CON NGƯỜI BẤT TOÀN: Xấu hổ vì sự hèn yếu bạc nhược của mình, chúng ta có thể thực sự trở nên mạnh mẽ nhờ tôi rèn

CON NGƯỜI BẤT TOÀN

Xấu hổ vì sự hèn yếu bạc nhược của mình, chúng ta có thể thực sự trở nên mạnh mẽ nhờ tôi rèn

.

.

.

👁 Khát khao hoàn hảo che đậy cho sự yếu đuối bạc nhược

Con người luôn có một khao khát mãnh liệt: Trở thành “Con người hoàn hảo”. Bất kì cá nhân nào chứng minh mình hoàn hảo trước người khác đều nhận được sự đánh giá cao từ những người xung quanh. Chúng ta cũng ngạc nhiên và ngưỡng mộ trước những cá nhân có một ý chí đáng gờm, kiên định và không hề dao động trong việc thực hiện mục tiêu đã định

Đó là khát khao xuất phát từ căn bệnh của thời đại chúng ta: sự suy giảm ý chí

Một số người có thể cho rằng xã hội hiện đại đã tạo ra những người mang ý chí mạnh mẽ. Tuy nhiên, trạng thái mạnh mẽ nhất đôi khi cũng không chứng tỏ được điều gì. Khao khát thực hiện những điều tuyệt vời, hay kết quả của những việc làm xuất chúng, những thành công chói sáng hay vinh quang tuyệt đỉnh… xét cho cùng chỉ là những trạng thái nhất thời

Về cơ bản, con người không hoàn hảo. Con-người-bất toàn mới là sự tồn tại chân thực của chúng ta. Một họa sĩ nửa vời. Một thương nhân tầm tầm. Một gã công chức ôm ấp ước mơ làm tự do. Những kẻ vô thần tỏ ra đạo đức. Những kẻ thô tục làm dáng lãng tử… Con người bất toàn đầy rẫy trong xã hội

Wernicke, nhà tâm thần học người Đức, là người đầu tiên đề cập đến “nhân cách phân li”. Những người mắc chứng này xuất hiện với nhiều nhân cách khác nhau và thể hiện những quan điểm khác biệt. Nghe thì mâu thuẫn nhưng lại hoàn toàn chân thực. Mỗi nhân cách mang một phần của cái Tôi và biểu hiện nó tại chính thời điểm đó

Tôi sẽ giải thích bằng một ví dụ rất thực tế từ cuộc sống:

Một người trong cuộc sống luôn làm tốt mọi việc, có một vị trí cao trong xã hội, một mức lương tốt và một cô bạn gái đúng như mong đợi. Cho đến giờ, anh đã chống lại mọi cám dỗ. Dù anh gặp những phụ nữ xinh đẹp nhường nào, cũng không ai có thể trở thành mối nguy hại cho anh. Anh giờ đã bước sang tuổi bốn mươi và cảm thấy mình phải đưa ra một quyết định nếu không muốn bỏ lỡ mối quan hệ tốt như vậy. Nhưng anh liên tục rơi vào mối hoài nghi. Anh tự vấn mình nhiều lần rằng: “Mình có yêu cô ấy không nhỉ?”

Riêng câu hỏi này đã chứa đầy vấn đề trong chính bản thân anh

Một người đang yêu không đặt câu hỏi đó, bởi họ biết và cảm nhận được tình yêu. Còn ở đây, anh rơi vào thế giằng co

Nếu anh tin rằng mình không yêu cô ấy và quyết định chia tay, lúc ấy anh sẽ cảm thấy bồn chồn, rồi rơi vào trạng thái tuyệt vọng

Nhưng nếu anh thực sự yêu và chưa bao giờ nghĩ sẽ để mất cô ấy thì sao? Không, vậy thì anh sẽ không thể chia tay. Anh sẽ đến và cầu hôn cô ấy

