1. Tâm Thức – Daniel J.Siegel, MD
Cách bạn tập trung chú ý, cởi mở nhận thức để hướng tới những mục tiêu tốt đẹp và cao cả – cũng giúp làm tăng nhận thức về hạnh phúc, kết nối với những người xung quanh (dưới dạng sự cảm thông và lòng trắc ẩn được tăng cường), cân bằng trong cảm xúc và sự kiên cường khi đối diện với thử thách. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi nhận thức về ý nghĩa và mục đích tăng lên, thì sự thanh thản trong cuộc sống cũng sẽ tăng lên.
Cơ hội chỉ ưu ái cho những kẻ có sự chuẩn bị, việc trải nghiệm bài tập “Bánh xe nhận thức” trong cuốn sách này sẽ giúp bạn có được sự chuẩn bị cho những cơ hội mà cuộc sống đem lại. Khi đã thành thạo trong việc sử dụng công cụ này, bạn sẽ nhận thấy bản thân có khả năng vượt qua được bão tố trong cuộc sống một cách dễ dàng hơn và sống cuộc đời của mình trọn vẹn hơn, cởi mở hơn với bất kỳ trải nghiệm nào, dù là tích cực hay tiêu cực.
Với những ví dụ điển hình về những cá nhân cụ thể và cách họ sử dụng “Bánh xe nhận thức” để củng cố tâm trí và cải thiện bản thân, bạn sẽ nhận thấy rằng việc tận dụng tất cả những nhận thức mới mẻ về tâm trí cũng như ý nghĩa của nhận thức mở rộng, và những trải nghiệm trực tiếp về cách mà bài tập “Bánh xe nhận thức” hợp nhất vào ý thức, sẽ góp phần giúp bạn củng cố tâm trí của bản thân và nuôi dưỡng hạnh phúc trong cuộc sống.
Nếu bạn đã từng trải nghiệm chất lượng của cuộc sống này trong cuộc sống thường nhật, thì những bài tập về sự chú ý, nhận thức và mục đích sống sẽ giúp tăng cường và củng cố ngay chính nơi bạn đang đứng. Thật tuyệt vời nếu như những đặc điểm đó của hạnh phúc dường như quá xa vời hay không quen thuộc với bạn, và bạn cần chúng phải trở nên thân thuộc hơn với cuộc sống hằng ngày của mình, thì bạn sẽ tìm được cách để thay đổi trong cuốn sách này.
Cuốn sách “Tâm thức” dạy cho độc giả cách khai thác sức mạnh của bản thân, hiểu được cách thức để tập trung sự chú ý, nhận thức cởi mở, giảm nỗi sợ hãi, lo lắng và căng thẳng. Bạn đọc sẽ được trải nghiệm một cảm giác mới mẻ hơn, giúp bạn củng cố tâm trí của bản thân và nuôi dưỡng hạnh phúc trong cuộc sống.
2. Tĩnh Lặng – Thích Nhất Hạnh
Còn sống và bước đi trên mặt đất này là một phép lạ, nhưng hầu hết chúng ta lại chạy đi tìm hạnh phúc ở một nơi xa xôi nào đó như thể là có một nơi tốt đẹp hơn để đến vậy. Chúng ta mất rất nhiều thời gian để đi tìm hạnh phúc trong khi đó thế giới quanh ta tràn đầy những mầu nhiệm. Những vẻ đẹp của đất trời đang gọi ta từng ngày, từng giờ nhưng hiếm khi ta nghe được. Điều kiện căn bản để chúng ta có thể nghe và đáp lại những tiếng gọi ấy là sự Tĩnh Lặng. Nếu không có sự tĩnh lặng trong tự thân, nếu thân tâm ta đầy sự ồn ào, náo loạn thì ta không thể nghe được tiếng gọi của vẻ đẹp ấy. Có một đài radio đang hoạt động trong đầu ta, đó là đài NST (Non Stop Thinking) – đài suy nghĩ liên tục không ngừng. Tâm ta đầy tiếng ồn) vì vậy ta không thể nghe được tiếng gọi của sự sống, tiếng gọi của tình thương. Trái tim ta đang gọi ta mà ta không nghe thấy. Ta không có thời gian để lắng nghe trái tim mình.
