“Chìa khóa nằm ở trái tim. Tôi dốc hết trái tim mình vào từng tách cà phê và các đối tác của tôi ở Starbucks cũng vậy. Khi khách hàng cảm nhận được điều đó, họ luôn đáp lại bằng tấm lòng trân trọng.” – Howard Schultz, Chủ tịch và CEO của Starbucks đã viết như thế trong cuốn sách Dốc hết trái tim cùng Dori Jones Yang – đồng tác giả.
Đối với những người biết đến và yêu thích cà phê Starbucks, ắt hẳn cuộc hành trình từ một cửa hàng nhỏ ven sông ở Seattle đến một hệ thống hơn một ngàn sáu trăm cửa hàng trên khắp thế giới sẽ là câu chuyện hấp dẫn bạn. Dốc hết trái tim không phải một câu chuyện kinh doanh thông thường, cũng không phải là câu chuyện cuộc đời của vị CEO Starbucks, hay là những lời khuyên nên làm gì để giúp một công ty đang trục trặc, mà đó là câu chuyện về một đội ngũ con người xây dựng một doanh nghiệp thành công dựa trên những giá trị và nguyên tắc điều hành hiếm thấy ở xã hội kinh doanh Hoa Kỳ.
1. Trí tưởng tượng, ước mơ và xuất thân hèn kém
Xuất thân không tốt không có nghĩa là bạn yếu kém hay thất bại. Chính tác giả là một người có xuất thân khó khăn, nhưng từ đó, nghị lực và tình yêu dành cho cà phê lại được khơi dậy. Người ta thường cố gắng tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn sự buồn chán của cuộc sống thực tế. Ông cố gắng biến Starbucks trở thành nơi mà khách hàng có thể nghỉ ngơi sau một ngày mệt mỏi, thưởng thức âm nhạc và suy nghĩ vẩn vơ.
Howard từng sống ở khu Quy hoạch, kinh tế gia đình eo hẹp, bố ông mất sớm, những tưởng hoàn cảnh như thế sẽ không thể hình thành nên một con người thành đạt như bây giờ nhưng sau 4 năm học đại học, cuối cùng ông cũng nhận được tấm bằng, nhưng lại hoàn toàn mất phương hướng, không ai giúp ông nhận thức được những giá trị của những kiến thức mà ông học được. Đây là tình trạng chung của rất nhiều sinh viên mới ra trường, không tìm thấy được hướng đi cho mình.
Phải mất nhiều năm sau đó, Howard mới tìm ra niềm đam mê của mình. Không chỉ may mắn, tính bền chí, nghị lực và tài năng cũng là những yếu tố quan trọng. Ông nắm cuộc sống trong tay mình, học hỏi kinh nghiệm từ những người ông gặp, tận dụng các cơ hội và từng bước một định hình nên thành công cho mình.
2. Đôi khi sự chân thành lại hiệu quả hơn mọi kế hoạch kinh doanh
Nhà đầu tư bên ngoài đầu tiên của công ty Il Giornale – ý tưởng mới của Howard là Ron. Ron là một người khó có thể có khả năng trở thành nhà đầu tư nhất mà ta có thể tưởng tượng ra vì ông chỉ chi vào các phi vụ làm ăn của những người ông biết rõ và tin tưởng.
Khi Howard gặp Ron, ông hào hứng nói về nguồn cảm hứng có được khi ở Ý, việc cà phê quan trọng như thế nào đối với người Ý. Ron không cần xem các dự kiến tài chính của Howard mà sẵn sàng chi cho ông bởi vì Ron không nhìn vào những thứ đó mà là sự chân thành, trung thực và niềm đam mê của Howard. Ron tín nhiệm Il Giornale trong khi ông chả mấy khi uống cà phê, ông đầu tư vào Howard chứ không phải vào ý tưởng của Howard. Một trong những yếu tố quan trọng là đam mê và nó cũng sẽ mãi là một thành phần cần thiết.