Ngay khi đến trước cửa nhà cô ấy, anh thấy bàn chân cô ấy quá to. Anh cứ ám ảnh mãi về điều đó. Lẽ ra chân phụ nữ không nên to chứ nhỉ? (Sự thực thì chúng có thể không quá to, nhưng anh tự cho là vậy). Anh liền nói với cô gái ấy rằng anh không hề yêu cô, cô không đáp ứng hình mẫu lí tưởng trong mong ước của anh

Trên đường về nhà, anh luôn thấy hối hận. Tại sao anh lại có thể tàn nhẫn như vậy? Ngay lập tức anh viết một lá thư cho cô bạn gái và nhắn rằng những lời anh nói không hề nghiêm túc, rằng đó là những lời vô nghĩa và anh muốn nói chuyện lại với cô…

Hành động này tiếp diễn trong một thời gian dài, và anh không thể đưa ra quyết định dứt khoát. Đây chính là cách con-người-bất-toàn trong chúng ta vẫn làm: Luôn hoài nghi và chẳng tin vào ngay cả chính mình

Con người ai cũng có những xáo trộn và mối hoài nghi như vậy. Có người có thể vượt qua chúng và đưa ra quyết định, còn có người thì không. Chẳng hạn như người đàn ông trên, một phần trong anh thôi thúc anh tiến đến với người phụ nữ kia, một đằng phần sợ hãi trong anh kéo anh lại. Khi ấy hôn nhân hay sự ràng buộc đối với anh ta chẳng có ý nghĩa gì nữa cả. Ở anh ta có sự phân li trong tâm lí. Triệu chứng ấy được gọi là tính cách nhu nhược, và như vậy thì nó không đáng tin cậy. Sự yếu nhược của ý chí được coi như một sự nhu nhược trong tính cách. Những người hay lo lắng càng dễ rơi vào trạng thái này

Nhưng chúng ta vẫn thường hiểu nhầm về sự nhu nhược và sự mạnh mẽ

Nhiều người bị quy chụp là nhu nhược bởi anh ta dám dũng cảm nhìn vào lỗi lầm của bản thân và học hỏi từ nó, quyết liệt thay đổi quan điểm của mình, đồng thời xây dựng một quan điểm mới dù anh ta biết mình sẽ bị lên án vì hành động này

Những người khăng khăng giữ chặt quan điểm của mình bởi hèn nhát không dám đổi thay, bởi cái Tôi ngoan cố trẻ con lại được cho là mạnh mẽ

Sự mạnh mẽ cần đến sự dũng cảm và nhận thức đủ để lắng nghe thôi thúc từ ý chí bên trong

.

👁 Chỉ là đang thiếu dũng khí đối diện với chính mình

Câu nói của Rabelais “Hãy làm theo ý chí” thực ra chỉ dành cho những người biết những gì họ muốn. Những người đau khổ vì ý chí bạc nhược chẳng biết mình muốn gì. Sự bạc nhược ấy có thể lên đến mức cực điểm thành trạng thái loạn thần kinh. Hãy theo dõi ví dụ sau:

Một phụ nữ lười biếng nằm dài trên giường và than vãn rằng cô cần động lực. Cô không thể thức dậy được. Ra khỏi giường với cô giống như một cực hình. Tiếp đó cô muốn tắm gội và chải tóc. Cô buộc phải làm tất cả những việc này, nhưng với cô mà nói đều là nhiệm vụ khó khăn. Cô cần rất nhiều thời gian để làm hết đống việc. Cuối cùng, cô cũng có thể hoàn thành mọi việc, dù luôn miệng càu nhàu rên rỉ

Nhưng với mỗi một việc mới đến, đòi hỏi động lực, cô ấy lại phải đối mặt với một khó khăn mới. Nỗ lực ý chí để làm những việc này đối với cô ấy dường như là một điều cực kì vĩ đại. Điều gì sẽ xảy ra nếu cô ấy phải đối mặt với một việc gì đó lớn hơn như tìm nhà mới hay đổi người làm? Trong trường hợp đó, những người khác phải làm thay cho cô, trong khi cô ấy bải hoải lờ đờ

