Là một công ty đã được quy mô hóa thành công, bạn không thể mãi tiếp tục điều hành công việc theo cách như trước đây nữa. Nếu không bạn sẽ bị một loạt các công ty khởi nghiệp đè bẹp.
– Scott Cook, Nhà sáng lập và Chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn Intuit
Bạn có từng nghĩ ra ý tưởng về một sản phẩm hoặc dịch vụ mới mà bạn cho rằng sẽ rất tuyệt vời, nhưng lại không bắt tay vào hành động vì cảm thấy quá mạo hiểm? Hoặc có lẽ đơn giản là bạn không biết mình phải làm gì tiếp theo? Hoặc ở nơi làm việc, bạn có từng nghĩ ra một ý tưởng mà bạn cho rằng có thể sẽ tác động rất lớn đến công ty mình – như thay đổi cách họ phát triển và phân phối sản phẩm, cung cấp dịch vụ khách hàng, tuyển dụng hoặc đào tạo nhân viên? Sự thật là, hầu hết chúng ta một lúc nào đó đều có những ý tưởng như vậy. Nhưng cả bản thân lẫn công ty của chúng ta đều không giỏi trong việc tận dụng chúng. Vì sao? Vì thông thường những ý tưởng này sẽ đi kèm với một sự không chắc chắn đáng kể về hiệu quả của chúng. Chúng chứa đầy rủi ro. Và hầu như cá nhân nào – nhất là công ty nào – cũng đều được lập trình để tránh rủi ro cả. Nhưng nếu bạn có thể loại trừ phần lớn rủi ro ra khỏi chúng thì sao? Nếu bạn biết một quy trình có thể giúp nhanh chóng kiểm tra và xác thực xem liệu các ý tưởng có đáng triển khai không thì sao?
Cuốn sách “Phương pháp sáng tạo” của Furr và Dyer sẽ cung cấp những công cụ và góc nhìn mới cho việc xác thực các ý tưởng lớn có mức độ không chắc chắn cao đang nổi lên trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Cho dù bạn có gọi nó là khởi nghiệp tinh gọn, tư duy thiết kế, hay phát triển phần mềm linh hoạt đi nữa thì những phương pháp mới này đều đang cách mạng hóa phương thức mà các nhà quản lý tạo ra, sàng lọc, và đưa các ý tưởng mới ra thị trường thành công. Cuốn sách này tập trung vào các “cách thức thực hiện”, làm thế nào để kiểm tra, xác thực, và thương mại hóa các ý tưởng bằng cách sử dụng những công cụ tốt nhất từ khởi nghiệp tinh gọn, tư duy thiết kế, và các kỹ thuật tương tự được một số tập đoàn và doanh nghiệp khởi nghiệp thành công nhất áp dụng.
Dù bạn là một nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà khởi nghiệp, hay một cá nhân, bạn hoàn toàn có thể áp dụng các phương pháp trong quyển sách này để giải quyết sự không chắc chắn ở bất cứ nơi nào mà bạn phải đối mặt với nó, từ trong các quy trình nội bộ cho đến những sự đổi mới sáng tạo bê ngoài, với chi phí thấp hơn và tỉ lệ thành công lớn hơn bao giờ hết. Phương Pháp Sáng Tạo giúp bạn giải quyết một cách sáng tạo những vấn đề mà bạn gặp phải cả trong công việc lẫn trong cuộc sống cá nhân.
Clayton M.Christensen (Giáo sư Trường Kinh Doanh Harvard) viết: “Với cuốn sách Phương Pháp Sáng Tạo, họ là những nhà nghiên cứu đầu tiên mà tôi biết, đã cố gắng ghi chép lại quy trình đổi mới sáng tạo từ đầu đến cuối – phơi bày những mối quan hệ tương thuộc tĩnh và động vốn đã gây rất nhiều khó khăn cho sự đổi mới sáng tạo trong quá khứ. Nếu một người phải đối mặt với một vấn đề có mức độ không chắc chắn cao, thì những công cụ của khởi nghiệp tinh gọn và tư duy thiết kế mà họ mô tả sẽ là những công cụ đổi mới sáng tạo rất có giá trị.”
Đổi mới sáng tạo là một quy trình khó lường trước được – và không một quy trình nào có thể loại bỏ hoàn toàn sự không chắc chắn. Nhưng ta có thể áp dụng các công cụ này để tạo ra những sáng tạo mới cho khách hàng hoặc giải quyết các vấn đề nội bộ có bao hàm yếu tố không chắc chắn ở các mảng hay một lĩnh vực nào khác.