Kế Hoạch Của Linh Hồn – Robert Schwartz

Trong cuộc sống, mỗi khi gặp khó khăn, bất hạnh đôi khi chúng ta thường nhìn nhận vấn đề với cái nhìn tiêu cực, và đối mặt với nó với thái độ bi quan, chán nản. Đôi khi chúng ta đổ lỗi cho hoàn cảnh, ghi nỗi hận thù với những người gây ra khó khăn cho mình hoặc tự ti, tức giận với chính bản thân mình. Tuy nhiên, ở một phương diện nào đó, những bất hạnh, đau khổ, hay những thất bại lại hé mở cho chúng ta những cái nhìn khác hơn đó là quay lại đi tìm bản chất thật của vấn đề, trở về với trái tim và trí óc của chúng ta, biết buông bỏ hận thù, cảm thông và thay đổi cách nhìn luôn phán xét đối với người khác từ đó lan toả tình yêu thương và chữa lành vết thương từ trong chính bản thân chúng ta và những người xung quanh.

Trong cuốn sách Kế hoạch linh hồn: khám phá ý nghĩa cuộc sống mà bạn đã lên kế hoạch từ trước khi sinh ra , tác giả Robert Schwartz đã tiếp cận vấn đề dựa trên những kiến giải từ góc độ khoa học tâm linh thông những câu chuyện cuộc đời của những người mà ông quen biết. Trên phương diện này ông đặt ra vấn đề: Liệu có hay không việc cuộc xây dựng kế hoạch cuộc đời của mỗi người trước khi sinh ra, và nếu điều đó là có thật thì bản thân mỗi người cảm thấy như thế nào, và bằng cách nào để có thể thoát ra khỏi những ám ảnh về những khó khăn, bất hạnh đó. Ông đã tìm đến các nhà hướng dẫn tâm linh để lắng nghe và tìm kiếm câu trả lời. Và điều mà Robert Schwartz nhấn mạnh ở đây chính là bản thân mỗi người là một món quà của cuộc sống, vậy nên chúng ta hãy trân trọng bản thân, dù cuộc đời có gập ghềnh, có khó khăn hay bất hạnh thì hãy mạnh mẽ đón nhận nó bằng năng lượng tích cực và lan toả tình yêu từ trái tim mình đến với những người xung quanh. Đó chính là cách bạn sống tích cực và chữa lành mọi đau khổ, bất hạnh trên thế giới.

Hiện nay trước sự phát triển đa dạng, phong phú của khoa học hiện đại, có nhiều vấn đề của cuộc sống được nghiên cứu lý giải dưới nhiều góc độ khác nhau; những câu chuyện và những dẫn giải của Robert Schwartz dựa trên khoa học tâm linh cũng là một hướng trong những cách tiếp cận và giải mã những điều bí ẩn của cuộc sống. Và mỗi người chúng ta cần có cái nhìn khách quan, có chọn lọc trong tìm hiểu và tiếp nhận các vấn đề để có những suy nghĩ tích cực, tránh đi vào những con đường phiến diện, cực đoan.

Nhà xuất bản Hà Nội và Công ty Cổ phần Sách Thái Hà trân trọng giới thiệu với bạn đọc cuốn sách Kế hoạch linh hồn: khám phá ý nghĩa cuộc sống mà bạn đã lên kế hoạch từ trước khi sinh ra. Hy vọng các bạn sẽ chọn lọc được thông tin phù hợp cho bản thân, cuộc sống của chính mình!

TRÍCH ĐOẠN SÁCH:

Tại sao chúng ta lại lên kế hoạch cho thử thách

Kế hoạch cuộc sống được sắp đặt để ta trải nghiệm việc không là chính mình trước khi ta nhớ ra mình thực sự là ai. Có nghĩa là, chúng ta khám phá những âm thanh náo loạn trong cuộc sống nơi Trái Đất trước khi chúng ta tái tạo được những bản giao hưởng của Quê nhà. Mô hình này đã trở nên khá rõ ràng với tôi khi tôi tiến hành nghiên cứu cho cuốn sách này. Tôi gọi những thiết kế cuộc sống này là kế hoạch “học-tập-thôngqua-các-cực”.

