* Đối tượng đọc quyển sách này:
– Những ai muốn nâng cao chất lượng cuộc sống, công việc, giải trí
– Những ai yêu thích sự sáng tạo
– Những người yêu trẻ nhỏ
– Những người đã, đang và sẽ làm bố mẹ
– Những ai yêu thích giáo dục theo phương pháp hiện đại, văn minh, lịch sự
– Tất cả mọi lứa tuổi: trẻ con, thanh thiếu niên, người trưởng thành…đều thích hợp đọc quyển sách này.
– Những người thích tiểu thuyết
– Giải trí
– Thư giãn
* Nội dung:
Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn Việt Nam chuyên viết cho tuổi mới lớn. Ông có rất rất nhiều các tác phẩm nổi tiếng ở các thể loại như bộ truyện, truyện dài, truyện ngắn, thơ, tạp văn. Các tác phẩm tiêu biểu như: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Kính vạn hoa, Chuyện xứ Lang Biang, Bàn có năm chỗ ngồi, Cô gái đến từ hôm qua, Phòng trọ ba người, Thằng quỷ nhỏ, Bồ câu không đưa thư, Tôi là Bêtô, Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng…Rất nhiều trong số đó đã được chuyển thể thành phim.
“Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” là tác phẩm viết với đặc trưng thể loại văn học dành cho bạn đọc nhí, giọng văn trong sáng nhẹ nhàng, lối kể chuyện hồn nhiên, hóm hỉnh, cùng cách xây dựng nhân vật cũng như tình tiết truyện hết sức gần gũi tự nhiên. Cuốn sách kể về câu chuyện của bốn bạn nhỏ Mùi, Tủn, Tí Sún và Hải Cò. Mở đầu bằng câu cảm thán của cậu bé 8 tuổi nhưng tâm hồn lại chẳng khác gì ông cụ non: “Một ngày tôi thấy cuộc sống thật là buồn chán và tẻ nhạt”. Vào một buổi sáng cu Mùi lười biếng vùi mình vào giấc ngủ, còn mẹ cậu lại tìm mọi cách đánh thức cậu con trai. Cu Mùi uể oải khi nghĩ đến một ngày dài với những sự việc nhàm chán lặp đi lặp lại. Cậu bé tinh nghịch của chúng ta cùng với nhóm bạn đã nảy ra ý tưởng thay đổi cuộc sống tẻ nhạt xung quanh mình. Và cũng từ đó, những trò nghịch ngợm của đám trẻ con đã tạo nên những tình huống khôi hài mang lại tiếng cười cho độc giả. Dù trí tưởng tượng của bạn phong phú ra sao, có lẽ bạn vẫn không thể nào hình dung ra được, khi đám trẻ con gọi cuốn tập là cái chân, gọi chó là bàn ủi, cái miệng là cánh tay, nói đi chợ thay cho đi ngủ, cái giếng thay cho cái cặp. Trong thế giới tưởng tượng ấy, các cô bé cậu bé tinh nghịch nghiễm nhiên trở thành nhân vật mà mình ao ước muốn trở thành. Mùi làm hiệu trưởng, Tủn là tiếp viên hàng không, Tí Sún là Bạch Tuyết, còn Hải Cò làm cảnh sát trưởng. Không chỉ muốn thay đổi bản thân, nhóm bạn còn muốn xoay chuyển nền giáo dục khi sáng tạo ra bảng cửu chương mới. Rằng 2 nhân 2 nhất định phải bằng 8 chứ không phải là 4 như thường lệ.