Chánh niệm là sự thực tập làm cho những tiếng ồn trong mình yên lắng lại. Không có chánh niệm, chúng ta có thể bị nhiều thứ lôi kéo, chẳng hạn như những tiếc nuối, buồn phiền trong quá khứ. Ta hồi tưởng lại những ký ức, hồi tưởng lại những gì đã trải qua, để khổ đi khổ lại, để đau đi đau lại những niềm đau mà ta đã đi qua. Chúng ta rất dễ bị kẹt vào ngục tù của quá khứ. Chúng ta cũng có thể bị tương lai lôi kéo. Những người lo lắng, sợ hãi về tương lai cũng bị giam hãm trong tù ngục như những người bị quá khứ trói buộc. Sợ hãi, lo lắng, hoang mang ngăn cản ta, không cho ta nghe được tiếng gọi của hạnh phúc. Vì vậy, tương lai cũng trở thành ngục tù.
Dù ta cố gắng có mặt trong giây phút hiện tại thì tâm ta cũng tán loạn và thấy trống vắng như có một khoảng trống lớn trong ta vậy. Có thể ta chờ đợi, trông mong điều gì đó xảy ra cho cuộc sống của ta hào hứng hơn, sôi nổi hơn. Ta trông chờ điều gì đó có thể thay đổi hoàn cảnh của ta, vì cuộc sống hiện tại của ta quá chán nản, chẳng có gì đặc biệt và thú vị.
Chánh niệm thường được mô tả như một tiếng chuông nhắc nhở chúng ta dừng lại và im lặng lắng nghe. Chúng ta có thể sử dụng tiếng chuông hay bất kỳ một tín hiệu nào giúp ta nhớ để không bị kéo đi bởi những tiếng ồn chung quanh và tiếng ồn trong mình. Khi nghe chuông, ta dừng lại, theo dõi hơi thở vào ra và tạo không gian cho sự yên lặng. Ta có thể tự nói với mình: “Thở vào tôi biết là tôi đang thở vào.”
Thở vào, thở ra trong chánh niệm, chỉ chú ý vào hơi thở, ta có thể làm yên lắng tất cả những tiếng ồn trong mình, những tiếng độc thoại về quá khứ, tương lai hay những mong cầu về điều gì đó.
Chỉ cần thở chánh niệm trong vòng hai, ba giây thôi là ta đã thức tỉnh, rằng ta còn sống và ta đang thở vào. Ta có mặt đây, ta đang tồn tại. Tiếng ồn bên trong sẽ biến mất ngay lập tức, nhường chỗ cho một không gian bao la và sâu rộng. Rất hùng hồn và mạnh mẽ. Ta có thể đáp lại tiếng gọi của những vẻ đẹp chung quanh ta:
“Tôi đang có mặt đây, tôi đang có tự do và đang nghe em đây.”
“Tôi đang có mặt đây” nghĩa là gì? Nghĩa là “Tôi đang sống. Tôi đang thật sự có mặt, bởi vì tôi không bị đánh mất mình trong quá khứ, trong tương lai, trong suy nghĩ, trong những tiếng ồn bên trong cũng như tiếng ồn bên ngoài.
Tôi đang có mặt.” Để thực sự có mặt, ta phải có tự do, vượt thoát những suy nghĩ, vượt thoát những lo lắng, vượt thoát những sợ hãi và mong cầu. “Tôi đang có tự do” là một lời tuyên bố rất hùng hồn, bởi vì sự thật là nhiều người trong chúng ta không có tự do. Ta không có tự do để nghe, để thấy và để có mặt.