Ví dụ, một linh hồn có lòng trắc ẩn sâu sắc muốn biết về chính mình ở dạng lòng trắc ẩn có thể chọn giáng sinh vào một gia đình có rất nhiều vấn đề. Khi bị đối xử một cách thiếu nhân ái, cô sẽ trân trọng lòng trắc ẩn một cách sâu sắc hơn.

Chính sự thiếu vắng một điều gì đó sẽ dạy ta tốt nhất về giá trị và ý nghĩa của nó. Một sự thiếu vắng lòng trắc ẩn từ thế giới bên ngoài sẽ buộc cô hướng vào bên trong, nơi cô nhớ ra lòng trắc ẩn của chính mình. Sự tương phản giữa việc thiếu đi lòng trắc ẩn ở thế giới vật lý và lòng trắc ẩn nội tại của cô trao cho cô một sự thấu hiểu về lòng trắc ẩn và, do đó, về bản thân cô. Từ góc độ của tâm hồn, nỗi đau vốn có trong quá trình học tập này là tạm thời và ngắn ngủi, nhưng sự khôn ngoan nhận được là vĩnh cửu theo đúng nghĩa đen. Có một khía cạnh của việc học tập thông qua các mặt đối lập trong mỗi câu chuyện trong cuốn sách này.

Nhớ lại bản chất thực sự của chúng ta – những linh hồn hùng tráng, siêu việt, vĩnh cửu – là một cách để vượt qua những thử thách cuộc đời của chúng ta. Ví dụ, những người tự định nghĩa bản thân bằng cơ thể của họ sẽ cảm thấy nỗi đau đớn rất lớn nếu cơ thể của họ bị tổn thương nghiêm trọng. Những người khác cũng phải chịu đựng sự tổn thương thể xác tương tự nhưng định danh bản thân bằng linh hồn mình sẽ trải nghiệm ít đau đớn hơn rất nhiều. Bởi những thử thách kêu gọi ta nhớ lại bản thân mình như là những linh hồn, chính sự kiện vốn gây ra nỗi đau đớn của ta cuối cùng sẽ lại làm nhẹ đi nỗi đau ấy. Sự mở rộng khái niệm về bản thân, từ thân-thểmang-nhân-cách tới linh hồn có thể có hoặc không làm giảm bớt nỗi đau của ta, nhưng chắc chắn nó sẽ xoa dịu cảm giác của ta khi chịu đựng những đau đớn ấy. Sự tỉnh thức ấy vừa là một mục đích vừa là một lợi ích sâu xa của những thử thách trong cuộc sống. Nó làm sống lại niềm đam mê của ta dành cho cuộc sống, niềm đam mê ta đã từng cảm thấy trước khi giáng sinh. Đó là, đơn giản thôi, nguyên nhân để hân hoan vui sướng.

Khi ta tỉnh thức hay đáp lại một cách tích cực theo cách khác cho những thử thách cuộc sống của mình, ta tạo ra một “con đường năng lượng” sẽ khiến người khác dễ dàng đối phó với – và được chữa lành từ – những thử thách của họ hơn. Những câu chuyện trong cuốn sách này gợi ra rằng từng người trong chúng ta có một ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều so với hiểu biết của chúng ta. Khả năng tác động mạnh mẽ tới thế giới của chúng ta vừa là một cơ hội tuyệt vời vừa là một trách nhiệm vĩ đại.

Từng người trong chúng ta là một hạt giống được gieo xuống giữa những rung động trong thế giới này. Khi ta nâng cao chính những tần số của mình thông qua sự trưởng thành có được từ những thử thách cuộc sống, ta cũng nâng cao tần số của thế giới từ bên trong. Như một giọt thuốc nhuộm đơn lẻ đổ xuống một cốc nước, mỗi người đều làm màu sắc chung khác đi một chút. Khi ta tạo ra những cảm xúc của niềm vui, ngay cả nếu ta làm việc ấy khi sống một mình trên đỉnh núi, ta cũng phát ra một tần số khiến mọi người khác có thể dễ dàng cảm thấy niềm vui hơn. Khi ta tạo ra những cảm xúc của hòa bình, ta dội lên một năng lượng có thể giúp kết thúc chiến tranh. Khi ta yêu thương, ta khiến người khác, cả người ta từng gặp lẫn những người chưa từng biết ta là ai, dễ dàng yêu thương hơn. Vì vậy, việc ta là ai có ý nghĩa hơn bất cứ hành động nào ta từng có.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *