Khi hỏi một người thành công về chặng đường đã qua, ta luôn được nghe về tất cả những nỗi bất an, sợ hãi, thất vọng… mà họ từng chịu đựng.
Dù bạn muốn nâng cấp bản thân trong khía cạnh nào, sự nghiệp, tài chính hay mối quan hệ xã hội thì đều sẽ luôn có các “bẫy cảm xúc” chực chờ trên hành trình trước mắt. Làm sao để đối mặt với chúng?
Susan David, một chuyên gia tâm lý từ đại học Harvard, đã chỉ ra cách nhận biết và đối phó với các trở ngại này trong cuốn sách “Vượt bẫy cảm xúc” (tựa gốc “Emotional Agility”).
Bẫy cảm xúc 1: Sợ áp lực xã hội
Con người có xu hướng chọn những gì nhiều người xung quanh chọn, vì “mọi chuyện sẽ dễ dàng và nhanh chóng hơn nhiều nếu chúng ta làm theo số đông”, Susan David viết.
Do vậy, khi quyết định theo đuổi điều gì khác biệt, như một ngành học lạ hay một lối sống mới, bạn tất yếu phải gặp nhiều áp lực xã hội, mà đi cùng với đó là những cảm xúc không thể xem nhẹ: bất an, do dự, hoài nghi, so sánh mình với người khác, mất động lực…
“Giả sử bạn là một nữ sinh viên năm nhất với ước mơ trở thành bác sĩ, nhưng bạn trưởng thành trong một nền văn hóa luôn dạy bạn rằng “con gái rất dở khoa học”. Sau đó, bạn bị điểm kém trong bài kiểm tra đầu tiên của môn sinh học. Khả năng cao là bạn sẽ đổi ngành học và từ bỏ ước mơ”. Giải pháp, theo tác giả cuốn sách “Vượt bẫy cảm xúc”, là “biết rõ điều gì là quan trọng đối với mình”.
Giá trị nào là bạn có thể hoặc không thể thoả hiệp? Đam mê, sự tử tế, bảo vệ môi trường, sự chính trực? Susan David tin rằng, các giá trị vững chắc giúp bạn có thêm sức mạnh ý chí và lòng kiên định, đồng thời chống chịu tốt hơn trước những lời phê bình, các khuôn mẫu và niềm tin hạn hẹp.
Bẫy cảm xúc 2: Tiếc nuối sự thoải mái và phiên bản cũ của mình
Khi cần nâng cấp bản thân, nhiều người nuối tiếc sự thoải mái và quen thuộc của con đường cũ. Không dám chuyển đến thành phố nhiều cơ hội vì tiếc nuối mối quan hệ ở thành phố hiện tại; không dám kinh doanh riêng vì sợ mất đi sự ổn định của cuộc sống công sở…
Cảm xúc khó chịu còn đến từ việc từ bỏ một bản sắc cũ. Ta thường khó khám phá ra điều mới mẻ khi vẫn gắn chặt mình với những “hoàng kim quá khứ”, như hình ảnh một sinh viên ưu tú hay một nhân viên xuất sắc chẳng hạn.
“Sự lựa chọn nào cũng có mất mát. Bạn từ bỏ con đường mà mình không chọn và bất kỳ sự từ bỏ nào cũng kéo theo một nỗi buồn, niềm đau hay thậm chí là cả nỗi tiếc nuối”, Susan viết.
Lời khuyên của chuyên gia tâm lý này là buông bỏ những khát vọng “cũ mốc cũ meo”, đồng thời củng cố những ý nghĩa mà bạn sẽ cảm nhận được khi hành động phù hợp với các mục tiêu tương lai.
Bẫy cảm xúc 3: Khó chịu khi làm thứ mới
Bên cạnh việc từ bỏ sự quen thuộc, ý nghĩ làm điều gì đó lạ lẫm cũng mang đến những cảm xúc tiêu cực. Thay đổi và đổi mới bản thân không phải là chuyện vui vẻ hay dễ dàng, ít nhất là khi bạn đang ở trong quá trình đó.
Ví dụ, nếu bạn sợ giao tiếp xã hội và một người quen mời bạn đến dự tiệc, phản ứng mà bạn dễ đưa ra nhất có lẽ sẽ là từ chối. Nhưng nếu việc đến buổi tiệc có ý nghĩa quan trọng với bạn, hoặc vun đắp cho giá trị mới mà bạn đang hướng đến (tình bạn, sự quảng giao…), bạn sẽ cố gắng vượt qua nỗi sợ và nhận lời mời. Khi đến bữa tiệc, bạn sẽ phải trải nghiệm một cảm giác khó chịu khác – khó chịu nhiều hơn so với khi bạn chọn ở nhà.
“Nhưng sự khó chịu lúc ban đầu này là “tiền vé” mà bạn cần trả để bước vào một cuộc sống có ý nghĩa hơn”, Susan khẳng định.
Bẫy cảm xúc 4: Quá tải khi theo đuổi mục tiêu mới
Một khi đã chọn đi về phía cuộc sống lý tưởng, cảm xúc bạn cần dè chừng tiếp theo là sự căng thẳng và quá tải.
Sự thay đổi nào cũng cần thời gian. Ta không thể giảm 10kg sau 1 tuần, chuyển ngành nghề ngay lập tức, hay trở thành một nghệ sĩ tài ba chỉ sau một đêm. Bí quyết ở đây là hãy rời khỏi vùng thoải mái một cách thật chậm rãi. “Nâng cấp lý tưởng nhất chính là những sự điều chỉnh nhỏ và tiến bộ từ từ”, Susan David khuyên.
Trong “Vượt bẫy cảm xúc”, vị chuyên gia tâm lý khuyến khích bạn đọc hãy đặt mình vào vị trí ở “ngay mép năng lực của mình”, “một vị trí mà ở đó ta không thừa năng lực hay tự mãn, nhưng đồng thời cũng không quá thiếu năng lực đến mức cảm thấy không thể xử lý nổi vấn đề”.
Bẫy cảm xúc 5: Không chấp nhận những khó khăn của cuộc sống lý tưởng
Cuối cùng, một khi đã sống trong cuộc sống mong ước, bạn sẽ thấy rằng cảm xúc khó chịu vẫn… không hề biến mất. Đôi khi, sống đúng với niềm tin của bạn đồng nghĩa với việc đi theo con đường khiến cuộc sống cam go hơn, và bạn vẫn phải đối mặt với cảm giác khó chịu, căng thẳng, mâu thuẫn.
Susan đã nêu ra nhiều ví dụ sinh động trong “Vượt bẫy cảm xúc”. Nhà văn Elizabeth Gilbert, tác giả cuốn “Ăn, Cầu nguyện, Yêu” nổi tiếng, đã khám phá ra rằng dù bà thích viết lách nhưng việc “bắt đầu chỉ tập trung vào viết lách thì quá trình sáng tác vẫn rất khó khăn”.
Hoặc như nhà động vật học Jane Goodall, người có sự nghiệp bảo tồn rất vinh quang, nhưng cũng khiến bà không ít lần rơi nước mắt vì những đánh đổi cá nhân. Một người bạn đã hỏi tại sao bà lại buồn đến như vậy. Câu trả lời của Goodall được thuật lại trong cuốn sách: “Tôi đã nói một điều khiến chính mình ngỡ ngàng. Tôi nói với bạn mình: ‘Tôi nghĩ tôi khóc vì biết mình đang từ bỏ quyền được ích kỷ’. Vậy đó. Nghe lạ lùng lắm đúng không?
– Theo Nguyên Thảo –