Tất cả mọi người đều cố gắng theo đuổi việc học đến trình độ “thứ n” với hy vọng đạt được công việc mơ ước đó, cùng với địa vị xã hội và số tiền tương đương vị trí ấy mang lại. Tuy nhiên, tất cả chỉ là về điểm số và việc đạt được các loại bằng cấp chỉ giúp bạn đạt đến mức lương nhất định. Muốn thực sự thành công, bạn phải có tư duy khác biệt!
Thông minh và chăm chỉ không phải là tất cả
Thành tích học tập xuất sắc cho thấy bạn có khả năng tư duy logic, hiểu các khái niệm và được trang bị rất nhiều kiến thức trước khi bắt tay vào công việc. Đây là một yếu tố cần song chưa đủ. Nếu bạn muốn đi xa hơn, vốn kiến thức đó là chưa đủ.
Tiếp nhận thông tin chỉ là một phần trong quá trình phát triển. Điều thực sự khiến bạn trở nên khác biệt là ở cách tư duy giải quyết vấn đề.
Vậy, sự khác biệt giữa trí tuệ và thông minh là gì?
Trí tuệ: Khả năng sử dụng kinh nghiệm và kiến thức của bạn để đưa ra quyết định và phán đoán hợp lý.
Thông minh: Khả năng suy nghĩ, suy luận và hiểu thay vì làm mọi việc một cách tự động hoặc theo bản năng.
Thông minh thường được chấp nhận là thứ mà bạn sinh ra ở một mức độ nào đó (mặc dù nó cũng đòi hỏi sự nuôi dưỡng để phát huy hết tiềm năng). Mặt khác, trí tuệ không phải là một yếu tố bẩm sinh, cần thời gian và kinh nghiệm cũng như sự quan sát và chiêm nghiệm để phát triển và cuối cùng là giúp bạn thành công.
Và đây là những lời dạy của các bậc vĩ nhân:
Pierre Abelard: “Sự khởi đầu của sự khôn ngoan được tìm thấy trong sự nghi ngờ; bằng cách nghi ngờ, chúng ta đi đến câu hỏi và bằng cách tìm kiếm, chúng ta có thể đi đến sự thật. “
Albert Einstein: “Trí tuệ không phải là sản phẩm của việc học ở trường, mà là nỗ lực cả đời để có được nó”.
Marilyn vos Savant: “Để có được kiến thức, người ta phải học; nhưng để có được sự khôn ngoan, người ta phải quan sát “.
Socrates: “Sự khôn ngoan thực sự duy nhất là biết rằng bạn không biết gì.”
Benjamin Franklin: “Bậc cửa dẫn đến ngôi đền của trí tuệ là sự hiểu biết về sự thiếu hiểu biết của chính chúng ta.”
Khổng Tử: “Để biết những gì bạn biết và biết những gì bạn không biết. Đó là sự khôn ngoan thực sự “.
Trí tuệ không phải là “bài học” truyền đời từ thế hệ trước; càng không nằm ở mái tóc hoa râm hay vết đồi mồi trên khuôn mặt. Tất cả nằm ở khả năng và cách khai thác của bạn. Có một số phương pháp mà bạn có thể thực hiện để phát triển sự “hiền triết” của mình, từ đó mở rộng và đào sâu kinh nghiệm sống để thay đổi cách nhìn nhận và tư duy:
1. Bình tĩnh
Chúng ta luôn có một “gánh nặng” vô hình đó là phải liên tục nỗ lực, biến bản thân trở nên bận rộn để bù đắp cho những thiếu sót (có thể là không tồn tại) của bản thân, và có thể gây ấn tượng với sếp. Thay vì làm việc như con thiêu thân, hãy thử dành thời gian mỗi ngày để tĩnh lặng và bình tĩnh, cho phép bản thân nghỉ ngơi và thoát khỏi những căng thẳng của cuộc sống trong một khoảng thời gian nhất định.
Tuy nhiên bạn cần biết sử dụng thời gian một cách hợp lý. Nghỉ ngơi ở đây không phải làm nằm dài hàng giờ xem TV hay chơi trò chơi điện tử. Bạn có thể đọc sách, nghe postcard hoặc đơn giản là đi dạo. Bằng cách này, tâm trí bạn vừa được thư giãn những đồng thời bạn vẫn có thêm kiến thức và chiêm nghiệm về những điều đã và đang xảy ra.
