Nháy mắt đã chỉ còn vài tuần nữa là hết năm 2021, những mục tiêu bạn đặt ra từ đầu năm đã hoàn thành hay chưa?
Có lẽ đối với nhiều người, vấn đề không nằm ở chỗ hoàn thành hay chưa, mà nằm ở việc họ có còn nhớ đến nó hay không!
Mấy hôm trước, tôi có nói chuyện với một độc giả trẻ tuổi. Cậu ấy đã đi làm được 3 năm, nhưng càng ngày càng không thích chuyên ngành của mình. Vì vậy cậu ấy quyết định thi đại học một lần nữa, cho bản thân một cơ hội được chọn lựa lại.
Tuy nhiên, vừa đi làm lại vừa ôn thi có vẻ không khả quan lắm, kế hoạch học tập của cậu ấy luôn bị gián đoạn.
Lúc đầu, cậu ấy còn dành được 2 tiếng sau tan ca mỗi ngày để học. Lâu dần, còn 1 tiếng, và sau này không còn năng lượng để học nữa.
Kế hoạch học tập cứ thế bị đẩy lùi, kỳ thi tuyển sinh năm nay cũng chẳng còn hy vọng gì.
Aristoteles, một nhà triết học và bác học thời Hy Lạp cổ đại từng nói:
“Cuộc sống hằng ngày của mỗi chúng ta thường được tạo thành từ sự lặp lại của các hành vi. Vì vậy, sự xuất sắc của chúng ta không xuất phát từ hành vi, mà là thói quen.”
Nhưng việc hình thành một thói quen tốt không bao giờ là dễ dàng. Công việc từ sáng đến tối luôn là lý do khiến chúng ta gián đoạn ước mơ.
Nhiều người thấy bản thân rất bận, rất siêng năng, rất nỗ lực, luôn dành hầu hết thời gian đi làm trên công ty, phần thời gian còn lại dành cho con cái, việc nhà, chứ không phải bản thân mình nữa.
Nhưng tại sao họ vẫn chưa giàu có?
Vì họ hiểu lầm khái niệm kỷ luật bản thân. Đây là quá trình khảo nghiệm năng lực, xem một người có thể quản lý tốt thời gian cá nhân của mình hay không? Bởi lẽ ai cũng có 24 tiếng đồng hồ, nhưng chẳng ai là ba đầu sáu tay để quán xuyến đủ mọi việc từ nhà cửa, công ty, đến việc học hỏi, phát triển bản thân!
Hình ảnh này hiện hữu mỗi ngày trong cuộc sống chúng ta: Những gương mặt ngủ chưa đủ giấc vội vã thức dậy vào buổi sáng, không kịp ăn gì đã lao tới công ty vì sợ chấm công trễ. Để rồi khi đến đó họ lại lãng phí nhiều thời gian vào các việc riêng khác… Đến giờ tan ca thì về nhà ăn đại gì đó, rồi lao đầu vào những trò giải trí, tiêu khiển khiến bản thân bị mất ngủ, căng thẳng,…
Bạn nói xem, nếu tình trạng “bận rộn” cả ngày dài này của bạn cứ kéo dài, liệu cơ thể của bạn có chịu nổi hay không?
Năng lượng tinh thần kém không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc và chất lượng học tập, mà còn trực tiếp làm gián đoạn trạng thái cuộc sống của bạn.
Đối mặt với thời gian, mọi người đều bình đẳng. Nhưng năng lượng mà họ dùng để tạo ra giá trị và sự khác biệt là hoàn toàn khác nhau.
Cùng một ngày đi làm, có người về nhà đã kiệt sức, có người vẫn làm việc nhà và đọc sách một lát.
Cùng thức đêm, nhưng có người tràn đầy năng lượng vào ngày hôm sau, có người lại phải nghỉ ngơi vài ngày…
Cách tận dụng tốt 24 giờ mỗi ngày quyết định ai là người có kỷ luật với bản thân cao hơn, ai có thể tiến gần hơn đến mục tiêu và ai có thể trải nghiệm nhiều hạnh phúc hơn trong cuộc sống.
Chúng ta phải thừa nhận một sự thật rằng, năng lượng của người trưởng thành đang giảm dần, càng sau 30 tuổi, tinh thần họ càng dễ sa sút khi đối mặt với những chuyện không suôn sẻ.
Trong não bộ chúng ta, có một vùng gọi là hippocampus, có vai trò chịu trách nhiệm về trí nhớ ngắn hạn của chúng ta. Sau 30 tuổi, vùng này co lại 0,5%, đó cũng là lý do khiến trí nhớ của nhiều người giảm sút.
Nhưng giai đoạn này, họ lại đối mặt với nhiều áp lực như sự nghiệp, gia đình, cũng như sự phát triển của bản thân.
Có đôi lúc, không phải bạn không đủ kỷ luật với bản thân, mà do bạn không kiểm soát được phần lớn thời gian.
Có người đã kiểm soát được, nhưng lại vì cơ thể, cảm xúc và suy nghĩ không trong trạng thái ổn định, dẫn đến kết quả cũng không lý tưởng mấy.
Vì thế, ngoài việc học cách quản lý thời gian, chúng ta còn cần quản lý tốt năng lượng cá nhân của mình.
Nếu cuộc đời là một cuộc đua, thì cơ thể chúng ta như một chiếc xe đang chuyển động. Bốn nguồn năng lượng mà bạn cần luôn duy trì tốt cho xe vận hành đó chính là:
1. Năng lượng thể lực
Thể lực cũng giống như động cơ của ô tô, mã lực càng lớn càng dễ tăng tốc, vượt đèo dễ dàng.
Bạn nghĩ thế nào nếu cuối tuần dẫn bọn trẻ đi chơi công viên, khi chúng đang vui đùa thì bạn chỉ muốn kiếm một cái ghế ngồi xuống nghỉ ngơi?
Thế mới nói, sức khỏe tốt luôn là tiền vốn quý giá của mỗi người!
2. Năng lượng cảm xúc
Khi bạn có tâm trạng tốt, có gặp khó khăn cỡ nào cũng không dễ gục ngã, kiệt sức. Ngược lại, nếu bạn luôn mang tâm trạng chán nản, không vui trong một thời gian dài, bạn rất dễ tự “giam” mình, khó lòng thoát ra.
Cảm xúc tiêu cực như các yếu tố xấu tác động vào chiếc xe, khiến động cơ không thể nổ máy.
3. Năng lượng trí óc
Suy nghĩ liên quan đến sự tập trung. Khi năng lượng của bạn không đủ, sẽ khó tập trung hoàn thành vấn đề.
Một người thiếu tập trung giống như một chiếc xe mất phương hướng, lãng phí nhiên liệu nhưng không thể dành được phần thắng.
4. Năng lượng ý chí
Có thể coi ý chí chính là đích đến của chiếc xe. Nếu bạn làm điều mình không thích, sẽ rất dễ bối rối, mất phương hướng. Như vậy, con người bạn lúc nào cũng lâm vào trạng thái mông lung với cuộc sống, không có định hướng cụ thể!
– Theo Cẩm Thi –