Lòng tin từ người khác là một loại tài sản vô hình, đẩy nhanh mọi tiến trình, giảm chi phí và thúc đẩy quá trình thăng tiến của bạn.
Nhưng làm sao để được tin? Trong cuốn “Smart Trust” (tựa Việt: Niềm tin thông minh – Kỹ năng thiết yếu biến người quản lý thành nhà lãnh đạo), tác giả Stephen M.R.Covey và các đồng sự đã chỉ ra 4 bí mật giúp bạn chinh phục lòng tin nơi người khác.
01 – Tuyên bố ý định rõ ràng, không lấp lửng, giấu giếm
Nhiều người thích nói ít làm nhiều để tránh tổn hại uy tín cá nhân. Tuy nhiên, theo các tác giả trong “Niềm tin thông minh”, thay vì nói ít, tuyên bố rõ ràng về ý định của bản thân mới là cách hiệu quả để xây dựng lòng tin.
Theo đó, trong cả tình huống cá nhân lẫn công việc, khi chúng ta không tuyên bố ý định, người khác thường đáp ứng theo một trong hai cách: Hoặc là họ phỏng đoán ý định của chúng ta, hoặc là họ áp đặt ý định của họ lên hành vi của chúng ta.
Đặc biệt, trong những tổ chức hay mối quan hệ có niềm tin thấp, người ta thường phỏng đoán trường hợp tệ nhất thay vì tốt nhất. Họ sẽ tự hỏi: “Người này có mục đích nào đằng sau?”, “Người này sắp giở trò gì?” Kết quả là họ đưa ra những phán xét và quyết định dựa trên những thông tin không chính xác, và thường làm tổn hại niềm tin.
Vì thế, tốt nhất là nêu rõ ràng ý định, lộ trình, động cơ và mục tiêu, không che giấu hay lấp liếm. Ngoài ra, cũng phải thật khôn ngoan để không tuyên bố quá khả năng thực hiện hoặc không làm tròn lời hứa, mà hệ quả là làm giảm niềm tin nơi người khác.
02 – “Nói là làm” bằng bất cứ giá nào
Bà hoàng truyền hình Mỹ Oprah Winfrey từng nói: “Nếu tôi đã cam kết làm điều gì đó, lý do duy nhất tôi không hoàn thành được nó là vì tôi bệnh đến mức không nhấc nổi người”. Bà thú nhận: “Tôi không thể kể có bao nhiêu lần tôi hứa và muốn từ bỏ, nhưng lần nào tôi cũng hoàn thành bằng mọi giá, vì với tôi, rút lui không bao giờ là một chọn lựa”.
Hành vi có khả năng xây dựng (lẫn phá huỷ) niềm tin cao hơn nhiều so lời nói. “Chúng ta đánh giá bản thân bằng ý định của chính mình, nhưng người khác đánh giá chúng ta qua hành động của chúng ta”, tác giả viết trong “Niềm tin thông minh”.
Vì vậy, nói đi đôi với làm được nhìn nhận như một thước đo quan trọng của việc xây dựng niềm tin. “Một lần bất tín, vạn lần bất tin”, nếu ai đó không làm những gì đã cam kết, uy tín, thương hiệu cá nhân của người đó sẽ trở nên tồi tệ và lòng tin dành cho người đó cũng sụp đổ nhanh chóng.
03 – Độ tín nhiệm = Tính cách + khả năng
Ngoài lời nói và hành động, điều người khác cân nhắc tin tưởng bạn phụ thuộc rất lớn vào “độ tín nhiệm”, được đánh giá thông qua tính cách (sự chính trực và ý định) và khả năng (năng lực và kết quả) của bạn.
Cụ thể hơn, các tác giả lý giải: “Chúng ta không bao giờ muốn hợp tác với người rất giỏi nhưng có tính gian lận, hay những người rất trung thực nhưng không có năng lực”.
Trong “Niềm tin thông minh”, Stephen M.R.Covey cho hay, những cá nhân, nhà lãnh đạo, đội nhóm hay tổ chức thành công đều biết “phát triển tính cách và năng lực để có thể tin vào chính mình và có được niềm tin từ người khác”.
Nói nôm na, nếu coi độ tín nhiệm của mỗi cá nhân như một tài khoản ngân hàng, thì một người luôn có cơ hội tăng số dư trong tài khoản một cách đáng kể “bằng việc thường xuyên ký gửi vào tài khoản của mình những hành vi vừa phát triển vừa thể hiện tính cách và năng lực xuất sắc”.
Yếu tố này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không ngừng thay đổi và hoàn thiện bản thân. “Khi chúng ta đi lên trong sự nghiệp của mình, các thay đổi hành vi thường là những thay đổi ý nghĩa nhất mà chúng ta có thể thực hiện”, các tác giả chỉ ra.
04 – Hiểu rằng giữ niềm tin là một thách thức thường trực
Cuối cùng, có lẽ không bí quyết nào mạnh mẽ bằng câu nói của tỷ phú Warren Buffett – chủ tịch Berkshire: “Berkshire được Fortune xếp hạng là công ty được ngưỡng mộ thứ hai trên thế giới. Chúng ta phải mất 43 năm mới tới được đó, nhưng chúng ta có thể đánh mất nó trong 43 phút”.
Mỗi người cần hiểu rằng giữ uy tín là một thử thách không bao giờ biến mất. “Có người đạt được niềm tin lúc này nhưng mất đi lúc khác”.
– Theo Nguyên Thảo –