2. Suy nghĩ trước khi nói
Có một câu danh ngôn lâu đời nói rằng: “Kiến thức là biết phải nói gì. Trí tuệ là biết có nên nói hay không”.
Đứng trước một vấn đề, câu hỏi, hãy thử cho mình không gian và thời gian để suy ngẫm trước khi nói. Hãy tiếp thu và chú ý lắng nghe ý kiến của mọi người trước. Không phải lúc nào bạn cũng cảm thấy cần thể hiện ý kiến của mình ngay lập tức, một số trường hợp thậm chí bạn không cần đưa ra ý kiến.
3. Học cách tư duy không có “đúng – sai”
Hạn chế không đưa ra phán xét ngay lập tức vì rất ít thứ trong cuộc sống tồn tại rõ ràng hai màu đen và trắng. Thay vào đó, hãy cố gắng đánh giá những gì đang xảy ra bằng cách xem xét vấn đề theo nhiều hướng. Việc có góc nhìn đa chiều sẽ giúp bạn có cơ hội nhìn mọi thứ từ một góc độ rộng hơn.
Đứng trước một vấn đề, bạn nên xem xét tổng quan và cả những yếu tố tiềm ẩn hơn là nhận định sự thật trắng đen sẽ cho phép bạn đưa ra quyết định thận trọng hơn.
4. Phát triển tư duy ham học hỏi
Ai cũng biết kiến thức là bao la vô tận. Bạn có thể đã đọc hết một bộ sách nào đó nhưng như vậy không có nghĩa là bạn đã trở thành một người thông thái. Học tập là không có giới hạn. Không muốn bị bỏ lại phía sau, bạn buộc phải khiến bản thân trở nên ưu tú hơn từng ngày.
Nếu một ngày bạn ngừng nuôi dưỡng tâm trí bằng những trải nghiệm mới – mở rộng và đào sâu hiểu biết của bạn – thì dần dẫn nó sẽ hình thành thói quen xấu. Ngược lại, nếu có thể trau dồi mỗi ngày, chắc chắn bạn sẽ đạt đến những đỉnh cao mới.
5. Đọc, đọc, đọc
Đọc trên đường đi làm, đọc trên giường, đọc trong nhà vệ sinh. Đọc sách, tạp chí và báo. Đọc blog, đọc bình luận xã hội, đọc truyện tranh, đọc tác phẩm của những nhà tư tưởng triết học vĩ đại nhất. Đọc tiểu thuyết hoặc tiểu thuyết tội phạm. Đọc về sở thích của bạn hoặc lĩnh vực chuyên môn của bạn…
Nhưng hãy nhớ suy ngẫm về bất cứ điều gì bạn đọc, hình thành ý kiến và nếu có thể, hãy trao đổi những gì bạn đã đọc với bạn bè và đồng nghiệp. Bất cứ điều gì bạn đọc, nó sẽ giúp xây dựng một kho kiến thức vô giá (kiến thức vượt ra ngoài các thực tế đơn thuần trong lớp học).
6. Khiêm tốn
Chúng ta đang sống trong một thế giới với văn hóa “tự quảng cáo”. Trước mắt người ngoài, chúng ta đều muốn thể hiện một phiên bản hoàn thiện và xuất sắc nhất. Vì vậy nhiều người chọn cách khoe khoang và thậm chí là phóng đại. Tuy nhiên trong mắt những người đủ khôn ngoan, đây không phải là một phương pháp hiệu quả.
Chúng ta cũng cần phải hiểu khiêm tốn không có nghĩa là bạn cần phải từ bỏ giá trị bản thân và chọn cách im lặng. Khiêm tốn ở đây là sống chân thực với con người thật của bạn, thay vì cố gắng xây dựng một tượng đài không có thật.
Chấp nhận những hạn chế của bản thân là một bước quan trọng trên con đường dẫn đến sự khôn ngoan. Đổi lại, một chút khiêm tốn sẽ cho phép bạn tôn trọng và đánh giá cao khả năng của người khác.
– Nguồn: A Conscious Rethink/Thùy Anh –