Điều đáng nói là hồi mới khởi đầu khi ông gõ cửa từng nhà đầu tư, rất nhiều người từ chối. Những kẻ cả nể mà đồng ý đều được ông khắc cốt ghi tâm. “Họ đầu tư không phải vì nhìn thấy tiềm năng từ Starbucks, mà vì họ tin ở Howard”. Chính vì niềm tin ấy, sau này những nhà đầu tư vàng vào thời điểm ấy đã kiếm được một khoản kếch sù. Cho đi sẽ nhận lại nhiều hơn là thế.
Ron nói: “Tôi nhận thấy hình như những người thành công đều có nghị lực phi thường muốn làm một điều gì đó. Họ dốc sức dấn thân vào canh bạc. Trong thế giới này, khá hiếm người sẵn lòng dấn thân vào một canh bạc lớn.”
3. Nhân viên không phải một món hàng
Nếu bạn đối xử với nhân viên của mình như các bánh răng có thể thay thế được trong một cỗ máy, họ cũng sẽ nhìn bạn với thái độ y như thế. Nhưng họ không phải bánh răng. Mỗi người trong số họ là một cá thể cần được trân trọng giá trị bản thân và nhận được các phương tiện tài chính để nuôi sống bản thân và gia đình.
Ông nỗ lực biến Starbucks thành mẫu công ty mà ông luôn muốn bố ông được làm việc tại đó, một nơi mà nhân viên không phải giận dữ thôi việc vì công ty không trân trọng mình.
Nhân viên cần phải nhận được các phúc lợi y tế thích đáng, nhận được quyền mua cổ phiếu và được làm việc trong một môi trường mà kiến nghị và phàn nàn của họ luôn được hồi đáp nhanh chóng và đầy tôn trọng.
4. Đừng e sợ những người giỏi hơn bạn
Có nhiều doanh nhân sở hữu ý tưởng, có đam mê nhưng lại không sở hữu các kỹ năng cần thiết để biến ý tưởng thành hiện thực. Họ không dám thu nạp những cá nhân thực sự có tài và thành công đứng vào vị trí quản lý cấp cao.
Nhưng vai trò của một đội ngũ điều hành tài năng là vô cùng quan trọng đối với sự tồn vong của một doanh nghiệp. Bạn sẽ không học được gì từ những người kém tài hơn bạn, họ sẽ không giúp bạn lớn lên được chút nào. Đội ngũ điều hành của ông trong Il Giornale đều là những người dày dặn kinh nghiệm. Trong mắt nhiều doanh nhân, việc thuê về các nhà điều hành dày dặn đôi khi chứa rất nhiều hiểm họa, vì việc trao quyền hành vào tay họ thật sự đáng sợ.
Vì vậy, bản thân Howard luôn phải tự nhắc nhở mình: “Những người này mang lại cái mà mình không có. Họ sẽ khiến Starbucks tốt đẹp hơn rất nhiều so với khả năng một mình mình làm được.”
5. Hãy nỗ lực làm mới bản thân ngay cả khi bạn đang thành công
Nếu bạn thất bại, nhu cầu làm mới bản thân là tất nhiên, nhưng chúng ta hiếm khi thấy mình phải nỗ lực làm mới bản thân nếu đang trên đỉnh thành công. Thật ra vì thế giới đang không ngừng thay đổi, mỗi năm nhu cầu và khẩu vị của khách hàng lại thay đổi. Chẳng có gì có thể đứng yên mãi mãi, dù là trong kinh doanh hay cuộc sống, và cứ khư khư giữ lấy tình trạng hiện tại chỉ dẫn tới bất hạnh mà thôi.
Ở Starbucks, họ vẫn luôn đặt mục tiêu xây dựng một công ty đủ sức mạnh để phát triển bền vững trong tương lai dài hạn và họ dần khám phá ra được sự bền vững có liên quan tới việc làm mới bản thân. “Cà phê đã tồn tại ngàn năm rồi, liệu có thể tái phát minh nó được không?” là câu hỏi mà họ đặt ra.
