xác định cảm xúc của các bức thư từ Buffett bằng cách so sánh số lượng từ tiêu cực với số lượng từ tích cực.
Phân tích của Toth phát hiện ra rằng nhìn chung, các bức thư của Buffett phần lớn mang tính lạc quan, với những từ tích cực vượt xa những từ tiêu cực. Chỉ có 5 lá thư cho thấy điểm tâm lý tiêu cực, nguyên nhân xuất phát từ các sự kiện kinh tế lớn như sự sụp đổ của thị trường Thứ Hai Đen tối năm 1987 và cuộc Đại suy thoái năm 2008.
Khối tài sản khổng lồ không phải là điều có thể chi phối của nhìn tích cực của vị tỷ phú. Nói chuyện với Judy Woodruff của PBS về giá trị tài sản ròng mà ông có được từ cổ phiếu Berkshire Hathaway, Buffett nói: “Chúng không có lợi ích gì với tôi. Chúng cũng không thể làm bất cứ điều gì để khiến tôi hạnh phúc hơn. Tôi đã hạnh phúc rồi”.
Ông cũng nói thêm rằng, bản thân có thể hạnh phúc với 100.000 USD mỗi năm và hàng tỷ USD tài sản hiện tại cũng không thể làm ông hạnh phúc hơn.
Melinda French Gates, đồng chủ tịch của Quỹ Bill & Melinda Gates, đã trực tiếp ca ngợi Buffett trong Thư thường niên năm 2017 của quỹ: “Thành công không tạo nên sự lạc quan mà chính sự lạc quan đã dẫn đến thành công của Buffett”.
Lạc quan cũng chính là một yếu tố giúp Buffett sống thọ và khỏe mạnh, bất chấp áp lực khổng lồ mỗi ngày trên cương vị Chủ tịch Berkshire Hathaway. Một nghiên cứu từ năm 2019 của ĐH Boston (Mỹ) chỉ ra cả đàn ông và phụ nữ lạc quan đều sống lâu hơn trung bình 11–15%.
Những người sống lạc quan có thể giảm nguy cơ mắc bệnh trầm cảm và bệnh tim. Các tác giả của nghiên cứu nhận thấy rằng những người lạc quan có nhiều động lực hơn để duy trì sức khỏe tốt thông qua tập thể dục thường xuyên và chế độ ăn uống lành mạnh.
Làm thế nào để trở nên lạc quan hơn?
Từ Warren Buffett, nhiều người có thể nhận ra rằng lạc quan mang lại vô số lợi ích trong cuộc sống: Nội tâm bình yên hơn, niềm vui lâu dài và cuối cùng là thành công lớn hơn. Dưới đây là những gợi ý để bạn có thể từ từ tiếp cận và phát triển lối sống lạc quan:
1. Cải thiện cuộc sống của chính bạn và mọi người xung quanh
Trong một lá thư thường niên khác của Quỹ Bill & Melinda Gates, Bill Gates nói: “Trở thành một người lạc quan không phải là việc nhìn lại xem cuộc sống từng tồi tệ thế nào, mà là biết làm thế nào cuộc sống có thể trở nên tốt đẹp hơn. Và đó là điều thực sự thúc đẩy sự lạc quan của chúng ta”.
Bill Gates và Melinda Gates là những người góp phần cải thiện các vấn đề về bệnh tật và nạn đói trên toàn thế giới. Theo cây bút Marcel Schwantes của Inc Magazine, cách để kích hoạt sự lạc quan của chúng ta có thể được truyền cảm hứng từ bộ đôi này: Không ngừng học hỏi và phát triển, tiếp xúc với những điều mới, nhận thức được các vấn đề xã hội tại địa phương, chống lại những bất công và hợp tác với những người có cùng chí hướng để phát triển các chiến lược, giải pháp cho những vấn đề chúng ta phải đối mặt.
2. Viết nhật ký về những trải nghiệm tích cực của bạn
Nhà tâm lý học và tác giả sách từng tốt nghiệp ĐH Harvard (Mỹ) Shawn Achor nói rằng nếu bạn dành 2 phút mỗi ngày để viết nhật ký về một trải nghiệm tích cực trong 24 giờ qua, nó sẽ cho phép bộ não của bạn hồi tưởng lại trải nghiệm đó. Từ đó bộ não của bạn sẽ ghi nhận đó là hành vi có ý nghĩa là quan trọng trong cuộc sống, chú ý đến chúng nhiều hơn và bạn sẽ dễ thấy vui vẻ hơn.
3. Học cách biết ơn
Bạn có thể rèn luyện bộ não của mình trở nên vui vẻ và lạc quan nếu bạn viết nhật ký 3 điều mà bạn biết ơn hàng ngày và làm điều đó trong 21 ngày liên tiếp. Theo nghiên cứu của nhà tâm lý Shawn Achor, khi bạn nâng cao mức độ tích cực, bộ não của bạn hoạt động tốt hơn đáng kể so với khi tiêu cực, trung lập hoặc căng thẳng. Cụ thể: năng suất làm việc sẽ tăng 31%; doanh số bán hàng tăng 37%; khả năng được thăng chức tăng 40% khi bạn sống lạc quan.
4. Thường xuyên chọn các hành vi tích cực
Hạnh phúc hay không là sự lựa chọn của chính bạn nhưng chúng ta đều biết sống hạnh phúc sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho tâm lý. Nghiên cứu về bộ não của Tiến sĩ Wataru Sato, thuộc đại học Kyoto (Nhật Bản) phát hiện ra rằng, khi bạn chọn những hành vi tích cực (như sự tha thứ), bạn sẽ kiểm soát được cảm xúc của mình tốt hơn.
Bằng cách thay đổi thói quen hàng ngày, bạn cũng có thể kiểm soát cảm giác hạnh phúc của mình. Nếu bạn bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn của những cảm xúc tiêu cực như nghi ngờ, sợ hãi và không chắc chắn, hãy thay thế những cảm xúc đó bằng cách lựa chọn sự lạc quan, chẳng hạn như niềm vui, niềm tin và hy vọng.
– Theo Kim Linh –