Nguyên tắc 1: Tin vào sự đơn giản sẽ khiến bạn hạnh phúc hơn
Bạn có thường xuyên làm những điều này không?
Thỉnh thoảng, khi tâm trạng rối bời, bạn sẽ vứt bỏ đi rất nhiều thứ xung quanh. Bạn xóa sạch hàng hóa đã chọn trong giỏ. Bạn dọn dẹp lại nhà cửa cho gọn gàng ngăn nắp. Nhưng chẳng bao lâu sau, tất cả mọi thứ lại quay về trạng thái ban đầu.
Mọi hành động của chúng ta luôn tuân theo những mong muốn thực sự trong trái tim mình. Những gì chúng ta tin tưởng và yêu mến từ tận đáy lòng sẽ quyết định con đường ta sẽ đi trong cuộc đời.
Vì vậy, trước khi quyết định đơn giản hóa ngôi nhà và cuộc sống của mình, đầu tiên chúng ta cần phải tin chắc rằng lối sống này đáng để nỗ lực. Theo đuổi lối sống tối giản có mười lợi ích như sau:
1. Tiết kiệm nhiều hơn
2. Giải tỏa căng thẳng, lo âu
3. Sống xanh và lành mạnh
4. Tận hưởng sự tự do
5. Thân thiện với môi trường
6. Trải nghiệm cuộc sống tốt đẹp hơn
7. Trở thành tấm gương tốt cho trẻ nhỏ noi theo
8. Gây quỹ từ thiện
9. Cải thiện chất lượng cuộc sống
10. Giảm gánh nặng cho những người xung quanh
Những lợi ích trên cho chúng ta biết lý do tại sao một cuộc sống tối giản có thể khiến bạn hạnh phúc hơn một cuộc sống chỉ nghĩ đến “Hôm nay mua gì”, thu thập, tích lũy và tích trữ hàng hóa. Viễn cảnh cuộc sống được vẽ ra bởi chính nội tâm của bạn sẽ quyết định cuộc sống mà bạn sẽ trải qua.
Nguyên tắc 2: Tìm ra cách thức phù hợp với bản thân
Khi nghe đến hai từ “tối giản”, trong lòng nhiều người sẽ lập tức hiện ra một bức tranh về cơm canh đạm bạc, nhà nhỏ bốn vách đơn sơ, áo thô vải lanh, đồ đạc trên tường, trong tủ đều trống rỗng…
Không có một tiêu chuẩn cố định về “Cuộc sống tối giản”, định nghĩa về “Cuộc sống tối giản” do chính chúng ta tự định nghĩa. Thực tế, đó chính là việc chúng ta phải lựa chọn đánh đổi, tìm ra những thứ thật sự quý giá với bản thân, đồng thời vứt bỏ những thứ khiến mình phân tâm.
Điều quan trọng nhất chính là dựa theo giá trị quan, mong muốn, nhiệt huyết và lý trí của bản thân mà lựa chọn từ bỏ sự phức tạp, giải phóng và tìm ra phong cách tối giản phù hợp với mình.
Nguyên tắc 3: Bắt đầu với mục tiêu nhỏ
Nếu bây giờ bạn đang cảm thấy công việc quá bộn bề, khoảng cách đến với một cuộc sống tối giản, thoải mái là quá xa xôi, thì bạn có thể bắt đầu hành động từ những công việc nhỏ.
Trong cuốn sách “Sống tối giản”, tác giả Joshua Becker có đề cập đến một thí nghiệm nhỏ chứng minh luận điểm này. Đó là việc bạn thực hiện xếp lại tất cả các móc treo trong tủ quần áo hướng ra ngoài. Những bộ quần áo nào đã được lấy ra mặc, khi cất lại vào tủ, sẽ xếp móc treo ngược hướng vào trong. Trong một đến hai tháng, bạn sẽ thấy có một số bộ quần áo chưa từng mặc đến, lúc này bạn có thể nhặt ra tặng lại cho người có nhu cầu, và cứ thế lâu dần tủ quần áo của bạn sẽ trở nên tối giản và thể hiện rõ phong cách riêng của chính bạn.
Với nhà bếp cũng vậy, nếu bạn giữ cho mặt bàn luôn sạch sẽ sáng bóng, thì chỉ cần xuất hiện một sự bừa bộn nhỏ cũng sẽ khiến bạn bứt rứt khó chịu, ngay lập tức muốn xử lý nó. Tương tự, sau khi dọn dẹp sạch phòng khách, chính bạn cũng sẽ không thể chịu đựng được hành động mỗi khi thay áo lại ném bừa lên ghế sô pha…
Nguyên tắc 4: Ngăn chặn chủ nghĩa tiêu thụ
Tại sao chúng ta coi việc mua, mua nữa và mua mãi là một loại hạnh phúc?
Tại sao mua sắm lại có thể giải tỏa căng thẳng?
Tất cả những câu hỏi trên đều được phản ánh đằng sau sự ảnh hưởng sâu rộng của chủ nghĩa tiêu thụ lên chúng ta.
Cốt lõi của chủ nghĩa tiêu thụ chính là: Số lượng sở hữu hàng hoá = Hạnh phúc.
Khi mua một hàng hóa, chúng ta sẽ nhìn vào bảng giá và nghĩ rằng đây là tất cả số tiền sẽ phải trả cho nó. Nhưng trên thực tế, vẫn còn tồn tại những chi phí ẩn đằng sau chúng.