Họ đã suy nghĩ về việc thay đổi từ thiết kế cửa hàng, cách bài trí lẫn bao bì, các công thức pha chế,… cho đến khi Don Valencia – một nhà miễn dịch học xuất hiện. Trong quá trình nghiên cứu sinh hóa, Don dùng kỹ thuật tách các phân tử ra khỏi các tế bào trong cơ thể người mà không phá hủy chúng. Anh áp dụng lên cà phê và dần khám phá ra loại chiết xuất cô đặc Cuối cùng, họ đầu tư để xây dựng hẳn một Trung tâm Ứng dụng Tài nguyên Công nghệ cho Don.
Ban đầu họ chỉ định thực hiện những mẻ nhỏ nhưng không ngờ khi các sản phẩm mới ra mắt công chúng, chúng nhanh chóng nóng sốt trên thị trường và họ phải chuyển sang các cấp độ sản xuất thương mại. Điều này thực sự khác thường với một công ty cà phê.
6. Lãnh đạo bằng trái tim
Ở bất cứ doanh nghiệp nào, hay trong cuộc sống cũng vậy, có những lúc chúng ta cố làm cho xong việc, cố giải quyết vấn đề cỏn con nào đó đến mức quên mất lý do bản thân thực sự ở đây để làm gì. Noah benShea từng viết trong cuốn Jacob the Baker rằng: “Chính sự im lặng giữa những nốt nhạc tạo ra âm nhạc”. Trong kinh doanh cũng vậy, chúng ta không thể chỉ vì đạt được sự nổi tiếng mà đánh đổi những giá trị cốt lõi của mình. Đánh mất giá trị, sự nhạy cảm và trách nhiệm nghĩa là đã thất bại rồi.
Một điều quan trọng là khi bạn chạy cùng cả đội, thành công có thể tuyệt vời lắm vì quanh bạn không chỉ là tiếng reo hò của khán giả mà còn là cả một nhóm đang tay trong tay giành chiến thắng. Bạn sẽ bị bỏ lại trơ trọi với cảm giác trống rỗng nếu đến vạch đích một mình. Hạnh phúc sẽ trường tồn khi mỗi thành viên đều lấy trái tim làm đích đến, giành chiến thắng không chỉ cho bản thân mình mà còn để dành cho nhau. Thành công sẽ ngọt ngào hơn muôn phần khi thành công ấy được chia sẻ.
Dốc hết trái tim là một quyển sách truyền cảm hứng, nâng tinh thần cho những ai có niềm đam mê, lòng nhiệt huyết và đang theo đuổi những ước mơ của mình. Quyển sách không nói về cà phê mà về lãnh đạo, niềm đam mê, sự kiên nhẫn, cam kết và tình yêu đối với mọi thứ mà chúng ta làm trong khi những người khác đã từng nghĩ là không thể. “Nếu bạn dốc hết trái tim vào từng việc mình làm, hoặc vào bất cứ một doanh nghiệp nào thích đáng, bạn có thể đạt được những ước mơ mà người khác cho rằng không thể. Đó là điều viết nên câu chuyện cuộc sống với một kết thúc có hậu”.
Bất cứ ai, dù đang chuẩn bị khởi nghiệp hay đã là những chủ doanh nghiệp, cũng sẽ tìm thấy trong quyển sách này những bài học tuyệt vời về kinh doanh và nghệ thuật lãnh đạo được gói trong một câu chuyện lôi cuốn như một cuốn tiểu thuyết. Đó là bài học về xây dựng một doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội đúng nghĩa, một đề tài đang được nói đến nhiều trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam hiện nay.
Starbucks và câu chuyện thành công của Starbucks trong cuốn sách này là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho các tác giả viết sách và các doanh nhân trên thế giới; được đề cập và trích dẫn rất nhiều trong các sách về kinh doanh và thương hiệu trên thế giới cũng như ở Việt Nam.
– Theo