Không có những bài học lãng mạn hay giáo điều. “Để yên cho bác sĩ “hiền”” đơn thuần là thuật lại những gì thực tế và đau đớn, nhàu nhĩ chứ không hề trau chuốt, từ một góc nhìn bên trong nghề Y.
Tác phẩm gồm 4 chương tản mạn về chuyện nghiệp, chuyện nghề, chuyện đời, chuyện tôi của bác sĩ Ngô Đức Hùng. Đó là cả một quá trình từ cậu học trò đam mê vẽ vời với ý định đi theo khối A vào Kiến trúc hoặc Mỹ thuật, rồi theo nguyện vọng gia đình chuyển sang khối B và học hì hục như một thằng điên, tổng cộng 22 năm hết thảy mài đít trên ghế nhà trường, đến những năm làm việc cũng như giảng dạy với vai trò là bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu.
Anh dùng thái độ bàng quan để nói về những sự việc đầy chua xót trong nghề, từ chàng sinh viên Y khoa ngây ngô đầy nhiệt huyết đã bị hiện thực và đời sống vả bôm bốp vào mặt… Đến hiện tại anh đã đạt tới cảnh ngộ bình thản chấp nhận và chăm chỉ làm tốt phần việc của mình, tự xem mình là zombie hay đười ươi chân nhân, bị đời quật ngã thì đứng dậy, mặt nhăn như khỉ mà vẫn phải phủi mông tiếp tục chiến đấu.
Cuốn sách có nhiều trang viết về bản thân và gia đình anh, về những ảnh hưởng của nghề Y và đời sống cá nhân. Trong đó có chuyện kể về việc bố anh nhập viện vì viêm ruột thừa, để muộn quá nên bị xịt một ít mủ vào ổ bụng, có chỉ định mổ cấp cứu. Mọi người ở quê nháo nhào gọi điện thoại cho ông con giai – lúc đó đang mải mê đứng lớp tại trường mà bỏ quên điện thoại ở khoa, trong tình trạng tắt chuông. Đến khi biết chuyện, lòng như lửa đốt nhưng phải cố lấy giọng bình thường để mọi người bớt lo, làm chuyên môn bao nhiêu năm đủ để anh hiểu ở tuổi của bố mình chuyện gì cũng có thể xảy ra. Anh chọn tin tưởng vào đồng nghiệp ở tỉnh. Xoay sở mọi việc mà vẫn không dám nói với bố câu nào, vì sợ đối diện với ông, chưa nói được tròn câu đã trào nước mắt.
Bác sĩ cũng là người, cũng ăn cơm chứ không hít thở suông mà sống, cũng có gia đình, cũng có nhiều mối quan tâm… nhưng vì công việc, bác sĩ toàn phải đi phục vụ thiên hạ, nhiều khi người thân bệnh cũng chẳng thể ở cạnh bên. Lúc nhà nhà đông đủ vui Tết bên mâm cổ đầy, khi mùa xuân ưỡn ẹo một cách truyền thống ngoài cửa sổ, thì bác sĩ tất bật với những tua trực kéo dài không ngớt đến quên cả cái bụng đói, mùa Tết – mùa bệnh nhân vào viện cũng nhiều như đi trẩy hội.
Tác phẩm không chỉ là kể chuyện đời chuyện nghề của bác sĩ, mà còn phản ánh lại một xã hội đang dần đánh mất khả năng lắng nghe – khi mà ai cũng có quyền được nói và nhao nhao lên nói nhờ sức mạnh của mạng xã hội, được tiếp tay bởi báo chí câu view. Cái xã hội mà nhiều bệnh nhân coi bác sĩ như osin, không vừa ý là dọa kiện. Cái xã hội mà có những nhà báo mỗi khi có dịp chữa bệnh hoặc đưa người thân vào viện là coi bác sĩ như lính quèn, đòi được ưu tiên chứ không sẽ đi viết bài bêu xấu. Sức mạnh của báo lá cải cho họ những cái lý hết sức vô duyên để đe dọa và làm nhục nhân viên y tế.
Cuốn sách cho người đọc những giờ phút được sống chậm lại một chút và lắng nghe nhiều hơn một chút, một cách cẩn trọng và trân trọng, để thấu hiểu được những nỗ lực của các y – bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ hồi sức cấp cứu, những con người đang từng giây từng phút chiến đấu với Thần Chết để giành giật sự sống cho bệnh nhân.
(Theo Duyên)