Charlie Munger, tỷ phú tự thân, đồng thời là đối tác kinh doanh lâu năm của Warren Buffett, từng nói rằng ông chưa từng gặp người khôn ngoan nào mà không đọc sách. Không, không một ai.
Tuy nhiên, việc đọc sách không khiến bạn trở thành một người tốt hơn. Bạn có thể đọc 52 cuốn sách một năm mà chẳng thay đổi gì cả. Nội dung của cuốn sách và cách bạn đọc nó mới là điều giúp bạn cải thiện chất lượng cuộc sống và phát triển trí óc.
Tôi duy trì thói quen 1 tuần đọc 1 cuốn sách trong hơn hai năm nay và tiếp tục tìm cách cải thiện khả năng đọc của mình. Gần đây, tôi đã nghe Bill Gates chia sẻ những bài học miễn phí nhưng vô giá về cách ông ấy đọc sách.
Dưới đây là ba phương pháp đọc hàng đầu của ông và cách áp dụng chúng:
1. Ghi chú bên lề
Trong một thế giới toàn những thứ gây phiền nhiễu như ngày nay, bạn có thể dễ dàng đánh mất đi sự tập trung của mình với tốc độ ánh sáng. Nếu điện thoại nằm trong tầm với, bạn sẽ dễ dàng bỏ đi nhiệm vụ mình đang làm dang dở mà thậm chí không nhận ra.
Ghi chú bên lề cuốn sách là một cách đơn giản nhưng hiệu quả. Với một cây bút trên tay, bạn sẽ xem cuốn sách trước mắt là tùy chọn mặc định của mình. Bạn sẽ thấy mình tập trung suy nghĩ hơn.
Hơn nữa, việc viết nguệch ngoạc trên các trang giấy sẽ giúp bạn dễ ghi nhớ những gì mình đã đọc hơn. Lúc đó, bạn sẽ liên kết kiến thức mới với những gì mình đã biết. Điều này giúp bạn suy nghĩ kỹ hơn về những điều mà sách nói đến.
Gates luôn đặt mục tiêu liên kết kiến thức mới với những gì ông đã biết. Nếu ông không đồng ý với những gì mà sách viết, ông thậm chí ghi chú còn nhiều hơn nữa:
“Nếu tôi không đồng ý với một cuốn sách, đôi khi tôi phải mất rất nhiều thời gian để đọc cuốn sách đó vì tôi viết quá nhiều thứ bên lề cuốn sách. Kiếu rất khó chịu. Vui lòng nói điều gì đó mà tôi đồng ý để tôi có thể hoàn thành cuốn sách này nhanh chóng.”
Áp dụng như thế nào:
Cầm bút trên tay trước khi bạn mở cuốn sách ra đọc. Hãy gạch bỏ những gì bạn không thích và viết ra điều bạn cho là đúng. Ghi lại một câu hỏi nếu ý trong sách không rõ ràng. Viết nguệch ngoạc suy nghĩ của bạn ra bên lề và liên kết những gì bạn học được với những gì bạn đã biết.
Làm thế nào để có thể liên kết những con chữ trong sách với kinh nghiệm riêng của mình?
Bạn có thể thêm vào ví dụ nào để phản biện với ý kiến của tác giả?
Bạn có bất kỳ quan điểm nào để chứng minh không?
Bạn sẽ sớm nhận ra rằng ghi chép không chỉ giúp bạn tập trung mà còn ghi nhớ những gì bạn đã đọc. Bạn viết càng nhiều, bạn nhớ càng nhiều.
Trong lý thuyết học, cách ghi nhớ mọi thứ này được gọi là “nhẩm lại ý nghĩa” (elaborative rehearsal). Bạn tạo mối liên hệ giữa thông tin mới trong sách và thông tin bạn đã biết. Bạn càng trình bày chi tiết hoặc càng cố gắng hiểu điều gì đó, bạn càng có nhiều khả năng lưu giữ thông tin mới này trong bộ nhớ dài hạn của mình.
2. Đọc cho hết cuốn sách
Nguyên tắc thứ hai của Gate rất đơn giản: đọc cho đến cùng.
Bạn phải đọc từng trang một. Ông nói:
“Đó là quy tắc của tôi để tôi có thể đọc hết 1 cuốn sách.”
Nghiêm túc ư? Bạn nên bỏ qua nguyên tắc này vì những chuyên gia về năng suất khuyên bạn không nên đọc hết một cuốn sách dở. Hãy cẩn thận.