Ví dụ như bạn sẽ cần phải mua tủ đựng đồ lớn hơn hoặc thậm chí xây hẳn một căn phòng dành cho chúng. Và việc sắp xếp đồ đạc cũng sẽ mất nhiều thời gian hơn. Theo một nghiên cứu của NAPO (National Association of Professional Organizers ), trong cuộc đời, mỗi người dùng đến 1 năm chỉ để tìm kiếm những món đồ bị mất. Và cũng theo ước tính, trong tổng số tiền điện bạn phải nộp thì có từ 8% đến 13% số tiền bạn phải trả cho lượng điện năng tiêu hao đến từ việc bạn không sử dụng các thiết bị điện cũng như không rút phích cắm của chúng ra…
Nguyên tắc 5: Kiên trì không từ bỏ
Bắt đầu một việc thì dễ nhưng kiên trì đến cùng rất khó.
Khi mới bắt đầu đơn giản hóa môi trường sống, bạn sẽ cảm thấy hào hứng và tràn đầy năng lượng.
Mỗi lần hoàn thành một mục tiêu, bạn hãy đặt thêm những mục tiêu mới cao hơn, và hãy chắc chắn rằng, để có thể hoàn thành những mục tiêu mới này sẽ cần bạn phải học cách kiên trì không từ bỏ.
Tác giả của cuốn sách – ông Becker nói rằng: “Mọi vật dụng đều cần có một ngôi nhà để chúng thuộc về, các quy tắc áp dụng lên người sở hữu cũng sẽ có tác dụng lên đồ vật của họ. Khi mọi vật dụng đều được sắp xếp ở một vị trí nhất định thì việc để lại chúng sau khi sử dụng sẽ trở nên dễ dàng và vui vẻ hơn nhiều.”
Nguyên tắc chất lượng hơn số lượng cũng phải thấm nhuần vào mọi khía cạnh của cuộc sống, cho dù là với những vật dụng nhỏ bé như đồ chơi trẻ em, sách vở hay lớn hơn là quần áo, đồ đạc của bạn.
Bản chất của cuộc sống là trải nghiệm, không phải sở hữu. Vì vậy, thỉnh thoảng thay vì mua một quyển sách về đọc bạn có thể đến thư viện để mượn đọc nhiều cuốn sách hơn, hoặc thay vì đi mua sắm bạn có thể đến thăm quan công viên, viện bảo tàng…, những lựa chọn này có thể sẽ khiến cuộc sống của bạn vui vẻ hơn.
Nguyên tắc 6: Chia sẻ niềm vui sống tối giản đến những người xung quanh
Một mình vui không bằng cả nhà cùng vui, chia sẻ với người khác thì niềm vui càng trọn vẹn hơn.
Chia sẻ niềm vui của lối sống tối giản với người khác và truyền cảm hứng cho họ khiến họ trở nên háo hức muốn thử. Đến lần tới gặp mặt, các bạn lại cùng chia sẻ những tiến bộ và cảm xúc của mình với nhau, điều này vô hình chung sẽ trở thành động lực thúc giục bạn tiếp tục con đường mình đang theo đuổi.
Nguyên tắc 7: Áp dụng tư lối suy nghĩ tối giản lên tất cả các khía cạnh trong đời sống
Trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống, bạn có thể lựa chọn ưu tiên những việc được coi là quan trọng và loại bỏ đi những điều khiến bạn phân tâm. Tuân thủ nguyên tắc này có thể tăng thêm giá trị cho mọi khía cạnh của đời sống một cách toàn diện hơn.
Stephen Covey, tác giả của cuốn sách “7 thói quen hiệu quả”, đã kể một câu chuyện như sau:
Có một vị giáo sư đại học đang giảng bài cho sinh viên năm nhất của trường, bỗng lấy ra một cái lọ thủy tinh và hơn chục viên đá to bằng nắm tay. Ông cẩn thận bỏ từng cục đá vào lọ thủy tinh cho đến khi không thể nhét thêm bất kỳ viên đá nào nữa.
Ông hỏi: “Chiếc bình này đã đầy chưa?”
Cả lớp đồng thanh trả lời: “Đầy rồi ạ”.
Lúc này, vị giáo sư lại lấy ra một thùng toàn đá vụn, vừa lắc lọ vừa từ từ đổ thêm đá vụn vào giữa các phiến đá lớn.
Sau đó, ông lần lượt đổ từng nắm cát vào lọ và cuối cùng là rót nước vào.
Lúc này, ông nói với các sinh viên: “Nếu từ đầu các bạn không xếp những cục đá to vào trước, các bạn sẽ không thể xếp đủ tất cả mọi thứ vào chiếc lọ như tôi vừa làm”.
Cuộc sống cũng vậy, hãy luôn học cách tìm ra những “Tảng đá lớn” trước, vì đó cũng chính là những điều thực sự quan trọng đối với chúng ta. Lựa chọn xếp những “Tảng đá lớn” vào chiếc lọ trước, có ý thức sắp xếp tầm quan trọng của những “tảng đá nhỏ”, tận hưởng trải nghiệm của cuộc sống, thay vì chỉ chú tâm theo đuổi sở hữu vật chất, mới thật sự trở về lối sống chân chính của riêng bạn.
– Trích từ cuốn sách “Sống tối giản” – Joshua Becker –