3. Thiền – Osho
Thiền là một bước phát triển phi thường. Hiếm khi một khả năng như vậy trở thành hiện thực bởi vì có nhiều rủi ro trong đó. Trước đây từng có nhiều lần tồn tại khả năng ấy – một biến cố tâm linh nào đó lẽ ra đã có thể phát triển và trở thành giống như Thiền, nhưng nó không bao giờ thành hiện thực. Chỉ duy nhất một lần trong toàn thể lịch sử ý thức loài người có một thứ như Thiền bước vào đời sống. Nó rất hiếm có.
Thiền được sinh ra ở Ấn Độ, lớn lên ở Trung Hoa và nở hoa ở Nhật Bản.
Toàn bộ chuyện này thật hiếm có. Tại sao nó được sinh ra ở Ấn Độ nhưng không thể lớn lên ở Ấn Độ mà phải tìm một mảnh đất khác? Nó trở thành một cái cây vĩ đại ở Trung Hoa nhưng không ra hoa được ở đó; một lần nữa nó phải tìm một miền khí hậu mới, một miền khí hậu khác. Và ở Nhật Bản, nó nở hoa như một cây anh đào có hàng ngàn bông. Việc này không phải ngẫu nhiên, không phải tình cờ, mà có một lịch sử sâu xa bên trong. Tôi muốn tiết lộ nó cho bạn.
Ấn Độ là một đất nước hướng nội. Nhật Bản thì hướng ngoại. Và Trung Hoa ở ngay giữa hai cực ấy. Ấn Độ và Nhật Bản là những đối lập tuyệt đối. Vậy thì làm thế nào hạt giống được sinh ra ở Ấn Độ lại nở hoa ở Nhật Bản? Họ đối lập, họ không có sự tương đồng, họ trái ngược nhau. Tại sao Trung Hoa lại bước vào ngay ở giữa, để cho nó đất sống?
Hạt giống là sự hướng nội. Hãy cố gắng hiểu hiện tượng hạt giống, hiểu hạt giống là gì. Hạt giống là một hiện tượng hướng nội, hướng tâm – năng lượng di chuyển vào trong. Đó là lí do tại sao nó là một hạt giống. Nó được bao bọc và đóng kín, tách rời hoàn toàn khỏi thế giới bên ngoài. Trên thực tế, hạt giống là thứ cô đơn nhất, biệt lập nhất trên thế giới. Nó không có gốc rễ trong đất, không có cành lá trên bầu trời; nó không có kết nối nào với mặt đất, không có kết nối nào với bầu trời. Nó không có mối quan hệ. Hạt giống là một hòn đảo thực sự, biệt lập, hướng vào trong. Nó không liên kết. Nó có vỏ cứng bao quanh, không cửa sổ, không cửa ra vào. Nó không thể đi ra và không gì có thể đi vào.
Hạt giống là thứ tự nhiên đối với Ấn Độ. Tinh thần Ấn Độ có thể sản sinh ra những hạt giống có tiềm năng to lớn, nhưng không thể cho chúng đất sống. Ấn Độ là ý thức hướng nội. Ấn Độ nói cái bên ngoài không tồn tại, và ngay cả nếu nó có vẻ như tồn tại thì nó được làm từ cùng chất liệu với những giấc mơ. Toàn bộ tinh thần Ấn Độ đã luôn cố gắng khám phá ra cách trốn thoát khỏi cái bên ngoài, cách di chuyển vào sào huyệt bên trong của trái tim, cách định tâm trong chính mình. Và cách để nhận ra rằng toàn bộ thế giới tồn tại bên ngoài ý thức chỉ là một giấc mơ – cùng lắm là một giấc mơ đẹp, còn tệ nhất là cơn ác mộng. Cho dù nó đẹp đẽ hay xấu xí, trong thực tại nó là một giấc mơ, và người ta không nên phiền lòng nhiều về nó. Người ta nên thức tỉnh và quên đi toàn thể giấc mơ của thế giới bên ngoài.