Bill không khuyên bạn nên đọc hết một cuốn sách dở ẹc.
Thay vào đó, quy tắc của ông nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc cân nhắc 1 quyển sách trước khi bắt đầu đọc nó. Cân nhắc xem cuốn sách đó có đáng để bạn bỏ thời gian hay không.
Làm như vậy, bạn sẽ hình thành thói quen đọc có chủ đích như Bill Gates. Bởi vì quy tắc của ông là phải đọc hết một cuốn sách nếu đã quyết định lật nó ra, ông sẽ suy nghĩ kỹ trước khi đọc nó.
Đọc cho hết một cuốn sách không có nghĩa là bạn nên ép mình đọc một cuốn sách dở. Thay vào đó, hãy chọn cẩn thận và sau đó cam kết đọc hết cuốn sách. Ngay cả khi bạn thấy nó khó, mâu thuẫn.
Áp dụng như thế nào
Internet cho phép chúng ta truy cập vào thư viện của những bộ óc thông minh. Ví dụ: Obama đã tweet “những cuốn sách yêu thích năm 2019” và Bill thì đưa ra đề xuất sách mỗi năm một lần.
Bắt đầu một danh sách muốn đọc với mọi cuốn sách bạn định đọc. Để làm được điều này, bạn có thể sử dụng các ứng dụng danh sách như Google Keep, Wunderlist hoặc ToDoist hoặc tạo hồ sơ trên Goodreads.
Tôi thích sử dụng Goodreads khi nhìn thấy trang bìa và xếp hạng tổng thể của một cuốn sách. Trước khi đặt hàng số lượng lớn, tôi sẽ duyệt qua danh sách của mình để chọn những cuốn sách mình muốn đọc.
3. Đọc ít nhất một giờ/lần
Bill nói, để tâm trí của bạn tập trung vào một cuốn sách, bạn nên “chặn” một giờ mỗi lần bạn đọc. Ông nói:
“Nếu bạn đọc sách, bạn nên tập trung trong một giờ đồng hồ. Mỗi tối tôi đều đọc sách, tôi đọc hơn một giờ một chút để tôi khai thác được cuốn sách và cải thiện bản thân.”
Mặc dù lời khuyên của Bill có thể áp dụng cho các tỷ phú đã nghỉ hưu, nhưng tôi khuyên bạn nên điều chỉnh quy tắc của ông ấy thành: “Đặt ra mục tiêu 1 ngày đọc 1 giờ cố định mà không có sự gián đoạn nào, còn lúc khác, bạn thích đọc giờ nào thì đọc”.
Áp dụng như thế nào
Biến nó thành một nghi thức bắt buộc trước khi đi ngủ. Để làm được như vậy, hãy thay thế chiếc điện thoại thông minh của bạn bằng chiếc đồng hồ báo thức và lên giường sớm hơn một giờ.
Báo thức 9h tối mỗi ngày trên chiếc điện thoại yêu dấu của bạn, mục đích để nhắc bạn tắt tất cả các thiết bị kỹ thuật số của mình đi. Sau đó đặt thêm cái báo thức thứ 2 vào lúc 9:20 như là một cái deadline và bắt buộc bạn phải tuân thủ.
Nghi thức trước khi đi ngủ của tôi là đọc sách. Trên giường, tôi chỉ có thể ngủ hoặc đọc sách. Đó là cách tôi đọc một cuốn sách / tuần trong hai năm rồi. Bạn tắt thiết bị điện tử càng sớm, bạn càng đọc được nhiều.
Việc tuân theo các nguyên tắc của Bill không phức tạp, tốn thời gian hay mệt mỏi. Ngược lại những nguyên tắc này làm cho việc đọc trở nên thú vị và đáng giá.
Thay vì cảm thấy mệt mỏi với những ý tưởng bày bạn cách đọc sách. Bạn hãy thoải mái thay đổi cho phù hợp với nhịp điệu của bản thân. Cái nào tốt cho bản thân thì giữ lại, còn cái nào không phù hợp, bạn có thể tìm cách thay thế.
Hãy chọn một hoặc hai thói quen đọc sách mới cho đến khi bạn tìm thấy một khuôn mẫu thích hợp giúp bạn trên hành trình vươn tới sức khỏe, sự giàu có và trí tuệ.
– Theo Cafebiz –