Cuốn sách như thước phim quay chậm khiến người đọc tìm về kí ức tuổi ấu thơ. Với những kỉ niệm trong veo và đôi khi là những trò nghịch dại. Có lẽ, ai trong chúng ta cũng từng giống như Hải Cò, như Tí Sún, luôn nuôi ý nghĩ sẽ tìm ra kho báu đến mức đào xới tung cả khu vườn. Ai trong chúng ta cũng từng có những “mối tình” ngốc nghếch vô tư như Mùi và Tủn. Nhưng sau những tràng cười sảng khoái vì sự ngây ngô, hồn nhiên của trẻ nhỏ. Chúng ta lại không tránh khỏi đôi phút chạnh lòng khi bốn đứa trẻ mở ra phiên toà phán xét lỗi lầm từ người lớn. Tí Sún kể tội ba hay nhậu nhẹt, uống rượu say đến mức tông xe vào cột điện, cô bé đã rưng rưng nước mắt khi nghĩ đến cảnh tượng phải làm trẻ mồ côi. Cu Mùi lại trách móc ba mẹ luôn cho bản thân là đúng và tài giỏi, để rồi ép buộc con cái phải làm theo ý muốn của mình. Đọc đến những dòng chữ này, có lẽ rất nhiều bậc phụ huynh phải giật mình tự hỏi, rằng cách giáo dục con cái của họ đã đúng đắn hay chưa? Rằng họ đã thực sự lắng nghe tâm tư nguyện vọng của con, hay vẫn luôn nghĩ rằng trẻ thơ chỉ cần lớn lên theo hành trình ba mẹ đã đo đếm sẵn. Cuốn sách chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh, cũng như lời thủ thỉ những đứa con muốn nhắn gửi đến ba mẹ của mình, rằng không phải đứa trẻ nào cũng thông minh kiệt xuất để trở thành vĩ nhân, nhưng hãy lắng nghe con và để con được lớn lên với tuổi thơ trong veo đong đầy kỉ niệm.
Một câu chuyện nhỏ trong cuốn sách nhưng lại là chi tiết lấy đi nhiều nước mắt từ độc giả, có lẽ là khi nhà văn Nguyễn Nhật Ánh kể về trại chó hoang. Ai trong chúng ta thuở ấu thơ cũng từng có những người bạn bốn chân thân thiết. Và Cu Mùi, Tủn, Tí Sún, Hải Cò cũng không phải là ngoại lệ. Bốn bạn nhỏ đã nhận nuôi những chú chó con đi lạc, nhịn ăn nhịn mặc để chăm sóc chúng, lại còn vất vả kì công làm huấn luyện viên. Ngôi nhà của Tí Sún trở thành “đại bản doanh” để nuôi nấng đàn chó cưng của cả nhóm. Những đứa trẻ đã vô cùng cảm kích vì sự rộng lượng của ba Tí Sún, ông ta không hề la mắng khi thấy đám trẻ mang theo cả bầy chó hoang nheo nhóc về nhà. Nhưng mãi sau này, chúng mới đau đớn nhận ra, sự dễ tính của ba Tí Sún hoàn toàn có lý do và mục đích. Đến một ngày, bốn bạn nhỏ ngơ ngác không hiểu vì sao, những chú chó cưng cứ dần biến mất một cách lạ lùng. Ban đầu, cả nhóm vẫn cất công đi tìm kiếm, cho đến khi nhìn thấy cảnh tượng, những người bạn bốn chân mà chúng yêu thuơng nhất đang trở thành miếng mồi béo bổ trên bàn nhậu của các bậc phụ huynh. Với người lớn, thịt chó đơn thuần chỉ là món ăn, nhưng với trẻ thơ những chú cún cưng chính là người bạn vô cùng thân thiết. Giết đi tình bạn của con mình, tước đi niềm vui từ trẻ nhỏ, đó không phải là hành động nhẫn tâm và độc ác hay sao? Xuyên suốt nội dung cuốn sách này, chúng ta đã được cười, được khóc. Ta được trở về với thế giới tuổi thơ hồn nhiên tinh nghịch, cũng có những phút suy tư lắng đọng tự vấn chính mình. Cuối cùng, là sự tiếc nuối khi đã cách quá xa sân ga tuổi nhỏ. Nhưng cuốn sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chính là niềm an ủi, là tấm vé để ai trong chúng ta cũng có cơ hội được quay về. Quay về, để hiểu được trẻ con trước khi học cách làm người lớn. Quay về để chìm đắm trong dòng sông trong trẻo của tuổi thơ, để gột rửa đi nỗi mệt nhoài khi thế giới của sự trưởng thành có quá nhiều tính toan vụ lợi.
Hy vọng mỗi độc giả sẽ tìm lại được tuổi thơ của mình trong câu chuyện này.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.