Trung Hoa là một đất nước cân bằng, không giống như Ấn Độ, không giống như Nhật Bản. Con đường ở đó là trung dung. Tư tưởng của Khổng Tử là luôn ở giữa: không hướng nội cũng không hướng ngoại, không nghĩ quá nhiều về thế giới này lẫn thế giới kia – chỉ giữ nguyên ở giữa. Trung Hoa không cho ra đời một tôn giáo, mà chỉ cho ra đời một hệ thống đạo đức. Chẳng có tôn giáo nào được sinh ra ở đây, ý thức Trung Hoa không thể cho ra đời một tôn giáo. Nó không thể tạo ra hạt giống.
Tất cả những tôn giáo tồn tại ở Trung Hoa đều là nhập khẩu, tất cả chúng đều tới từ bên ngoài. Phật giáo, Hindu giáo, Hồi giáo và Thiên Chúa giáo, tất cả đều đến từ bên ngoài. Trung Hoa là một mảnh đất tốt nhưng không thể khởi nguồn ra tôn giáo nào, bởi vì để khởi nguồn ra một tôn giáo, người ta phải di chuyển vào thế giới bên trong. Để cho ra đời một tôn giáo, người ta phải giống như thân thể phụ nữ, giống như bụng mẹ.
Giờ cần đến Nhật Bản. Nhật Bản là đất nước hướng ngoại. Phong cách sống và ý thức của nó hướng ngoại. Với ý thức Nhật Bản thì gần như cái bên trong không tồn tại; chỉ cái bên ngoài là có ý nghĩa. Hãy nhìn vào y phục của người Nhật. Chúng chứa đầy màu sắc của hoa và cầu vồng, như thể cái bên ngoài vô cùng ý nghĩa.
Hãy nhìn một người Ấn khi anh ta đang ăn, và rồi nhìn người Nhật. Hãy nhìn một người Ấn khi anh ta dùng trà, và rồi nhìn người Nhật. Một người Nhật tạo ra lễ hội từ những điều đơn giản nhất. Dùng trà, anh ta biến nó thành một lễ hội. Nó trở thành nghệ thuật. Cái bên ngoài vô cùng quan trọng: Trang phục vô cùng quan trọng, các mối quan hệ vô cùng quan trọng. Bạn không thể tìm đâu trên thế giới có nhiều người thoải mái hơn người Nhật – luôn luôn mỉm cười và trông thật hạnh phúc. Còn người Ấn thì sẽ trông hời hợt, họ nghiêm túc. Người Ấn hướng nội còn người Nhật hướng ngoại: Họ trái ngược nhau. Một người Nhật luôn luôn dịch chuyển trong xã hội. Toàn thể văn hóa Nhật Bản quan tâm đến việc làm sao tạo ra một xã hội tươi đẹp, làm sao tạo ra những mối quan hệ tốt đẹp – trong mọi thứ, trong mọi thời khắc – làm sao trao cho chúng ý nghĩa. Nhà của họ vô cùng đẹp đẽ. Ngay cả nhà của một người nghèo cũng có vẻ đẹp riêng: Nó có thẩm mĩ, nó có sự độc đáo riêng. Nó có thể không quá giàu có, nhưng nó vẫn giàu có theo một ý nghĩa nào đó, nhờ vẻ đẹp, sự sắp xếp, sự chú tâm được mang vào mọi chi tiết nhỏ bé, li ti. Cửa sổ nên ở chỗ nào, loại rèm nào nên được dùng, ánh trăng nên được mời vào ô cửa sổ như thế nào, và từ đâu. Những thứ rất nhỏ, nhưng mọi chi tiết đều quan trọng.
Nhật Bản lại rất bận tâm đến cái bên ngoài – như ở một thái cực khác. Nhật Bản là đất nước phù hợp. Toàn bộ cây Thiền đã được cấy vào trong Nhật Bản và nó trổ bông hàng ngàn sắc màu. Nó nở hoa.