Giữa đau khổ và hạnh phúc, hay đúng hơn chính là tiêu cực và tích cực, điều bạn phải làm là tìm cách để cái sau chiến thắng cái trước.
Không cần tìm kiếm xa xôi, hãy “cứu” bản thân bằng 4 bài học từ Jaggi Vasudev (còn gọi là Sadhguru) – bậc thầy yoga người Ấn Độ, nhà huyền môn và tác giả sách bán chạy nhất trên New York Times.
Sống cho hiện tại
“Tâm trí của chúng ta rất tuyệt vời, có thể ghi nhớ một cách sống động những trải nghiệm và thông tin đã trải qua. Những thứ này có thể được chuyển hóa thành trí tưởng tượng phi thường. Nhưng nếu bạn mất kiểm soát trí tưởng tượng, không thể phân biệt trí tưởng tượng là gì và thực tế là gì; tương lai là gì, hiện tại là gì, quá khứ là gì, thì tâm trí của bạn sẽ trở thành kẻ thù tồi tệ nhất”, Sadhguru nói.
Hầu hết những đau khổ trong cuộc sống đều đến từ vết thương trong quá khứ và sự phức tạp hóa trong suy nghĩ, cụ thể chính là khả năng tự suy diễn. Nhiều người vẫn còn dằn vặt những chuyện đã xảy ra từ 10 năm hay 20 năm trước. Nhiêu đây vẫn chưa đủ, họ còn lo lắng bồn chồn cho những chuyện chưa xảy ra. Vậy thì tương lai phải như thế nào mới đủ khiến họ an tâm?
Điều này không hề liên quan đến “số mệnh định sẵn” hay “vận may xui rủi”. Tất cả đều là hậu quả của việc con người không biết tận dụng hai khả năng vĩ đại nhất: Bộ nhớ sống động và trí tưởng tượng tuyệt vời.
Đừng lo lắng về tương lai, nếu bạn sống tốt trong thời điểm này, tương lai sẽ tự nhiên “nở hoa”. Bạn chỉ có thể xử lý những chuyện đang xảy ra, không thể đối phó với sự khó lường của thời gian chảy trôi. Mọi sự nỗ lực của hôm nay là sự chuẩn bị cho ngày mai.
Quan sát những sự tồn tại nhỏ bé nhất
Nhiều người quá đắm mình trong những suy nghĩ và cảm xúc của họ, nghiêm trọng hơn là mù quáng nhìn vào cuộc sống của người khác trên mạng xã hội.
“Tôi nghĩ các bạn phải tránh xa chiếc điện thoại di động và đi bộ xung quanh rừng. Nếu không làm được mỗi ngày thì vài ngày trong tháng cũng được. Bạn phải bị lạc ở đâu đó, một mình hòa vào tự nhiên; đi bộ, ngồi, quan sát. Nếu đủ tập trung, bạn sẽ phát hiện bản thân sẽ bị hấp dẫn bởi mỗi sinh vật nhỏ. Có lẽ bạn sẽ tự hỏi, tại sao với trí thông minh của mình, ngay cả cách một con kiến được sinh ra cũng không hiểu. Nhiều người chưa biết nhìn ra thế giới bên ngoài vì quá say sưa với thế giới của riêng mình, sống như vậy thật sự quá thiển cận và nhỏ bé”, bậc thầy yoga Ấn Độ nói.
Khi suy nghĩ và cảm xúc của bạn trở nên quan trọng hơn mọi thứ xung quanh, điều đó có nghĩa là bạn quá tập trung vào bản thân và hoàn toàn không nhận ra bản chất của cuộc sống. Chúng ta biết rất nhiều chuyện và có thể làm nhiều điều, nhưng chúng ta không thể hiểu tất cả mọi thứ. Đó là bản chất của sự tồn tại.
Buông bỏ những suy nghĩ giày xéo trong đầu bằng cách chia nhỏ sự quan tâm và tập trung. Bạn cũng có thể thử khám phá tự nhiên hoặc những điều mới lạ. Tất nhiên, bạn vẫn có thể tận hưởng suy nghĩ của mình, nhưng không còn đặt nặng như trước.
Đừng xem bản thân là nhất
Nếu muốn trải nghiệm nhiều điều trong cuộc sống, bạn không nên quá nghiêm túc, đôi khi tùy tiện một chút cũng không sao.
Chúng ta chỉ tồn tại trong vũ trụ này rất ngắn ngủi. Mà thiên hà chúng ta đang tồn tại – hệ mặt trời, chỉ là một điểm nhỏ trong vũ trụ. Trái đất là một điểm nhỏ. Trong điểm nhỏ này, thành phố bạn đang sống cũng chỉ là một điểm siêu nhỏ.
Yêu bản thân là điều nên làm, nhưng cái gì cũng vậy, “vật cực tất phản’’, tập trung vào bản thân quá nhiều thì bạn phải chấp nhận mình bỏ qua nhiều thứ, đôi khi chính là tình yêu hay một ai đó đáng lẽ đã “đúng người, đúng thời điểm”.
Cuộc sống ngắn ngủi
Cuộc sống rất ngắn ngủi, chỉ bằng cách làm những gì bản thân thực sự quan tâm, cuộc sống mới đáng giá. Nhưng điều quan trọng là bạn phải tìm thấy chúng.
“Tôi nói rằng việc tìm kiếm thứ bản thân quan tâm thực sự rất quan trọng, nhưng bạn không cần phải dành nửa cuộc đời để tìm kiếm. Không, bạn chỉ cần khai thác khả năng này để thấu hiểu và chấp nhận bản thân hơn. Khi tất cả mọi thứ là của bạn, cả thế giới là của bạn, vũ trụ cũng là của bạn”, Sadhguru nói.
Bạn chấp nhận bản thân, đồng thời tiếp tục nỗ lực tạo ra thứ quan trọng với mình, cũng xem như bạn đã tìm thấy ý nghĩa cuộc sống. Không cần thiết là hành động cụ thể, cũng không cần biết kết quả thành hay bại, mà phải nhận ra sự tồn tại của bản thân là một giá trị to lớn. Bởi lẽ, ngay cả thở và tồn tại cũng là kỳ tích.
– Theo Trung Hạ –