Đằng sau trạng thái ý chí yếu nhược1 này là một mong cầu bị đè nén. Cô ấy không có được cảm giác hạnh phúc trong hôn nhân, cô ấy muốn rời bỏ người chồng của mình, về với cha mẹ. Cô ấy biết rằng điều đó sẽ khiến mẹ mình đau lòng. Bà ấy đặc biệt tự hào về chàng rể của mình, hơn nữa bà ấy đang bị bệnh. Cô không biết làm cách nào để thoát khỏi tình huống khó xử này. Cô không thể hành động một cách lí trí để bước một bước quan trọng trong đời mình. Một câu hỏi khủng khiếp

“Mọi người sẽ nói gì về chuyện đó?” đã ngăn cô ấy thực hiện mong muốn kia. Cô ấy không thể làm theo lí trí của mình, hệ quả là cô đánh mất ý chí. Thất bại trong việc đưa ra quyết định, có nghĩa là cô ấy từ bỏ quyền lựa chọn tự do và hạnh phúc của mình, thì tất cả những hành động khác sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa

Còn điều gì có thể khiến cô ấy quan tâm hơn một câu hỏi lớn duy nhất về cuộc đời mình? Tâm trí của cô tràn ngập câu hỏi này, và câu trả lời vọng lại: “Mình không thể làm được!” Dù làm hay không làm gì, cô ấy đều thấy bóng dáng của lời khẳng định kinh khủng đấy. Trong đó bao chứa mọi bi kịch cuộc đời cô ấy

“Tôi không thể làm được!” Con người vốn bất toàn vậy đấy. Một mặt khát khao tự do và độc lập, cười nhạo thế giới và những điều dung tục. Mặt kia lại bám lấy những thành kiến đạo đức đã được nhồi nhét, kiến tạo ngay từ khi còn nhỏ. Nhân cách thứ hai này trở nên mạnh mẽ hơn và nó lấn át nhân cách thứ nhất. Trong khi đó nhân cách thứ nhất kia quay lại “trả thù” cô và khiến cô rơi vào tình trạng bạc nhược

Ý chí chính là trọng tâm của cuộc sống. Cô gái kia đã thiếu mất một nhân tố tiên quyết, có sức nặng mang tính quyết định đến cuộc sống của cô ấy. Cô ấy thiếu mất: Dũng khí đối diện với chính mình

.

Cuộc đời này chẳng có ai là hoàn hảo. Con-người-bất-toàn mới là sự tồn tại chân thực của chúng ta

Con người ai cũng có những xáo trộn, những mối hoài nghi và thậm chí chẳng có niềm tin với chính mình. Có người có thể vượt qua chúng và đưa ra quyết định. Có người thì không, bởi sự hèn nhát không dám đổi thay, bởi cái Tôi ngoan cố trẻ con lại được cho là mạnh mẽ

Ý chí chính là trọng tâm của cuộc sống và được biểu hiện bằng dũng khí đối diện với chính mình, là điều kiện tiên quyết để trở thành con-người-toàn-hiện

Ngừng phán xét, ngừng dằn vặt, chúng ta mới bắt đầu thật sự hiểu mình, chúng ta mới có thể trở thành con người mà mình muốn trở thành – một con người cao thượng, có phẩm giá

Đừng giằng xé vì cô độc, hãy cùng nhau làm điều gì đó đẹp đẽ.

Đừng xấu hổ vì sự hèn yếu, bạc nhược, hãy thực sự trở nên mạnh mẽ, ý chí nhờ tôi rèn

Đừng sợ hãi, đừng mù quáng, hãy trở nên thấu biết, trí tuệ!

.

Trích CÁI TÔI ĐƯỢC YÊU THƯƠNG – M.D. WILHELM STEKEL (Nhà tâm thần học & Bác sĩ trị liệu; bản dịch của Lam Anh (OOPSY Team)

– OOPSY – Cộng đồng dành cho những người đam mê tâm lí học và tâm lí trị liệu –  

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *