Bất kể bạn đang làm gì, phát triển kỹ năng ứng xử sẽ giúp bạn phát huy hết tiềm năng của mình.
Ứng xử hay giao tiếp là điều cần thiết trong kinh doanh, môi trường làm việc và trong cuộc sống cá nhân, nó giúp bạn truyền tải thông điệp của mình một cách khôn ngoan và nhân văn hơn, đồng thời trở thành một con người văn minh, hòa đồng.
Sau đây là những cuốn sách được lựa chọn để giúp bạn nâng cao khả năng ứng xử của mình trong cuộc sống.
1 – Nghệ Thuật Đối Nhân Xử Thế – Romeo Rodriguez Jr
Làm thế nào để khiến những người cứng đầu nghe theo ý của mình? Phải làm sao để xoa dịu một người đang nóng giận mất kiểm soát? Có cách nào khéo léo để từ chối những lời mời dai dẳng không? Hoặc… phải làm sao để làm hòa sau khi cãi nhau với người yêu? Đã sống thì không thể tránh khỏi việc gặp những trở ngại trong các mối quan hệ giữa người với người như thế. Nhưng liệu bạn có chấp nhận mãi mãi vướng vào các rắc rối đó không?
Thông qua việc hiểu rõ tâm lý phức tạp của con người, ta có thể hiểu được đối phương đang nghĩ gì, qua đó có thể khiến họ hành động theo ý của ta để mọi chuyện trở nên tốt đẹp. Không phải sẽ rất tuyệt vời nếu bạn thành thạo kỹ năng này hay sao? Và bạn hoàn toàn có thể làm được, nếu tìm đọc những kỹ thuật xử trí mối quan hệ được giới thiệu trong cuốn “Nghệ thuật đối nhân xử thế”.
Những kỹ thuật tâm lý trong cuốn sách đều được diễn giải dễ hiểu. Rất nhiều tình huống thường gặp trong cuộc sống được đưa vào sách để làm ví dụ cụ thể. Qua đó, độc giả có thể nhanh chóng áp dụng những kỹ thuật tâm lý có trong sách vào từng hoàn cảnh nhất định.
Tuy nhiên, những kỹ thuật này giống như con dao hai lưỡi – có thể được sử dụng với những mong muốn tốt đẹp nhưng cũng có thể trở nên nguy hiểm nếu người sử dụng có ý đồ xấu. Đừng bao giờ quên sử dụng những kỹ thuật tâm lý trên cơ sở thiện lương. Bởi chắc chắn, “Nghệ thuật đối nhân xử thế” khi được dùng đúng mục đích sẽ làm cho bản thân bạn và những người xung quanh luôn luôn hạnh phúc.
2 – Omoiyari – Nghệ Thuật Đối Nhân Xử Thế Của Người Nhật – Erin Niimi Longhurst
Cuộc đời bạn đôi khi thật khó khăn. Đôi khi việc giao tiếp với ai đó khiến bạn mệt mỏi biết mấy. Đôi khi có những tình huống rối ren bạn không biết phải làm sao để xử trí. Đôi khi bạn không biết cách để bày tỏ tấm lòng mình và nói ra hết những yêu thương này.
Nhưng thực ra thì, tất cả mọi thứ đều sẽ dễ dàng hơn nhiều khi bạn quan tâm tới người khác, đặt mình vào hoàn cảnh và nhìn từ góc độ của họ, sau đó hành xử sao cho họ cảm thấy dễ chịu và hạnh phúc. Và đó chính là omoiyari – cốt lõi trong nghệ thuật đối nhân xử thế của người Nhật.
“Thế giới này đôi khi chỉ cần một chút ân cần của bạn!”
3 – Thuật Nói Chuyện Hằng Ngày – Hoàng Xuân Việt
Cuốn sách giúp người đọc hiểu rộng hơn về nghệ thuật nói chuyện, đặc biệt là những đức tính cần có, cần được rèn luyện để thành người có nhân cách, có sức thuyết phục trong việc nói chuyện, giao tiếp hằng ngày. Khi giao tiếp đừng có giọng “thầy đời”, đừng kiểu cách, đừng nhạo báng, đừng nói nghịch, đừng hấp tấp, đừng ham cãi lộn… mà phải nói ít, biết nghe, biết khen, biết hòa hoãn, luôn thành thực…
Cuốn sách nằm trong Tủ sách Học làm người của học giả Hoàng Xuân Việt. Ông từng đảm nhiệm vị trí hiệu trưởng của Trường Nhân Xã Học Làm người (1966-1975), Trường Hán Nôm Học Làm Người Nguyễn Trãi (1993-2001), và là tác giả của hơn 300 đầu sách trong nhiều lĩnh vực, nổi bật là sách học làm người.
Trích dẫn:
– Trong xã hội, thứ người hay nói về hạnh phúc của mình trước mặt kẻ khốn khổ quả nhiều như lá rừng. Rất có thể, họ là những bậc “thánh sống”, những vị lão thành, những biển kiến thức, nhưng họ phải cái tật là không biết dùng lương tri của mình trong câu chuyện. Họ hay buột miệng buông nhiều tiếng không hợp với người nghe, khiến kẻ khác phải ngượng nghịu, mắc cỡ, khổ tâm. Người chạm tự ái kẻ khác, không những bằng lời nói của mình, mà còn bằng những nét cười, những điệu bộ đi theo lời nói đó.
– Muốn được nhiều bạn, muốn trở thành người nói chuyện gương mẫu, xin bạn nhớ kỹ tâm lý này. Là phần đông con người thích nói chuyện để giải trí. Người ta muốn câu chuyện được thay đổi, để có nhiều thú vị như con chim nhảy nhót trên cành có bông trái. Người làm “sư”, lo “dạy” kẻ khác về một vấn đề, thì có khác gì nhốt người ta vào tù. Vẫn hiểu, khi trò chuyện, người ta cũng hay bàn những vấn đề chuyên môn, nhưng chỉ bàn qua rồi thôi. Giá phải bàn luận chu đáo, thì vào trường học hay những học hội, chớ không phải lúc đàm thoại giải trí mà cứ nhai mãi những vấn đề như búa bổ. Hơn nữa, người hay làm sư cũng không có lý để “dạy” thiên hạ, khi mà phần nhiều người nghe, không được chuẩn bị đủ để hiểu những vấn đề chuyên môn. Dù họ có nói khéo đến đâu, kẻ nghe, phần đông nếu không như vịt nghe sấm, thì cũng bụm miệng ngá Một tâm lý nữa của người nói chuyện là muốn kẻ khác nghe mình. Người làm sư dốt về tâm lý này. Họ cướp lời kẻ khác, không cho ai trình bày ý kiến, thổ lộ tâm tình, tức nhiên họ bị người ta đối xử một cách lãnh đạm.
– Chúng tôi tin tưởng, bạn là người biết tự trọng, không bao giờ thích dùng ba tấc lưỡi hầu mua thù chuốc hận cho mình. Nhưng thưa bạn! Trong cuộc sống, bạn không làm sao tránh khỏi những ngón lưỡi nhạo báng bạn. Bạn phải đối với nó ra sao? Trả đũa à! Không. Bạn phải coi những kẻ tiểu nhân ngạo nghễ bạn, là những trường hợp để cho bạn luyện chí khí. Bạn tự nói: “À? Giá tôi có những khuyết điểm như bao kẻ khác ngạo nghễ thì rồi sao nữa. Tôi lãnh trách nhiệm về lỗi lầm của tôi đó. Rồi sao nữa. Tôi đáng cười ngạo đó. Rồi sao nữa.” Thường người ta đau xót khi bị nhạo báng, chỉ vì thiếu tinh thần, quá tự ti và sợ dư luận. Bạn can đảm lãnh hết những búa rìu của dư luận, thì bạn sẽ thấy mình anh hùng. Thái độ quân tử của bạn, một mặt giúp bạn có nhân cách đáng phục, mặt khác gieo cho kẻ khác cảm tưởng rằng, bạn là con người biết nhẫn nhịn, vui tánh, dễ giao tiếp. Dĩ nhiên đối với kẻ nhạo báng bạn, bạn không làm mích lòng họ. Hy vọng sau nhiều lần nhạo báng bạn, họ sẽ hối hận.
4 – Thuật Nói Chuyện – Tô Minh
Để thành công trong cuộc sống, bạn cần rất nhiều thứ: mục tiêu đúng đắn, ý chí mạnh mẽ, năng lực chuyên môn… nhưng không thể thiếu một công cụ vô cùng hữu hiệu có thể giúp bạn vượt qua những trở ngại khi giao tiếp và xử lý các mối quan hệ xã hội, đó là thuật nói chuyện.
Con người là một thực thể xã hội. Chúng ta sống trong cộng đồng và mọi thành công hay thất bại của chúng ta cũng khởi đầu và kết thúc trong đời sống cộng đồng, do đó, nghệ thuật giao tế có vai trò hết sức quan trọng đối với sự nghiệp cũng như hạnh phúc của bất kỳ ai. Bạn có thể thành công nhờ những phẩm chất ưu tú cá nhân, nhưng cũng có thể thất bại chỉ vì không biết làm cách nào để những phẩm chất ấy tỏa sáng trong đời sống hàng ngày.
THUẬT NÓI CHUYỆN sẽ giúp bạn khắc phục trở ngại đó, hơn nữa, còn gia tăng gấp bội những ảnh hưởng tốt đẹp của bạn trong vùng cộng hưởng của truyền thông. Mọi bí quyết để bạn thành công đều có trong cuốn sách này.
5 – Cái Dũng Của Thánh Nhân – Thu Giang Nguyễn Duy Cần
Cái Dũng Của Thánh Nhân của tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần đề cập đến cách ứng xử của con người trong xã hội và các phương pháp tu dưỡng để đạt đến một tinh thần điềm đạm, an nhiên trước mọi hoàn cảnh khó khăn sóng gió của cuộc đời.
6 – Thuật Xử Thế Của Người Xưa – Thu Giang Nguyễn Duy Cần
Thuật xử thế của người xưa thông qua những điển tích Trung Hoa để rút ra những bài học uyên thâm và đầy ngụ ý, nhằm hướng người đọc đến những giá trị chân thiện mỹ, góp phần giáo dục đạo đức lối sống của thanh niên.
Trong xã hội hiện đại, con người mải mê chạy theo những giá trị vật chất mà bỏ quên mất việc tu dưỡng đạo đức, lối sống. Xã hội càng phát triển bao nhiêu thì đạo đức xã hội lại càng băng hoại đi bấy nhiêu. Vì vậy, những câu chuyện trong Thuật xử thế của người xưa tuy đã trải qua hàng vạn năm nhưng vẫn còn vẹn nguyên giá trị đức dục. Cuốn sách góp phần định hướng người đọc đến các giá trị chân thiện mỹ trong cuộc sống.